|
Giáo sư Gael McDonald trình bày về chương trình RMIT Access. Ảnh: Kiều Trang. |
Theo thông tin từ ĐH RMIT Việt Nam, Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng trường ĐH RMIT Việt Nam vừa cho biết tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo 2017, sáng kiến RMIT Access đã được áp dụng ở cả 2 cơ sở đào tạo của trường tại Hà Nội và TP.HCM nhằm giúp các sinh viên gặp khó khăn trong học tập có thể tiếp cận tối đa với giáo dục. Điều này đóng vai trò trọng yếu trong việc tạo ra hệ thống giáo dục bậc cao bình đẳng.
Giáo sư Gael McDonald chia sẻ: “Qua RMIT Access, trường đã xem xét các tài liệu sẵn có và chuyển đổi hoàn toàn tất cả tài liệu học sang định dạng mà mọi sinh viên gặp khó khăn khác nhau trong học tập đều có thể tiếp cận được”.
Chương trình RMIT Access, chính thức thành lập năm ngoái, bảo đảm các tài liệu học tập số được trình bày theo định dạng mặc định để mọi sinh viên có thể tiếp cận được. Điều này có nghĩa tất cả bản thuyết trình PowerPoint sẽ dùng mẫu thiết kế đặc biệt giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận, tất cả các tài liệu theo định dạnh âm thanh hoặc video sẽ có bản dịch kèm theo, và tất cả hình ảnh sẽ có đoạn mô tả và có thể đọc được bằng phần mềm đọc màn hình.
Sáng kiến này đã chuyển đổi hơn 1.400 bản thuyết trình PowerPoint hiện có sang định dạng có thể truy cập, tạo ra hơn 1.000 bản dịch và hơn 1.600 văn bản mô tả hình ảnh.
Giáo sư McDonald cho biết, tại Việt Nam việc hiểu biết và chấp nhận khác biệt trong học tập vẫn chưa phổ biến, và các bạn trẻ có thể không bao giờ nhận ra rằng hình thức khiếm khuyết này phổ biến trong xã hội.
Giáo sư nói: "Trong 16 năm hoạt động ở Việt Nam, sinh viên gặp nhiều dạng khó khăn khác nhau trong học tập đã tìm đến chúng tôi - nhiều trong số đó đã không được nhận biết trong suốt mấy mươi năm đầu đời. Chúng tôi đã gặp những sinh viên rối loạn phổ tự kỷ, sinh viên bị khiếm thính và gặp hạn chế về thị lực, sinh viên gặp khó khăn trong học tập như chứng khó đọc – loại khó khăn ảnh hưởng đến khoảng 1/25 dân số”.
Bà đã đưa ra ví dụ về một số người thành công nhất trên thế giới, trong đó có nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, ông chủ hãng Virgin Richard Branson, nữ diễn viên người Anh Emma Watson và nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking. Tất cả những vị này đều vượt qua những thách thức to lớn như khác biệt trong học tập, chấn thương cảm xúc và các vấn đề về thể chất.
Giáo sư McDonald chia sẻ: “Điều thực sự quan trọng là nâng cao nhận thức, giúp giảm kỳ thị, đồng thời nỗ lực tạo cảm hứng cho những người khác biệt nhằm đảm bảo rằng khác biệt không phải là rào cản không thể vượt qua mà là những chướng ngại bình thường có thể đối mặt. Đây không phải là chuyện của riêng ai, mà là thể hiện trong công việc và thành công tương lai của rất nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không được quan tâm đầy đủ. Vì vậy, những thảo luận tương tự vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới”.
Tính đến tháng 6/2017, Bộ phận Bình đẳng giáo dục của trường đã tiếp nhận 98 trường hợp gặp khó khăn trong học tập, tăng gấp ba lần mỗi năm tính từ thời điểm bộ phận này ra đời. Giáo sư Gael McDonald cho biết bà tin rằng RMIT Access sẽ có lợi cho rất nhiều sinh viên hơn nữa trong những năm tới.
Diễn đàn cũng bàn về những xu hướng mới nhất trong giáo dục như các Khóa học trực tuyến mở quy mô lớn (MOOCs), các khóa học và đào tạo tập trung Bootcamps cũng như những hình thức thay thế cho giáo dục truyền thống, và những khuyến nghị nhằm phát triển hơn nữa mô hình giáo dục STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tại Việt Nam.
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo 2017 do RMIT Việt Nam phối hợp với Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, và Tiểu ban Dược thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tổ chức, và nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Úc.