|
Ảnh thách thức 10 năm của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg - Ảnh: Getty Images. |
Với nhiều người, trò chơi này đơn giản là một khoảnh khắc tự nhìn lại sau 10 năm để thấy diện mạo bản thân đã thay đổi ra sao dưới "sức tàn phá" của thời gian. Theo đó, nó đơn thuần mang ý nghĩa vui vẻ, giải trí.
Tuy nhiên, trang web chuyên bàn sâu về các khía cạnh bảo mật thông tin Wired chia sẻ quan điểm của tác giả Kate O’Neil về xu hướng đang nổi lên này với khuyến cáo đáng suy nghĩ về những hệ quả có thể nhiều người chưa lường tới liên quan tới trò chơi "thách thức 10 năm".
Dữ liệu cho công nghệ nhận diện?
Thử hình dung tình huống bạn muốn đào tạo một thuật toán nhận diện các đặc trưng về diện mạo liên quan tới tuổi tác, cụ thể hơn là sự thay đổi diện mạo khi tuổi tác tăng thêm. Đương nhiên trong tình huống đó bạn sẽ muốn thu thập được một lượng dữ liệu cực lớn với rất nhiều ảnh chân dung của mọi người.
Để sử dụng dữ liệu đó cho mục đích phát triển thuật toán nhận diện đang cần, bạn sẽ phát triển thuật toán hiệu quả hơn khi biết các bức ảnh chân dung của cùng một người được chụp ở khoảng cách thời gian chính xác là 10 năm.
Dĩ nhiên cũng có người nói những bức ảnh này người dùng đã tải lên sẵn trên tài khoản Facebook của họ rồi. Thời gian chụp ảnh cũng có thể xác định được thông qua dữ liệu file. Tuy nhiên nếu gom cả một đống hỗn độn những hình ảnh đó rồi mới phân loại, lọc lựa theo mốc thời gian để so sánh, đối chiếu thì sẽ vô cùng tốn công.
Chưa kể là không phải ai cũng đăng hình ảnh theo tiến trình thời gian chụp. Thêm nữa, không phải ai cũng dùng ảnh chân dung họ làm hình ảnh đại diện cho tài khoản Facebook.
Nói cách khác, trò chơi "thách thức 10 năm" sẽ giúp ai đó đang có nhu cầu phát triển thuật toán nhận diện có liên quan tới những đặc trưng tuổi tác có thể tiếp cận những dữ liệu họ cần sau khi đã được gắn nhãn thông tin rõ ràng, cụ thể.
Hầu hết người dùng khi tham gia trò chơi này đều cung cấp những thông tin hữu ích như "tôi năm 2008 và tôi năm 2018"; hoặc có khi gồm cả địa điểm, thời gian chụp ảnh kiểu như "ảnh năm 2008 tại ĐH nào đó", do ai chụp và ảnh năm 2018 khi đi thăm đâu đó…
Và như vậy, nhờ thông tin đó, mạng xã hội đã là nguồn cung cấp bộ dữ liệu rất lớn gồm các bức ảnh được chọn lọc của mọi người với khoảng cách thời gian từ 10 năm trước và hiện tại.
Cũng sẽ có người lập luận là chưa chắc người dùng đã sử dụng hình ảnh chính xác như quy định của trò chơi thách thức 10 năm. Tuy nhiên khi mã chủ đề "#10YearChallenge" được khuếch trương, dữ liệu liên quan sẽ tăng lên nhanh chóng và độ chính xác cũng có tỉ lệ cao hơn, theo Wired.
Đó là chưa kể các thuật toán nhận diện hiện tại đã tinh vi hơn rất nhiều, đủ khả năng để nhận ra mặt người chứ không phải gì khác. Do đó nếu bạn upload (tải lên) hình ảnh một con mèo chẳng hạn, nó sẽ nhận ra ngay và loại bỏ luôn.
Facebook bác chuyện thu thập dữ liệu
Mạng xã hội Facebook tuyên bố họ không liên quan gì tới "trend" mới này, nói đó chỉ là phong trào do chính người dùng xới lên và lôi kéo được đông đảo mọi người tham gia.
Một người phát ngôn của Facebook nói: "Facebook không khởi xướng chuyện này và việc đăng những hình ảnh so với của người dùng cũng đã có trên Facebook. Facebook không hưởng lợi gì trong chuyện này cả".
Liên quan việc này, Facebook cũng nhắc lại với người dùng là họ có thể tùy chọn tắt/bật tính năng nhận diện bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên ngay cả khi trò chơi mới này không liên quan gì với Facebook thì trong các năm qua, dư luận cũng đã chứng kiến rất nhiều ví dụ thực tế về tình huống một trò game chơi trên mạng xã hội đã được thiết kế nhằm mục tiêu khai thác và thu thập thông tin cá nhân.
Một trong những ví dụ điển hình này là vụ khai thác dữ liệu khổng lồ của hơn 70 triệu người dùng Facebook thông qua một trò game trắc nghiệm của công ty phân tích dữ liệu chính trị Cambridge Analytica.
Chuyện gì xảy ra khi hình ảnh của bạn bị lợi dụng?
Việc ai đó khai thác dữ liệu hình ảnh trên Facebook của bạn để phục vụ cho việc phát triển thuật toán nhận diện có hoàn toàn xấu không? Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng tiêu cực. Tuy nhiên dù sao đi nữa, khả năng dữ liệu hình ảnh của bạn bị khai thác sử dụng cho mục đích xấu vẫn là tình huống không thể tránh khỏi.
Trang Wired chỉ ra 3 kịch bản với các cấp độ mục đích: đáng tôn trọng, tầm thường và nguy cơ khi dữ liệu hình ảnh cá nhân của bạn bị lạm dụng.
1. Viễn cảnh tốt đẹp: Công nghệ nhận diện, đặc biệt là công nghệ có khả năng nhận biết những thay đổi diện mạo theo tuổi tác, có thể giúp hỗ trợ tìm trẻ lạc hay mất tích.
Một ví dụ tiêu biểu cho tình huống này là năm ngoái cảnh sát ở New Delhi thông báo đã tìm thấy gần 3.000 trẻ em mất tích chỉ trong 4 ngày nhờ sử dụng công nghệ nhận diện.
Nếu những đứa trẻ bị lạc một thời gian dài, việc sử dụng công nghệ nhận diện mới này sẽ giúp ích được rất nhiều cho nhà chức trách.
2. Viễn cảnh tầm thường: Công nghệ nhận diện rất có thể được sử dụng cho mục tiêu quảng cáo có chủ đích, hướng tới một nhóm khách hàng nằm trong một độ tuổi cụ thể nào đó.
Chẳng hạn các màn hình quảng cáo được tích hợp camera hoặc cảm biến có thể tùy chỉnh nội dung quảng cáo của họ với các nhóm đối tượng hướng tới theo nhóm tuổi (hoặc các đặc trưng có thể nhìn thấy về tuổi tác và trong những bối cảnh có thể quan sát thấy).
3. Viễn cảnh nguy cơ: Ngoài ra công nghệ nhận diện kiểu này cũng có thể được các hãng bảo hiểm sử dụng để đi đến những quyết định trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe.
Chẳng hạn, nếu hình ảnh so sánh cho thấy bạn già đi nhanh hơn so với những người cùng độ tuổi trong khoảng thời gian đó, có thể bạn không phải là khách hàng được ưa chuộng với các hãng bảo hiểm hay chăm sóc sức khỏe. Theo đó có thể bạn sẽ bị từ chối dịch vụ hoặc phải trả phí cao hơn.
Ngoài ra cũng còn một khả năng nữa là các hãng phát triển công nghệ nhận diện sẽ bán công nghệ này cho các cơ quan chính phủ và những đơn vị thực thi pháp luật. Theo đó là nguy cơ gia tăng của vấn đề bảo mật riêng tư của mỗi cá nhân.
Theo Tuổi Trẻ