Buổi họp báo có sự tham gia của Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam, đại diện các Sở TNMT, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thép Việt Pháp và các cơ quan chức năng liên quan.
Không ô nhiễm môi trường?
Trả lời các câu hỏi của báo giới, đại diện Sở TNMT, chủ đầu tư khẳng định công nghệ sản xuất không gây nguy hại cho môi trường nước và kết quả quan trắc đều nằm trong quy chuẩn cho phép. "Trong quá trình hoạt động, Sở TN&MT, Công an tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Kết quả phân tích đo đạc các mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển đô thị Điện Bàn, xét thấy cụm CN&DV Thương Tín 1 gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, môi trường và không được sự đồng tình của người dân địa phương nên UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Công ty TNHH thép Việt Pháp khảo sát địa điểm để di dời nhà máy", bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn và Công ty TNHH thép Việt Pháp đã khảo sát và lựa chọn địa điểm di dời Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp lên cụm công nghiệp huyện Nam Giang, tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang với diện tích 17,3 ha. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH thép Việt Pháp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với quy mô 180.000 tấn/năm tại địa điểm trên.
Ông Đinh Phú Tân, đại diện chủ đầu tư Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cho biết công nghệ sản xuất của nhà máy là sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh bụi, khí thải. Nguyên liệu chính sử dụng sắt thép phế liệu để nấu (không sử dụng quặng) nên nước dùng chủ yếu để làm mát thiết bị và được tuần hoàn tái sử dụng không thải ra môi trường, còn nước thải sinh hoạt ước lượng khoảng 20 m3/ngày cũng được xử lý đạt chuẩn và thải ra môi trường. Riêng đối với bụi với khí thải được xử lý qua 3 công đoạn mới thải ra môi trường đạt quy chuẩn cho phép.
Nhiều vấn đề cần làm rõ!
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở việc di dời nhà máy thép mà vấn đề là ảnh hưởng đến nguồn nước thượng nguồn sông Vu Gia khi nhà máy thép cũng như cụm công nghiệp huyện Nam Giang đi vào hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, thành viên Hội đồng đánh giá ĐTM khẳng định: "Nhà máy cán luyện thép Việt Pháp không sử dụng công nghệ như Formosa Hà Tĩnh nên không sử dụng nước trong quá trình sản xuất mà chỉ sử dụng nước để làm mát và tái sử dụng nguồn nước này chứ không thải nước ra môi trường.Việc di dời nhà máy lên núi là để giảm gây tiếng ồn cho người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Việc nhà máy hoạt động ban đêm là nhằm sản xuất tránh giờ cao điểm. Và việc di dời lên miền núi Nam Giang là để nhà máy phát triển bền vững.
Chúng ta phải thừa nhận là việc nhà máy hoạt động là có ảnh hưởng đến người dân, không thể không ảnh hưởng như không có nhà máy. Nhưng việc ảnh ấy nằm trong giới hạn cho phép của quy định"
Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến kết luận quy chế chung giữa Thường vụ Tỉnh ủy 2 địa phương liên quan đến các vấn đề tác động chung, như liên quan đến thượng nguồn sông Vu Gia. Và nếu Đà Nẵng không đồng ý cho việc đặt Nhà máy thép thì Quảng Nam thế nào?
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Quảng Nam và Đà Nẵng nói với nhau rất rõ ràng, xác định là hai địa phương anh em. Thường vụ Tỉnh ủy của hai địa phương đều có quy chế chung, gọi là Kết luận 26-KL/TUQN-TUĐN, hàng năm đều có chỉnh sửa, bổ sung và hàng năm đều có đánh giá lại quá trình hợp tác. Quảng Nam và Đà Nẵng cùng với một số địa phương khác nằm trong Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung thì còn có Hội đồng điều phối liên kết vùng nữa. Như vậy trong các vấn đề này đều có sự tham khảo lẫn nhau. Nhiều phiên của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã làm việc thì đều có những cái trao đổi mà bằng chứng là thời gian vừa qua chúng tôi xác định rằng, những cái nào có ảnh hưởng thì sẽ có sự trao đổi.
Vừa qua, sau khi TP. Đà Nẵng có văn bản, thì UBND tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản phúc đáp. Việc Đà Nẵng lo lắng là đúng, nhưng đó là trong bối cảnh chưa đầy đủ thông tin. Còn tỉnh Quảng Nam có văn bản trả lời thì cũng đã rõ".
"Còn việc có phát triển nơi đây thành cụm công nghiệp nặng hay không?, tác động thế nào thì tùy thuộc vào quy hoạch của huyện Nam Giang. Bởi quan điểm của Quảng Nam là không đánh đổi môi trường để phát triển, có phát triển cũng phải quy hoạch phân khu chức năng rõ ràng, xem xét đánh giá tác động môi trường cụ thể. Và quan trọng nhất là sẽ quan trắc trực tuyến tất cả các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chứ không để phát triển ồ ạt", Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.
Dự án Nhà máy Thép Việt Pháp do Công ty TNHH Thép Việt Pháp làm chủ đầu tư và đã được UBND thị xã Điện Bàn cho phép đầu tư vào Cụm công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tại văn bản số 140/TB-UBND ngày 20/7/2010 và đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 1/2/2013.
Trong quá trình hoạt động, Sở TNMT Quảng Nam phối hợp với Công an tỉnh, UBND thị xã Điện Bàn, phường Điện Nam Đông tiến hành nhiều đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Qua đó, các kết quả phân tích đo đạc mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển đô thị tại thị xã Điện Bàn xét thấy CCN&DV Thương Tín 1 gần Khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, môi trường và không được sự đồng tình của người dân địa phương nên UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 5463/UBND-KTN ngày 27/12/2014 chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Công ty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy.
Và Công ty TNHH Thép Việt Pháp đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (Thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), trên diện tích 17,3ha cùng quy mô 180.000tấn/năm .
Nhà máy sử dụng nguyên liệu sắt thép phế liệu, công nghệ lò điện cảm ứng trung tầng, biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép và thép thành phẩm. Theo chủ đầu tư, dự kiến Q3/2019 Nhà máy sẽ đi vào hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý cần thiết khác.