Rủi ro địa chính trị ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu

Với chủ đề "Bối cảnh Toàn cầu Mới", Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 tại Davos, Thụy Sĩ, tập trung bàn thảo những thách thức nổi cộm, trong đó có những rủi ro địa chính trị toàn cầu.
Công việc chuẩn bị khai mạc hội nghị WEF. (TTXVN).
Công việc chuẩn bị khai mạc hội nghị WEF. (TTXVN).

Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn Báo cáo Rủi ro Toàn cầu được WEF công bố trước thềm Hội nghị cho thấy, vấn đề địa chính trị ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2015 khi chiếm tới ba trong tốp 10 rủi ro hàng đầu có thể xảy ra, và hai trong số 10 rủi ro hàng đầu xét theo khía cạnh tác động tiềm tàng. Trong những thập kỷ sau Chiến tranh Lạnh, rủi ro địa chính trị thường không được đề cập nhiều trong các chương trình nghị kinh tế, song cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi đó.

WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây tuột dốc, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi vẫn chưa được kiểm soát, các cuộc xung đột tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông và một số khu vực khác trên thế giới, dòng người tị nạn chưa từng thấy từ Syria và Iraq, các vấn đề sản xuất và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia. Do đó, trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra nhiều cuộc gặp, đối thoại chính thức và không chính thức nhằm thúc đẩy nỗ lực kiến tạo hòa bình. Đây cũng là lý do trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 45, thay vì tập trung vào chủ đề kinh tế, WEF công bố một loạt thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt.

Chủ tịch điều hành đồng thời cũng là nhà sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab bảy tỏ hy vọng: Diễn ra trong một thời điểm khởi đầu của một năm, Hội nghị thường niên Davos sẽ đạt được nhận thức chung giữa các nước về một bối cảnh mới, tìm giải pháp cho một nghị định khung cũng như đóng góp vào việc khôi phục lòng tin toàn cầu. "Bối cảnh toàn cầu mới" được mô tả như một thế giới được thúc đẩy bởi sự phức tạp, độ kết nối và tốc độ ngày càng nhanh, cùng với những đổi thay nhanh chóng về môi trường địa chính trị. Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại, đòi hỏi các mô hình mới gắn kết giữa các chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội dân sự để cùng giải quyết.

WEF 2015 cũng tiến hành bàn thảo nhiều vấn đề từ tăng trưởng, hợp tác, xã hội đến môi trường, xung đột leo thang địa chính trị, bệnh dịch, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của Internet hay tương lai của hệ thống tài chính... Sự quan tâm và tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu cùng với nhiều nhân vật rất có uy tín từ khắp nơi trên thế giới giúp tạo ra những cơ ứng phó một cách tốt nhất với những rủi ro thông qua các phương pháp tiếp cận khoa học.

Diễn ra từ ngày 21/1 đến 24/1, Hội nghị WEF năm nay thu hút sự tham dự khoảng 2.500 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu sẽ tham dự các phiên họp chính thức, một loạt hoạt động song phương, cũng như nhiều hoạt động bên lề với các doanh nghiệp tiêu biểu của Diễn đàn.

Theo kế hoạch, Trưởng đoàn Việt Nam sẽ tham dự với tư cách là diễn giả tại phiên họp Triển vọng địa chính trị toàn cầu 2015 vào sáng 24/1 (theo giờ Việt Nam) để bàn về các ưu tiên khu vực và toàn cầu, cùng với những tác động sẽ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và nền kinh tế trong năm 2015.

Theo: TTXVN