Toàn Thịnh Phát: Dự kiến 460 tỷ lợi nhuận từ “Đại dự án sông Đồng Nai”

Giai đoạn 1 Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai gồm 108 căn phố liền kề, ước đạt 555 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm 2015 – 2017, giai đoạn 2 có mức lợi nhuận 260 tỷ đồng.
Đại dự án đang được Toàn Thịnh Phát thực hiện ngày đêm giữa lòng sông Đồng Nai (ảnh: Thanh Niên)
Đại dự án đang được Toàn Thịnh Phát thực hiện ngày đêm giữa lòng sông Đồng Nai (ảnh: Thanh Niên)

Sau khi một số dự án đầu tư giáo dục được xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Trường Lê Quý Đôn – Biên Hòa, trường Trịnh Hoài Đức (Trảng Bom), tháng 2/2012, Toàn Thịnh Phát quyết định đặt trụ sở chính của Công ty tại Đồng Nai – đánh dấu sự phát triển của Công ty tại địa phương và khẳng định sự gắn bó hợp tác giữa hai bên.

Sau đó hơn 1 năm, Công ty CP Đầu tư Kiến trúc và Xây dựng Toàn Thịnh Phát khánh thành trung tâm Thương mại – Dịch vụ - Căn hộ The Pegasus Plaza tại TP Biên Hòa với diện tích xây dựng hơn 62.000m2 trên khu đất 4.600m2. Đây là Trung tâm thương mại lớn nhất, quy mô nhất tỉnh Đồng Nai  gồm 3 phân khu: Khu trung tâm thương mai – dịch vụ, Khu cao ốc văn phòng và Khu Căn hộ.

Một dự án khác được coi là một dự án trọng điểm của Toàn Thịnh Phát giai đoạn 2013 – 2017 là The Pegasus Riverside với quy mô nhà phố thương mại, cụm căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng và khách sạn 3- 5 sao thuộc Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Dự án với quy mô 8,4ha, khi hoàn thành theo đánh giá của Toàn Thịnh Phát trong báo cáo thường niên 2013 là “sẽ góp phần đáng kể trong việc cải tạo cảnh quan ven sông, thay đổi diện mạo của TP.Biên Hòa, xứng tầm là “thành phố dòng sông”, góp phần vào việc phát triển hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế địa phương”.

Phối cảnh khu thương mại được xây dựng trên sông Đồng Nai (ảnh internet)
Phối cảnh khu thương mại được xây dựng trên sông Đồng Nai (ảnh internet)

Theo kế hoạch đầu tư, Việc thực hiện triển khai giai đoạn 1 gồm các hạng mục như Xây dưng tuyến kè, san lấp, di dời trạm bơm. Thi công hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, cấp thoát nước, điện và thông tin liên lạc. Bên cạnh đó là thi công 108 ăn phần thô nhà phố thương mại, cây xanh. Kế hoạch doanh thu cho 108 căn phố liền kề (bán hầm, trệt, lửng và 3 lầu) ước đạt 555 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận 200 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ 2015 – 2017.

Giai đoạn 2 từ 2017 – 2020 gồm căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ (đất thương phẩm 15,4 ha), khách sạn 4-5 sao (đất thương phẩm 4,3 ha) và văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ (đất thương phẩm 6,8ha) với mức lợi nhuận kỳ vọng là 260 tỷ đồng (trên giá bán bình quân 30 triệu đồng/m2).

Trong tổng diện tích 84.042 m2 của dự án, phần lấn sông là 77.217 m2; phần đất hiện hữu chỉ khoảng 6.825 m2. Đặc biệt, đoạn lấn ra sông xa nhất đến hơn 100 m.

Đáng nói, trong tổng số vốn đầu tư dự án khoảng 2.200 tỉ đồng thì chủ đầu tư chỉ bỏ ra hơn 110 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho một số hộ dân nhường đất cho việc xây dựng đường nội bộ kết nối dự án với đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, anh Thọ, chủ quán Thủy Tùng 2 nằm trong dự án chỉnh trang dọc sông Đồng Nai, cho biết từ trước đến nay chưa nghe ai nói đến thông báo việc triển khai dự án, giờ thấy Công ty Toàn Thịnh Phát rào đường, “đùng đùng cho máy móc xuống làm rần rần, đổ đất đá lấn mất mặt tiền sông”, khiến những hộ dân sống dọc đường Cách Mạng Tháng Tám chỉ còn mặt tiền đường, bị mất mặt tiền sông.

“Nếu dự án chỉnh trang toàn bộ khu vực đã được duyệt sao nhà nước không triển khai để dân biết. Nhà đầu tư lấy đất ngoài kia (ngoài sông Đồng Nai - PV) để khỏi đền bù cho mình nên không giải tỏa. Nếu lấy đất trong này làm dự án sẽ lỗ, tiền đâu mà làm. Nhưng nếu lấy đất ngoài sông chỉ cần đổ đất lên xây nhà bán, không tốn tiền đền bù, doanh nghiệp sẽ lời lớn vì họ đang rao bán nhà phố mỗi căn hơn 8 tỉ đồng”, anh Thọ nói.

Dự kiến giai đoạn 1 mang về lợi nhuận 200 tỷ đồng từ doanh thu 555 tỷ đồng, dự án mang tên  “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị sông Đồng Nai” sẽ mang về tỷ suất lợi nhuận lên đến gần 40% sẽ thực sự là món hời cho doanh nghiệp đầu tư như Toàn Thịnh Phát trong thời kỳ bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần lên như hiện nay.  

Vấn đề lấp sông liệu có trái với tự nhiên hay làm biến đổi dòng chảy sông Đồng Nai dấy lên sự lo lắng trong dư luận tại địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị chủ đầu tư từng khẳng định kết luận từ đánh giá tác động môi trường cho thấy việc lấp sông như thế là “không ảnh hưởng đáng kể”.

Nhiều người dân Đồng Nai lo lắng, nếu “bóp” lòng sông lại thì vài năm tới, nước sẽ ngập vào nhà. Sau vài chục năm sẽ xuất hiện dòng sông xoáy, có khả năng gây xói mòn “đạp” mất cầu Ghềnh và cù lao Phố. Trước đây, sông Đồng Nai đã xoáy mất một cù lao kéo dài từ cầu Ghềnh tới cầu Mới. Đáng lo ngại là bên phía Công ty Toàn Thịnh Phát lấp sông làm dự án là một túi nước. Giờ đây bị "bóp" lại thì tất yếu nước sẽ tràn sang bờ đối diện, gây nguy cơ sạt lở phía bờ đối diện dự án.

Theo ANTT