|
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, người đang muốn rút ngắn chương trình đại học xuống còn 2 năm. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp. |
Liệu rằng những bức xúc của người đứng đầu VCCI có là hợp lý khi mà 2 năm chỉ có thể là thời gian để đào tạo trung cấp và cùng lắm là cao đẳng nếu có thể rút ngắn được? Theo GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch CLB các Khoa, Viện, Trường đào tạo CNTT Việt Nam (FISU), chương trình đào đại học đầy đủ của phần đông các trường ở Việt Nam vẫn phải là 4 năm, và nếu có rút ngắn như Đại học Việt-Pháp theo đúng chuẩn của Châu Âu cũng phải là 3 năm chứ không thể rút ngắn được hơn nữa. Tuy nhiên, ông cũng thông cảm với những bức xúc của người đứng đầu VCCI và cho rằng ông này nên trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để cùng bàn giải pháp về nguồn nhân lực ở bậc đại học mà các nhà tuyển dụng đang rất trông đợi phải có sự đột phá.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào một thực tế ở các đại học là phần đông các trường, ngoài kiến thức do các bậc thầy giảng dạy thì dường như có rất ít các sinh hoạt ngoại khóa về chuyên môn, thậm chí có những trường dường như hoàn toàn không có. Chúng ta không nên "trách" các trường mà chính doanh nghiệp cùng các tổ chức hội khoa học chuyên ngành phải có trách nhiệm. Và đương nhiên, các tổ chức kiểm định chất lượng đại học cũng cần phải bổ sung tiêu chí về hoạt động ngoại khóa về khoa học vào những tiêu chí đánh giá, xếp hạng các đại học.
Riêng về nỗi lo của TS Vũ Tiến Lộc là sau 4-5 năm sinh viên mới tốt nghiệp ra trường sẽ khó lòng theo kịp thực tiễn, thì đã có những ý kiến phản biện rằng các trường đại học Việt Nam phải bổ sung vào chương trình một môn học gọi là “Tương lai học”. Môn học này về cơ bản sẽ mang tính phương pháp luận để sinh viên tự tìm tòi, khám phá những công nghệ của tương lai chứ không chỉ là những kiến thức mà nhà trường đang cung cấp. Năm 2010, một tổ chức giáo dục của Anh Quốc đã tới Việt Nam để tổ chức hội thảo giới thiệu về “Tương lai học” song rất tiếc là lãnh đạo cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không tới dự nên suốt từ đó đến nay. “Tương lai học” vẫn chưa được “nhập khẩu” vào các đại học của Việt Nam theo chủ trương chính thức. Song có lẽ, các đại học cũng không nên quá chờ đợi vào việc “nhập khẩu” môn học này từ nước ngoài mà nên chăng cần có sự hợp tác của các chuyên gia về hoạch định chiến lược. Làm tốt được điều này cho cả thầy và trò, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, đầu ra của các đại học sẽ dễ thích ứng với thời cuộc.