Phát biểu với báo giới, Chủ tịch BCRA Alejandro Vanoli nêu rõ việc công khai các tài liệu này trên trang web của ngân hàng là cần thiết để vạch trần những âm mưu của các thế lực kinh tế và tài chính dưới thời chế độ độc tài đã đẩy đất nước rơi vào vực thẳm của tình trạng nợ nần. Đây được coi là thời kỳ đen tối nhất của đất nước Argentina với tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan và sự sụp đổ của nền kinh tế.
Tháng 3-1976, khi đang là Tư lệnh Lục quân, tướng Jorge Rafael Videla cùng với các Tư lệnh Không quân và Hải quân đã tiến hành đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống María Estela Martínez de Perón. Trở thành người đứng đầu Argentina, Videla đã đình chỉ Hiến pháp, giải tán các đảng chính trị và đóng cửa Quốc hội, tiến hành cái gọi là “quá trình tái tổ chức quốc gia” mà thực chất là đẩy đất nước Nam Mỹ này vào chế độ độc tài.
Để khẳng định quyền lực, Chính phủ độc tài đã đàn áp, bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu những người được coi là thuộc phe cánh tả cũng như người thân của họ. Theo thống kê chính thức, hơn 30 nghìn người đã mất tích trong thời gian này tại quốc gia Nam Mỹ. Nổi tiếng nhất là vụ mang tên “chuyến bay tử thần”. Đây là những chuyến bay dùng để thủ tiêu hết sức man rợ các tù nhân đối lập bằng cách trói và tiêm thuốc mê rồi ném họ từ trên máy bay xuống Đại Tây Dương.
Nhiều nhân chứng đã nhìn thấy các vụ ném người từ trên máy bay như vậy. Một số khác từng nhặt được nhiều xác người bị sóng đánh dạt vào bờ. Còn một số nhân chứng khác, số này không còn nhiều lắm, đã nhìn thấy các đồng chí của họ bị lôi lên máy bay. Họ là những người may mắn còn sống sót ở địa ngục trần gian, trường Cơ khí Marine, nơi các tù nhân chính trị bị giam giữ.
Không chỉ trấn áp tàn bạo, chế độ độc tài còn đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn tăng trưởng của nền kinh tế Argentina, biến quốc gia Nam Mỹ này thành “con nợ tồi tệ” của các tổ chức nước ngoài. Những tài liệu mật mà Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) vừa giải mã cho thấy chính phủ độc tài từ xuất khẩu đã chuyển sang nhập khẩu vũ khí một cách bí mật, với sự hỗ trợ của Kho bạc, Ngân hàng Quốc gia và Ngân hàng Trung ương Argentina.
Trong quá trình gọi là “đổi mới tổ chức quốc gia” từ năm 1976 đến 1983, chính quyền độc tài đã cho phép mua lại nợ trong các dự án lớn chưa hoàn thành. Cùng với các khoản chi bí mật cho quân sự, các quyết định ngầm về kinh tế của chính quyền quân sự đã khiến ngành công nghiệp Argentina bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp tăng cao, đất nước rơi vào cảnh nợ nần.
Tác giả của thời kỳ đen tối này - cựu Tổng thống Jorge Rafael Videla, biểu tượng của nền độc tài đẫm máu trong lịch sử Argentina, đã bị kết án tù chung thân hai lần với tội danh phạm các tội ác chống lại loài người. Nhân vật này đã qua đời năm 2013 khi còn đang trong tù. Dù Jorge Rafael Videla cùng các đồng sự đã bị trừng phạt nhưng điều đó không có nghĩa là tội ác bị lãng quên. Chính vì thế, việc Ngân hàng Trung ương (BCRA) Argentina quyết định công khai các tài liệu mật liên quan đến giai đoạn độc tài 1976-1983 là lời cảnh báo với người dân rằng phải hành động để thảm kịch đó không có khả năng lặp lại.
Theo: An nhinh Thủ đô