Có nghĩa là đã có sự gian dối khi làm ĐTM dự án này. Câu hỏi ở đây là, tại sao báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ sài, không đúng sự thật ấy lại có thể “qua mắt” được Hội đồng thẩm định, trước khi dự án được phê duyệt?
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định các dự án cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và ĐTM. Đây được coi là biện pháp ngăn chặn từ gốc các dự án gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Một dự án có được thông qua hay không, ĐTM đóng vai trò rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, ĐTM đã và đang được thực hiện một cách méo mó.
Đáng tiếc, ĐTM kiểu thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không phải là cá biệt. Nhiều dự án như thủy điện ở Tây nguyên, miền Trung; khai thác kim loại màu ở Lâm Đồng, Đắk Nông; khai thác titan ở duyên hải Trung bộ... cho thấy, ĐTM không chỉ được sao chép, cắt dán nghiên cứu từ ĐTM các dự án khác mà còn cố tình biến hại thành lợi, đưa ra những biện pháp giảm thiểu tác hại thiếu cơ sở khoa học.
Theo quy định, ĐTM do chủ đầu tư tự bỏ tiền, thuê doanh nghiệp tư vấn dịch vụ môi trường thực hiện. Một cựu quan chức ngành tài nguyên môi trường, hiện là cổ đông lớn một công ty tư vấn môi trường tiết lộ, khi ký hợp đồng, chủ đầu tư chỉ trả trước 50%. Nếu không thực hiện theo ý chủ đầu tư khiến dự án không được thông qua, đơn vị tư vấn sẽ không nhận được 50% còn lại!
Không thể trách chủ đầu tư, cũng như đơn vị tư vấn đã không làm ĐTM đến nơi, đến chốn, thậm chí gian dối mà nên đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định. Không tốt tại sao vẫn thông qua? Các cơ quan chức năng tham mưu cho chính quyền đã làm hết trách nhiệm trong vấn đề hậu kiểm xem chủ đầu tư có thực hiện đúng ĐTM hay chưa?
Sự tắc trách, gian dối trong việc lập ĐTM khi có sự bắt tay của chính quyền đang trở nên vô cùng nguy hiểm. Nó không chỉ khiến tình trạng ô nhiễm môi trường sống trở nên trầm trọng mà nguy hiểm hơn, tạo tâm lý, “qua mặt” chính quyền có vẻ là việc quá dễ.
Theo: Thanh Niên