Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư gồm 267 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh; tư pháp; công thương; lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch và đầu tư; y tế; khoa học và công nghệ; tài nguyên và môi trường; ngân hàng.
Việc tập hợp và công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ là một trong những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư, góp phần đổi mới nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư kinh doanh tất cả các ngành, nghề mà Luật này không cấm.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đầu tư trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện Danh mục này bởi những lý do chủ yếu như: Một số ngành, nghề quy định tại danh mục này không còn cần thiết do không đáp ứng các tiêu chí và mục tiêu quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. Các Luật khác được ban hành sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành đã quy định một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới, cần được bổ sung trong danh mục này. Một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại danh mục này còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể và chuẩn xác cả về tên gọi cũng như nội dung, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc áp dụng và tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh...
Như vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được Luật Đầu tư xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Dự thảo luật này gồm những nội dung chủ yếu là: Bãi bỏ 27 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do không đáp ứng các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư hoặc thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.
Bổ sung 15 ngành, nghề đã được quy định tại các luật hiện hành hoặc ngành, nghề mới phát sinh cần áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với các tiêu chí và mục đích quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư.
Hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề.
Cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.
Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện còn 226 ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).
Cũng trong phiên họp toàn thể chiều 9/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1/1/2017. Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết này sau khi kết thúc thời hạn thí điểm để Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.