Quốc tế hóa Giáo dục đại học: Góp phần tạo ra những công dân toàn cầu

VietTimes -- Chiều 1/8, Đại sứ quán Australia phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học – xây dựng đại học ưu tú”.  
Hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học – Xây dựng đại học ưu tú” -Ảnh: Minh Thúy.
Hội thảo “Quốc tế hóa giáo dục đại học – Xây dựng đại học ưu tú” -Ảnh: Minh Thúy.

Hội thảo nhằm tìm hiểu chiến lược và cách thức các trường đại học (ĐH) đạt được sự xuất sắc và tạo ra tác động, từ đó cải thiện thứ hạng xếp hạng toàn cầu và thực hiện quốc tế hóa giáo dục ĐH.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chính phủ Việt Nam và Bộ GD&ĐT rất coi trọng giáo dục đào tạo quốc tế.

TS. Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT
TS. Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT 

Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục hợp tác quốc tế. Điển hình như khung trình độ quốc gia Việt Nam phù hợp với khung trình độ châu Âu và phù hợp với khoảng 70% khung trình độ các nước trên thế giới.

Luật Giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 là bước đột phá, nhằm nâng cao quyền tự chủ của các trường ĐH, trong đó có hợp tác quốc tế, đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài được thành lập các phân hiệu tại Việt Nam.

Nghị định 86 năm 2018 quy định về hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực GD&ĐT đã thông thoáng hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các trường ĐH Việt Nam liên kết đào tạo trực tuyến với các trường ĐH của nước ngoài, là một điểm hết sức mới.

Cùng với đó, những quy định quản lý du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, công tác quản lý du học sinh nước ngoài tại Việt Nam, quản lý chuyên gia tại nước ngoài đã được Bộ GD&ĐT coi trọng. 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế, quốc tế hóa giáo dục ĐH có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc này góp phần đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và cũng là sứ mệnh để đảm bảo các trường ĐH tồn tại và phát triển.

Giáo dục ĐH cung cấp nguồn nhân lực then chốt cho thị trường lao động. Quốc tế hóa giáo dục ĐH đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, đào tạo ra những công dân toàn cầu và thu hút học sinh, sinh viên quốc tế học tập tại Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà khoa học, giáo sư giỏi trên thế giới đến Việt Nam để làm việc và nghiên cứu, đồng thời, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục. 

Có 6 nội dung rất quan trọng Việt Nam có thể nghiên cứu từ phía nước bạn. Đó là: Công tác lãnh đạo, quản trị ĐH; liên kết đào tạo; đảm bảo chất lượng; kết nối giữa các trường ĐH và doanh nghiệp; nghiên cứu khoa học; dịch chuyển, trao đổi học sinh, sinh viên và các giảng viên.

Tại hội thảo, bà Joana Wood - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Australia - cho biết, hội thảo là dịp để chia sẻ về lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục ĐH. Hiện có 622.000 sinh viên quốc tế đang học tại Australia. Năm 2018 Australia đã đào tạo rất nhiều sinh viên quốc tế, gần 90% sinh viên quốc tế hài lòng.

Tại Australia có 7 trường ĐH thuộc top 100 các trường ĐH trên thế giới. Từ năm 1980, Australia ngày càng tăng cường công tác hợp tác giáo dục quốc tế của mình.

"Tôi hy vọng những chia sẻ trong hội thảo ngày hôm nay sẽ tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Australia" – Bà Joana Wood cho hay.

Bà Joana Wood - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Australia
Bà Joana Wood - Tham tán Giáo dục Đại sứ quán Australia

Ông Rongyu Li – Phó Hiệu trưởng (đối ngoại) Trường ĐH Queensland (Australia) cho biết, chúng tôi đã và đang tuyển dụng các sinh viên quốc tế, tiếp tục phát triển để hợp tác với các trường ĐH. Trường ĐH Queensland đã đào tạo hơn 14.500 nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ, hàng năm có khoảng 268.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH.

Ông Rongyu Li – Phó Hiệu trưởng (đối ngoại) Trường ĐH Queensland (Australia)
Ông Rongyu Li – Phó Hiệu trưởng (đối ngoại) Trường ĐH Queensland (Australia) 

Theo TS. Nghiêm Xuân Huy – Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Quốc gia Hà Nội đã và đang từng bước thực hiện quốc tế hóa giáo dục ĐH với mục tiêu chú trọng vào chất lượng đào tạo.

“Làm tốt từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với chỉ số và tiêu chí trong bảng xếp hạng sẽ đưa chất lượng đào tạo của trường ngày càng phát triển. Phát triển nhân tài, tối ưu hóa quản trị, đa dạng hóa hợp tác quốc tế là 3 mục tiêu chính mà trường ĐH Quốc gia Hà Nội hướng tới.” - TS. Nghiêm Xuân Huy nhấn mạnh.

TS. Nghiêm Xuân Huy – Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
TS. Nghiêm Xuân Huy – Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội

Có thể thấy, xếp hạng đã trở thành một phần quan trọng trong giáo dục ĐH, trên qui mô toàn cầu và khu vực. Xếp hạng đóng vai trò lớn trong việc định hình cái nhìn của các sinh viên hiện tại và tiềm năng, phụ huynh, người sử dụng lao động và chính phủ về chất lượng của các tổ chức giáo dục ĐH.

Một số quốc gia sử dụng bảng xếp hạng ĐH như một phần của các chương trình nhập cư dựa trên thang điểm, trong khi các quốc gia khác tự động công nhận bằng cấp từ các trường ĐH được xếp hạng cao hơn. Một số quốc gia yêu cầu các trường nước ngoài phải được xếp hạng cao để đủ điều kiện trở thành tổ chức đối tác cho hợp tác chung, hoặc các chương trình cụ thể.

Đại biểu tham dự hội nghị.
Đại biểu tham dự hội nghị. 

Chủ đề của hội thảo lần này đặc biệt đúng thời điểm khi Việt Nam đã đặt mục tiêu cải thiện quốc tế hóa lĩnh vực giáo dục ĐH. Năm 2018, lần đầu tiên hai trường ĐH Việt Nam được xếp hạng trong 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới, là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.