Quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam: Tiềm năng "xuất ngoại" rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với trên 5.100 loài cây dược liệu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng. Đặc biệt, tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm phong phú, là tiềm năng để Việt Nam phát triển thành một ngành kinh tế.

Hoa hồi là dược liệu quý, cũng để làm gia vị trong thực phẩm
Hoa hồi là dược liệu quý, cũng để làm gia vị trong thực phẩm

Trong các loại dược liệu, Việt Nam có ưu thế về cây quế, khi diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Việt Nam cũng là nước sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, chỉ sau Indonesia và Trung Quốc.

Việt Nam cũng có nhiều vùng trồng hồi - loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, hiện chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu và ẩm thực đã khiến các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Quế1.jpg
Diện tích quế của Việt Nam chiếm 17% diện tích quế toàn cầ

Hiện nay, các sản phẩm từ quế, hồi Việt Nam được các nước ở khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU đặc biệt quan tâm. Những năm qua, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, cũng tạo cơ hội để sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm điều kiện phát triển, như ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ đã khiến lượng quế, hồi từ Việt Nam vào Ấn tăng mạnh.

Là một trong những quốc gia sản xuất dược liệu hàng đầu trên thế giới, Ấn Độ cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới. Trong đó, nguồn quế hồi của Việt Nam chiếm tới hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi ở Ấn bởi hàm lượng tinh dầu tốt, có hương vị đặc trưng.

Riêng năm 2022 - 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 32.650 tấn quế, chiếm 85% lượng quế nhập khẩu của Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.

Quế, hồi cũng là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại Mỹ, nhờ chất lượng tốt và số lượng ổn định, trong khi Mỹ là nơi đa dạng về sắc dân và nhu cầu tiêu dùng hướng đến các mặt hàng đặc sản, có giá trị sức khoẻ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu quế của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 50 triệu USD, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu quế của Hoa Kỳ.

Quế hồi không chỉ là gia vị được ưa chuộng, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, được bổ sung vào trà, cà phê và các đồ uống khác. Hậu đại dịch, mối quan tâm gần như hàng đầu của người tiêu dùng là những sản phẩm tăng sức đề kháng và dễ dàng chế biến, sử dụng tại nhà. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng tinh dầu quế là đang ngày càng tăng mang lại tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu quế hồi của Việt Nam.

vỏ quế.jpg
Vỏ quế - một dược liệu quý của Việt Nam

Pakistan cũng là nơi tiêu thụ quế, hồi tiềm năng vì có nhu cầu cao, chủ yếu làm gia vị nên ưa chuộng loại quế vỏ mỏng tinh dầu thấp. Quế nhập khẩu vào Pakistan cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật, chứng nhận Halal, riêng sản phẩm qua chế biến phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với quế, hoa hồi Việt Nam chiếm 1% thị phần và thảo quả chiếm 5,8% thị phần tại Pakistan. Quốc gia này nhập khẩu hoa hồi và thảo quả cũng chủ yếu làm gia vị do đó ưa chuộng loại giá rẻ, ít tinh dầu và cần có các chứng nhận tương như với quế và sản phẩm từ quế.

Năm 2022 Pakistan nhập khẩu 7.000 tấn quế, trong đó quế Việt Nam chiếm hơn 4% thị phần. Xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.

Giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là bởi, phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ.

Theo ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược (Bộ Y tế) – Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm, nhưng lại chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu nên còn mang tính tự phát.

Ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị các bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác.

quế.jpg
Quế - một sản phẩm của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng

Các chuyên gia cho rằng, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, có 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

Một vấn vấn đề nữa là cần đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm quế, hồi nói riêng và dược liệu nói chung, lên sàn thương mại điện tử, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, để khẳng định thương hiệu dược liệu an toàn và hiếm quý của Việt Nam.