Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngành Giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số để đủ lớp, đủ trường, đủ giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngành cần tăng cường ứng dụng công nghệ để có hệ thống nắm thật chắc nguồn lực về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số để toàn ngành và từng địa phương đảm bảo đủ lớp, đủ trường, đủ giáo viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, dù ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, dù ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.

Một trong những nội dung cấp bách được đặt ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) diễn ra hôm nay, 12/8, là việc thiếu giáo viên. Nhiều Giám đốc Sở GD&ĐT thẳng thắn nêu thực trạng thiếu nhiều giáo viên so với quy định và việc này xảy ra ở các cấp học. Vấn đề này đặc biệt "nóng" trong bối cảnh gần đây, giáo viên trên nhiều địa bàn nghỉ việc nhiều.

Đại diện ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa nêu: Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, Thanh Hóa sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học. Tỷ lệ giáo viên thiếu hụt theo quy định của Bộ GD&ĐT tới gần 20% - một tỷ lệ rất cao,

Cùng với Thanh Hóa, nhiều địa phương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng, đồng thời, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của nhiều địa phương, đặc biệt là đối với ngành giáo dục.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Hiện chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều này dẫn tới việc không đủ giáo viên để đáp ứng nhu cầu của TP, trong khi lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các tỉnh thành.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các tỉnh thành.

Chia sẻ với khó khăn của ngành GD&ĐT các địa phương, Phó ​​Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định việc tuyển dụng biên chế giáo viên được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên, mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Trong khi đó, nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Đây là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục.

Phó ​​Thủ tướng cũng nhắc lại cách đây vài năm, hiện tượng mất dân chủ trong các cơ sở giáo dục đã được đề cập. Khi đó, ông đã đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu một trường phổ thông muốn tuyển giáo viên, tiếng nói của tập thể giáo viên có tính quyết định hơn tiếng nói của chủ tịch quận, của hiệu trưởng. Đó mới là dân chủ.

"Còn khi tiếng nói của giáo viên không có tính quyết định thì chưa phải dân chủ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thừa, thiếu cục bộ giáo viên" - Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT năm học mới phải rà soát, chủ động đề xuất cơ chế về học phí, về thực hiện tự chủ, nhằm có một tỉ lệ các trường thích hợp ở những vị trí, địa bàn thích hợp, để có thể lo được lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lấy biên chế đó cho các vùng nông thôn, làm sao đủ giáo viên gắn với trường lớp để học sinh học ngày 2 buổi thuận lợi.

Đặc biệt, để góp phần giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên cục bộ, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần tăng tốc ứng dụng công nghệ thông tin để nắm chắc thống kê nguồn lực của ngành.

"Bộ làm sao phải biết từng địa bàn có bao nhiêu trường, lớp, giáo viên, rồi kết hợp với dữ liệu về dân cư sẽ biết chỗ nào thiếu, thừa giáo viên, từ đó mới quy hoạch được (...), chủ động đảm bảo đủ học sinh, đủ trường lớp, đủ giáo viên" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Ngành Giáo dục chưa trung thực

Lắng nghe tham luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự thẳng thắn của người đứng đầu ngành Giáo dục các địa phương.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề với toàn ngành Giáo dục: Thực ra chúng ta còn rất nhiều bất cập, chúng ta phải nhìn vào đó để làm tốt hơn. Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi cử, kiểm tra, học thêm dạy thêm, sách tham khảo.

"Bởi chúng ta chưa trung thực ngay trong giáo dục. Chúng ta cứ phải khổ sở trong chuyện tuyển sinh đại học nhiều năm, dù đến nay đã nhẹ đi rất nhiều. Tại sao mãi không được như các nước phát triển, phần lớn học sinh vào học tự do, bởi họ rất trung thực, khách quan. Nếu học sinh vào ĐH học không được, sau đánh giá sẽ bị 'loại'. Bản chất vấn đề là chúng ta chưa trung thực" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.