Quân đội Trung Quốc “thay máu” quy mô lớn, nhiều sỹ quan phải kết thúc sớm cuộc đời quân ngũ

VietTimes -- Quân đội Trung Quốc sau cải cách đã có sự điều chỉnh nhân sự quy mô to lớn, nhiều người được thăng tiến, nhưng nhiều người cũng phải dứt áo ra đi, kết thúc sớm cuộc đời quân ngũ.
Ngày 20/4/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy Trung ương. Ảnh: Gov.cn
Ngày 20/4/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp Quân ủy Trung ương. Ảnh: Gov.cn

Tờ Đa Chiều ngày 28/9 cho rằng các dấu hiệu cho thấy sau khi trải qua chỉnh đốn biên chế quân sự mạnh mẽ, những bổ nhiệm mới về nhân sự của Quân đội Trung Quốc dần dần có xu hướng ổn định.

Việc bổ nhiệm nhân sự giảm đi báo hiệu nhân sự các đơn vị mới thành lập cơ bản đã đầy đủ.

Ngày 29/8, chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương kiêm chủ nhiệm Văn phòng cải cách và biên chế Quân ủy Trung ương là Tần Sinh Tường tuyên bố nhân sự chủ chốt của 15 đơn vị của Quân ủy Trung ương đã có đầy đủ.

Trước hết, ở cấp độ Quân ủy Trung ương, việc cải cách nhiều chế độ cơ quan của Quân ủy Trung ương đã hình thành 15 đơn vị, nhưng hoàn toàn không bao gồm Bộ Quốc phòng, cho nên Bộ Quốc phòng vẫn do ông Thường Vạn Toàn chủ trì, cơ bản không bị ảnh hưởng gì.

4 Tổng bộ trước đây, nay là Bộ Tham mưu liên hợp, Bộ Công tác chính trị, Bộ Bảo đảm hậu cần và Bộ Phát triển trang bị đều vẫn do 4 Thượng tướng trước đó đảm nhiệm, đều là thành viên của Quân ủy Trung ương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ cải cách quân đội.

Nhưng cũng đã có những điều chỉnh nhỏ, chẳng hạn Bộ Tham mưu liên hợp đã bổ sung một Phó Tham mưu trưởng, đó là nguyên Tư lệnh Đại quân khu Quảng Châu Từ Phấn Lâm. 

Bộ Công tác chính trị cũng bổ sung thêm Đỗ Hằng Nham, nguyên chính ủy Đại quân khu Tế Nam. Điểm đặc biệt của Bộ Bảo đảm hậu cần là, từ sau khi trở thành công thần chống tham nhũng, "lui về ở ẩn" trong giai đoạn đầu cải cách quân đội, nguyên Bộ trưởng Tổng bộ Hậu cần, Thượng tướng Lưu Nguyên đến nay không có ai thay thế.

Trái lại, sau khi nhiều tướng lĩnh cấp cao ngành hậu cần quân đội ngã ngựa như Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, Trung tướng Lưu Tranh, Bộ Bảo đảm hậu cần đã tiếp tục đề bạt Tiền Nghị Bình - xuất thân từ Cục trưởng Cục Xây dựng doanh trại Tổng bộ Hậu cần - làm Phó Bộ trưởng.

11 cơ quan còn lại ngoài Văn phòng Quân ủy Trung ương, nhiều cơ quan "cấp hai" của 4 Tổng bộ tự điều chỉnh. Bộ Quản lý huấn luyện, Bộ Động viên quốc phòng của Quân ủy Trung ương thoát thai từ các cơ quan "cấp hai" Bộ Tổng tham mưu, nhưng các cán bộ chủ trì về quân sự, chính trị của chúng phần lớn đều lấy từ các đơn vị bên ngoài.

Trịnh Hòa, Bộ trưởng Bộ Quản lý huấn luyện thuộc Quân ủy Trung ương trước đây từng đi du học ở Nga và phục vụ ở tập đoàn quân 31, làm Cục trưởng Cục Quản lý huấn luyện Bộ Tổng tham mưu. Trước khi được bổ nhiệm chức vụ mới lần này, ông làm Phó Tư lệnh Đại quân khu Thành Đô.

Trong khi đó, người cộng tác với ông là Trương Thăng Dân thì đến từ Pháo binh 2, nguyên là chủ nhiệm Cục công tác chính trị Pháo binh 2.

Trong khi đó, Bộ Động viên quốc phòng của Quân ủy Trung ương vẫn không sử dụng nhân sự cũ. Bộ trưởngThành Bân và Chính ủy Chu Sinh Lĩnh của Bộ Động viên quốc phòng đều phục vụ ở các đơn vị dã chiến, sau đó lại đều từng chủ trì đơn vị tuyến hai địa phương.

Bạch Văn Kỳ, chính ủy không quân Chiến khu miền Bắc, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Bạch Văn Kỳ, chính ủy không quân Chiến khu miền Bắc, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Ủy ban Chính pháp, Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quân ủy Trung ương lại sử dụng nhiều ban lãnh đạo cũ. Vương Huy Thanh, chủ nhiệm Văn phòng quy hoạch chiến lược Quân ủy Trung ương từ tháng 10/2015 đã làm Bộ trưởng Bộ Quy hoạch chiến lược thuộc Bộ Tổng tham mưu...

Thứ hai là các quân chủng lớn và 5 chiến khu lớn. Trụ sở Lục quân mới thành lập sử dụng Lý Tác Thành, Tư lệnh Đại quân khu Thành Đô và Lưu Lôi, Chính ủy Đại quân khu Lan Châu; các cán bộ chủ trì quân sự, chính trị của Lực lượng chi viện chiến lược do Cao Tân, Viện trưởng Viện Khoa học quân sự và Lưu Phúc Liên, Chính ủy Đại quân khu Bắc Kinh đảm nhiệm. Hải quân, Không quân và Lực lượng tên lửa (đổi tên từ Pháo binh 2) không có biến động lớn ở ban lãnh đạo.

Điều đáng chú ý, Lực lượng bảo đảm hậu cần liên hợp Quân ủy Trung ương vừa mới thành lập ngày 13/9 được coi là một "quân chủng mới". Căn cứ vào thông tin công khai, ban lãnh đạo của lực lượng này gồm Tư lệnh Lý Sĩ Sinh, chính ủy Ân Chí Công của Căn cứ bảo đảm hậu cần liên hợp Vũ Hán đều xuất thân từ cơ quan chức năng trực thuộc Tổng bộ Hậu cần.

5 chiến khu lớn thoát thai từ 7 đại quân khu, đồng thời đã hình thành thể chế lãnh đạo gồm cơ quan lãnh đạo chiến khu, Bộ tư lệnh không quân, lục quân, hải quân chiến khu, bộ máy nhân sự có sự thay đổi lớn.

Lấy Chiến khu miền Bắc làm ví dụ, tư lệnh, chính ủy lần lượt là Tư lệnh Tống Phổ Tuyển đến từ Đại quân khu Bắc Kinh, Chính ủy Chử Ích Dân đến từ Đại quân khu Bắc Kinh. Ba bộ tư lệnh lục, hải, không quân của chiến khu này gồm Lý Kiều Minh, nguyên chỉ huy trưởng tập đoàn quân 41 thuộc Đại quân khu Quảng châu, nay đảm nhiệm Tư lệnh lục quân chiến khu; còn chính ủy là Thạch Hiểu.

Không quân chiến khu này có tư lệnh là Đinh Lai Hàng, chính ủy Bạch Văn Kỳ, lần lượt từng đến từ không quân Đại quân khu Thẩm Dương và không quân Đại quân khu Tế Nam. Các thành viên khác đến từ không quân Đại quân khu Thành Đô và Đại quân khu Lan Châu.

Thiếu tướng Khang Phi, Chính ủy Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Bành Bái.
Thiếu tướng Khang Phi, Chính ủy Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Bành Bái.

Duy chỉ có hải quân Chiến khu có tư lệnh Viên Dự Bách và chính ủy Khang Phi lưu nhiệm, nhưng các phó tư lệnh Ngô Kiến Ba, Hoàng Tân Kiến, Trần Cường Nam trước đây lần lượt đến từ Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải hoặc từng công tác ở nhiều hạm đội.

Thực ra, không chỉ ở cấp Bộ Tư lệnh Chiến khu, các đơn vị dã chiến tuyến một trực thuộc cũng có mức độ điều chỉnh rộng lớn giữa các quân binh chủng, các chiến khu, điều này chưa từng có trong mấy chục năm gần đây.

Lấy Chiến khu miền Bắc làm ví dụ, sau khi chỉ huy trưởng Tập đoàn quân 26 thuộc Lục quân Chiến khu này là Trương Nham bị “trảm” do gây chết người vì say rượu, Quân đội Trung Quốc đã đưa Lâm Hỏa Mậu từ tập đoàn quân 42 ở Chiến khu miền Nam lên thay.

Hơn nữa, trong Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc có sự chấn động rất lớn. Theo thống kê, ít nhất tổng đội cảnh sát vũ trang của 19 tỉnh, khu tự trị có biến động về người đứng đầu từ tháng 5 đến nay. Trong đó, đã thay thế chính ủy ở tổng đội các tỉnh, khu tự trị như Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Nội Mông Cổ, Liêu Ninh, Cát Lâm; đã thay thế tư lệnh ở các tỉnh, khu tự trị như An Huy, Hà Nam, Quảng Tây, Hải Nam...

Đợt thay máu Lực lượng cảnh sát vũ trang lần này còn có đặc điểm là điều chuyển đi xa. Chẳng hạn, Tư lệnh Lý Chí Cương của Tổng đội cảnh sát vũ trang Bắc Kinh hiện nay trước đó là Tư lệnh Tổng đội tỉnh Vân Nam; Chính ủy Trần Duy Húc của Tổng đội tỉnh Hà Bắc hiện nay trước đó làm Chủ nhiệm chính trị Tổng đội Quảng Tây. Việc điều chuyển như vậy ở “chỗ nào cũng có”.

Như vậy, đây là đợt cải cách quân đội có quy mô lớn nhất trong vài chục năm qua, Quân đội Trung Quốc đã có sự biến động nhân sự quy mô lớn và đáng kinh ngạc trong thời gian chỉ có vài tháng. Trong thời gian này, có người được thăng tiến, nhưng cũng có người ra đi, sớm kết thúc cuộc đời quân ngũ.