Doanh nghiệp kêu trời
Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đã “kêu trời” trước thông tin từ ngày 1/4 tới đây mức phí phương tiện lưu thông trên QL 5 sẽ tăng thêm 50%, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng khoảng 25% so với hiện nay.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết: Hiện DN có 80 đầu xe khách chạy dọc 2 tuyến QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Bình quân mỗi tháng DN này phải chi khoảng 800 triệu đồng tiền phí đường. Do vậy, nếu phí đường tiếp tục tăng sẽ là gánh nặng lớn.
"Hiện nay ngày thường nhiều chuyến xe chúng tôi phải bù lỗ do lượng khách đi xe không đông. Tăng phí tiếp sẽ càng khó khăn, nếu lỗ phải giảm tần suất, điều chỉnh hoạt động. Chúng tôi không dễ để giảm giá vé cho khách vì phí đường cao tốc đã chiếm khoảng 6-8 vé hành khách mỗi chuyến”, ông Hải cho biết.
Nhiều doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng bị ảnh hướng lớn bởi đợt điều chỉnh phí này cũng đang than trời.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng, việc tăng phí đã có lộ trình từ liên Bộ GTVT và Tài chính, các DN vận tải đều biết. Tuy nhiên có bất cập là sẽ làm cho giá thành đầu vào và giá cước tăng, sản phẩm hàng hóa cũng phải điều chỉnh và điều này sẽ ảnh hưởng đến người dân.
Ông Tiến cho rằng, QL5 là đường được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nên đúng ra người dân phải được hưởng theo mức phí như các tuyến quốc lộ từ ngân sách đầu tư nhưng ở đây mức phí lại quá cao và đi ngược lại chủ trương của Nhà nước.
Không tăng phí chủ đầu tư sẽ... phá sản?
Chia sẻ khó khăn với các DN vận tải, ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhấn mạnh: "Một số nhà vận tải nói tăng phí họ sẽ phá sản nhưng nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã phê duyệt thì nhà đầu tư sẽ phá sản trước".
Theo ông Chiến, việc tăng phí QL5 theo lộ trình được thực hiện từ 1/1/2016 nhưng do Bộ trưởng Bộ GTVT có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư chưa tăng phí nên VIDIFI lùi lại đến 1/4 tới VIDIFI mới áp dụng tăng phí trên QL5.
Ông Chiến cũng nói rõ: “Chúng tôi hiểu thắc mắc của người dân là đi QL5 nhưng lại phải đóng tiền cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu Nhà nước bảo không thu phí QL5 chúng tôi chấp hành ngay và quá sướng vì không thích thu phí QL 5 làm gì. Nhưng vấn đề là Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi mấy trăm tỉ đồng mỗi năm từ tiền thu phí hay không? Đặc biệt là ngân sách hiện nay khó khăn".
Với mức phí đường cao tốc, ông Chiến cho biết mức tăng 2.000 đồng/km là mức tăng cố định cuối cùng. Theo quy định, hàng năm căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì sẽ điều chỉnh mức phí tăng hay hoặc giảm theo CPI.
Đi xe biển trắng mới 'thấm đòn' phí
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thì việc các trạm thu phí BOT sẽ tăng phí theo lộ trình từ 1/1/2016 khiến người dân và DN vận tải kêu ca quá nhiều.
Ông Liên nói rõ, các cơ quan chức năng đưa ra quan điểm tăng phí là để bảo vệ quyền lợi hoàn vốn của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên việc có nhiều trạm BOT khiến người dân “ngạt thở” về các loại phí.
DN vận tải ủng hộ nâng cấp đầu tư hạ tầng giao thông nhưng phải phù hợp với thu nhập quốc dân. Do đó ông Liên cho rằng Nhà nước nên mua lại một số trạm để giảm sức ép cho người dân đồng thời khi tiến hành sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nên có lộ trình thực hiện chứ không thể nào cùng một lúc người dân phải chịu quá nhiều trạm BOT bao vây.
“Quan chức hoạch định chính sách cần đi xe biển trắng mới ‘thấm đòn các loại phí’ của các trạm BOT bủa vây doanh nghiệp vận tải”, ông Liên nói.
Theo VNN