Quân đội Mỹ đang đem “sát thủ diệt hạm” này tới Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hệ thống chống hạm NMESIS đã được thử nghiệm thành công, đáp trúng một mục tiêu ngoài khơi Barking Sands, Hawaii trong tháng 8 vừa qua.
NMESIS bao gồm tên lửa NSM, hệ thống điều khiển từ xa ROGUE-Fires và phần khung là xe tác chiến hạng nhẹ (Ảnh: US Marines)
NMESIS bao gồm tên lửa NSM, hệ thống điều khiển từ xa ROGUE-Fires và phần khung là xe tác chiến hạng nhẹ (Ảnh: US Marines)

“Làm thế nào chúng ta có thể kìm chân Hải quân Trung Quốc bên trong chuỗi đảo thứ nhất, nếu không phải chuỗi đảo đầu tiên?” – John Ferrari, cựu tướng 4 sao của Mỹ và giờ là chuyên gia thuộc Viện American Enterprise, đặt câu hỏi.

Đây chắc chắn là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng Lục quân Mỹ mới đây đã đưa ra một ý tưởng để hiện thực hóa nó. Và đây là một ý tưởng không hao tiền tốn của của để phát triển mới, bởi nó tận dụng các hệ thống vũ khí đã sẵn có.

Ý tưởng này có tên NMESIS. Từ chỗ một ý tưởng đơn giản, giờ nó đã đạt được bước tiến đáng kể và trở thành một thứ vũ khí vận hành được. Theo chuyên trang Breaking Defense, hệ thống vũ khí mới này đã được thử nghiệm thành công ngoài khơi Hawaii, chỉ trong vòng có 2 năm kể từ khi lên ý tưởng.

Đối với quân đội Mỹ mà nói thì dự án này có bước tiến nhanh đến bất ngờ.

Vậy Hệ thống Ngăn chặn Tàu viễn chinh Hải quân/Lục quân (NMESIS) là gì? Tại sao Lục quân Mỹ lại muốn trang bị thứ vũ khí này một cách nhanh chóng như vậy? Và, như một nhà phân tích từng nêu, làm thế nào để áp dụng nó trong một chiến lược quân sự tổng thể?

Theo ông Ferrari, tất cả đều là một phần trong chiến lược “xoay trục sang Thái Bình Dương” của lực lượng Mỹ. Washington hiện đang tập trung vào việc đối phó với nước mà họ xem là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất, Trung Quốc, và lực lượng đó – Hải quân, Lục quân, Không quân – đều tham gia vào nỗ lực này.

Trong tháng 8 năm nay, quân đội Mỹ đã có màn phô diễn sức mạnh của NMESIS – hệ thống tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất mới của họ - trong một cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi đảo Kauai, Hawaii.

Hệ thống NMESIS được vận chuyển bằng máy bay KC-130J tới Hawaii (Ảnh: US Marines)

Hệ thống NMESIS được vận chuyển bằng máy bay KC-130J tới Hawaii (Ảnh: US Marines)

Trong cuộc tập trận được xem là một phần trong kế hoạch Force Design 2030 (Tái cơ cấu lực lượng 2030, nhằm đối phó với Trung Quốc), Lục quân Mỹ đã 2 lần phóng NMESIS và đáp trúng một mục tiêu giả định, cùng lúc luyện tập vận chuyển/tháo dỡ NMESIS trên một máy bay C-130. Theo Force Design 2030, ưu tiên mới chính là ngăn chặn Trung Quốc và đưa ra thêm nhiều lựa chọn quân sự khả thi trong viễn cảnh khai màn một cuộc xung đột với quân đội Trung Quốc (PLA).

Lục quân Mỹ cũng cắt giảm nhiều xe tăng, một số đội hình pháo truyền thống, phương tiện thiết giáp lưỡng cư, các tài sản kỹ thuật, trực thăng và thiết kế lại tiểu đoàn bộ binh…giúp quân đội Mỹ giải phóng được khoản tiền ngân sách 12 tỉ USD, và số tiền này được dùng để hiện đại hóa quân đội, đối phó với mối đe dọa tăng dần, cùng với công tác huấn luyện.

NMESIS về cơ bản chính là sự hội tụ của nhiều vũ khí tấn công đã được chứng minh về hiệu quả, đó là lý do tại sao Lục quân Mỹ lại muốn trang bị nó nhanh đến vậy. Bản thân hệ thống này sử dụng tên lửa chống hạm NSM được sản xuất bởi hãng Kongsberg của Na Uy; cùng với đó là một hệ thống kiểm soát được điều khiển từ xa có tên ROGUE-Fires; và phần khung của Phương tiện Phối hợp Chiến thuật hạng nhẹ (JLTV)

“Binh sĩ có thể điều khiển hệ thống ROGUE-Fires bằng một tay cầm điều khiển không khác gì tay cầm chơi game, hoặc ra lệnh cho nhiều ống phóng đi theo một phương tiện dẫn đầu” – theo một tuyên bố của Lục quân Mỹ - “ROGUE-Fires, được lắp đặt trên khung của JLTV, sẽ tạo nên một hệ thống viễn chinh đầy đủ có thể vận hành ở bất cứ đâu”.

Khả năng di chuyển nhanh và trên các địa hình hiểm trở cũng đóng vai trò quan trọng bởi viễn cảnh chiến trường mà NMESIS hoạt động trong tương lai sẽ tập trung vào chiến thuật “chạy và bắn”; tướng Ferrari cho hay.

NMESIS được triển khai ở Barking Sands, Hawaii ngày 16/8/2021 (Ảnh: US Marines)

NMESIS được triển khai ở Barking Sands, Hawaii ngày 16/8/2021 (Ảnh: US Marines)

Theo khái niệm chiến đấu được vạch ra, trên chiến trường tương lai, Lục quân Mỹ sẽ tản ra trên khắp chiến trường và chiến đấu phụ thuộc vào vô số căn cứ nhỏ được xây dựng một cách nhanh nhất có thể. Những căn cứ này sẽ phục vụ cho mục đích tình báo và hậu cần, ngoài ra còn là vị trí để Lục quân triển khai NMESIS.

Từ những căn cứ nhỏ được triển khai NMESIS, Lục quân Mỹ sẽ “hỗ trợ hoạt động kiểm soát biển và đánh chặn trên biển”, Billy Fabian, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược của hãng phân tích dữ liệu Govini nhận định.

Theo vị chuyên gia, “Mỹ đang thiếu một thứ vũ khí chống hạm đặt trên mặt đất. Và đây (NMESIS) là hệ thống đầu tiên có thể làm điều đó, bởi vậy đây là một bước tiến trong việc nâng cấp khả năng của quân đội Mỹ”.

Theo tướng Ferrari, trước đây quân đội Mỹ từng cân nhắc rất nhiều hệ thống tên lửa có thể phóng từ mặt đất ra biển, và cả những hệ thống có thể được lắp đặt trên chiến hạm. Tuy nhiên, các hệ thống đó thường thiếu các hệ thống dẫn đường cần thiết để đánh trúng mục tiêu trên biển hoặc có kích thước quá lớn để có được độ cơ động như mong muốn.

Ông Ferrari cho biết thêm, mặc dù NMESIS phù hợp với tầm nhìn tác chiến tương lai của quân đội Mỹ, nhưng vẫn không rõ liệu hệ thống này có phù hợp với chiến lược lớn hơn của Lầu Năm Góc đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương hay không.