Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi): Cần tăng khả năng tiếp thu công nghệ mới

Bên cạnh các điều khoản về mua bán, thương mại hóa trong chuyển giao công nghệ (CGCN), dự thảo Luật CGCN sửa đổi nên có quy định giúp tăng khả năng hấp thụ và tiếp thu công nghệ mới cho doanh nghiệp.
Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối của Tập đoàn Viettel. Ảnh: Thu Mai
Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối của Tập đoàn Viettel. Ảnh: Thu Mai

Năng lực hấp thu công nghệ yếu

Theo nhận định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam rất yếu kém, mức độ hấp thụ công nghệ đứng thứ 121/140, khả năng tiếp thu công nghệ đứng thứ 112/140 thế giới.

Dự thảo Luật CGCN sửa đổi sẽ được thảo luận tại Quốc hội sắp tới còn thiếu những điều khoản về quy định, giải pháp nhằm tăng cường khả năng hấp thụ và tiếp thu công nghệ mới cho doanh nghiệp.

Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối của Tập đoàn Viettel. Ảnh: Thu Mai

Trên thực tế, việc định giá phần liên quan đến bí quyết và bản chất công nghệ đi kèm hệ thống thiết bị đem bán thường rất khó khăn. Đôi khi bên bán cố ý không chuyển giao hết để bên mua phải phụ thuộc lâu dài. Để nhanh chóng làm chủ hệ thống thiết bị công nghệ đã chuyển giao, chúng ta cần chủ động nghiên cứu tiếp thu công nghệ trên cơ sở hệ thống thiết bị mới mua được.

Nhận xét về chính sách KH&CN đổi mới của Việt Nam, các chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế nêu một vấn đề khẩn cấp là Việt Nam chưa chú ý nâng cao khả năng làm chủ công nghệ. “Phần thưởng sẽ đến với những quốc gia biết tổ chức học hỏi và hành động trên cơ sở những gì học được” là lời khuyên của họ.

Một số giải pháp

Để tăng khả năng hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới, nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập thiết bị công nghệ cao lập nhóm nghiên cứu gồm cả cán bộ khoa học từ các viện, trường, cùng hưởng lợi từ kết quả tạo ra. Ở Trung Quốc, khi liên doanh sản xuất ôtô, họ yêu cầu đối tác đưa trước thiết kế và sẵn sàng cấp thêm đất để xây phòng thí nghiệm cùng nghiên cứu. Trong khi đó, việc đầu tư cho ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam chỉ đơn giản là lắp ráp theo khuôn mẫu.

Đối với các ngành liên quan dùng chung một số thiết bị, nên có cơ chế khuyến khích nhập về rồi nghiên cứu, mổ xẻ để nhân bản; các bộ phận, linh kiện cao cấp có thể nhập ngoại riêng lẻ. Cách làm này không vi phạm bản quyền mà có thể tạo ra sản phẩm rẻ hơn.

Một giải pháp khác là tổ chức tham quan thực tập ở nước ngoài, chuẩn bị tốt bằng hội thảo với các báo cáo dẫn đề, có phân tích tổng quan từ kho tư liệu Internet và báo cáo kinh nghiệm khai thác, vận hành thiết bị của các cán bộ làm trực tiếp.

Giải pháp hiệu quả nhất là tăng khả năng tiếp thu công nghệ mới của cán bộ trực tiếp vận hành thiết bị bằng các khóa đào tạo liên tục như cách nhiều nước triển khai, nhằm cập nhật những kiến thức và kỹ năng hiện đại nhất. Trong chuyển giao công nghệ thời hội nhập quốc tế, cần khai thác triệt để ý tưởng “có cạnh tranh mới phát triển”. Cạnh tranh là phải làm sao có sản phẩm vượt lên trên đối tác, hoặc ít nhất cũng phải làm khác đi.

Theo KHPT