Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT nêu 3 đề xuất về cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà nước cần có các biện pháp quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng cần có các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đi cùng với đó là các chế tài xử phạt hợp lý, khả thi nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng chia sẻ quan điểm tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đại biểu Tuấn, tần số vô tuyến điện là một tài nguyên quan trọng, là tài nguyên then chốt để phát triển viễn thông quốc gia, một trong các nền tảng để phát triển đất nước, như: điện, đường, trường học,…

Với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số, xã hội số thì không thể thiếu thông tin vô tuyến điện. Viễn thông có phát triển thì mới thực hiện được kinh tế số, xã hội số. Doanh nghiệp thông tin di động là một trong các nhân tố để phát triển viễn thông của Nhà nước.

Do đó, Nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý sử dụng tần số vô tuyến điện chặt chẽ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển, đồng thời phải có các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đi cùng với đó là các chế tài xử phạt hợp lý, khả thi nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, để làm được điều đó, Nhà nước cần quan tâm 4 vấn đề:

Thứ nhất, đưa ra các quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần di động của một doanh nghiệp nắm giữ, bảo đảm tránh tập trung tài nguyên nhưng cũng phải thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, không cào bằng;

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sắp được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại hội trường. Dự kiến việc đấu giá băng tần 5G có thể đem về cho nhà nước từ 6000 đến 8000 tỉ đồng.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sắp được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại hội trường. Dự kiến việc đấu giá băng tần 5G có thể đem về cho nhà nước từ 6000 đến 8000 tỉ đồng.

Thứ hai, cần quy định các điều kiện tham gia đấu giá băng tần, thi tuyển và các chế tài xử lý phù hợp để bảo đảm sau khi trúng đấu giá, trúng thi tuyển doanh nghiệp phải triển khai mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo đúng định hướng của nhà nước thông qua cam kết triển khai mạng viễn thông mà doanh nghiệp đã cam kết khi đăng ký tham gia đấu giá, thi tuyển;

Thứ ba, cần có các quy định về cấp lại giấy phép đối với băng tần di động nếu Nhà nước không thay đổi quy hoạch, không cần thiết thu hồi lại băng tần này để thực hiện mục tiêu khác về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; cho phép doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, sử dụng hiệu quả phổ tần có cơ hội được cấp lại giấy phép để tiếp tục được sử dụng băng tần sau khi giấy phép hết thời hạn.

Cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Đại biểu Tuấn góp ý, dự án Luật bổ sung thêm 3 điều; sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều. Trong đó, "nội dung của dự thảo Luật liên quan đến cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong các nội dung sửa đổi then chốt, tác động đến các doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là vấn đề đấu giá, thi tuyển" - ông Tuấn nói.

Cụ thể, theo đại biểu Tuấn, liên quan việc cấp giấy phép sử dụng tần số, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm điều chỉnh 3 vấn đề sau;

Thứ nhất, về quy định về loại tần số được đấu giá, thi tuyển: với mục tiêu của chính sách này là làm rõ băng tần di động nào được đấu giá, cái nào được thi tuyển; việc đấu giá băng tần, kênh tần số được áp dụng theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Hiện nay, dự thảo Luật đang quy định “Ưu tiên áp dụng phương thức đấu giá”, chỉ thi tuyển khi Đảng và Nhà nước có các chủ trương, chính sách “cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông” (khoản 3 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng quy định như vậy mang tính mở nhưng chưa thật sự rõ ràng, minh bạch, cần phải được tiếp tục chỉnh lý trong giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng Luật.

Thứ hai, về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần cho thông tin di động: Luật đưa ra chính sách mới để cho phép cấp lại giấy phép sử dụng băng tần sau khi hết hạn cho các doanh nghiệp nếu đáp ứng các điều kiện cụ thể do Luật đưa ra.

Đại biểu Tuấn cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của Nhà nước. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều trong quá trình phát triển mạng và dịch vụ của mình, người sử dụng cũng được đảm bảo dịch vụ thông suốt, đồng thời cũng buộc doanh nghiệp nếu mong muốn được cấp lại thì phải thực hiện đầy đủ các cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần được cấp, bảo đảm sử dụng hiệu quả phổ tần.

Thứ ba, về đình chỉ có thời hạn quyền sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông mà không thu hồi ngay giấy phép. Đây là một bước đi “mềm mại” vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ hội khắc phục hậu quả bằng cách buộc phải tăng cường số trạm phát sóng để giữ chân khách hàng, vừa hạn chế ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ.

"Sau thời hạn đình chỉ một phần, nếu doanh nghiệp không khắc phục, không tăng cường số trạm phát sóng thì chất lượng dịch vụ không bảo đảm, tự động người dùng sẽ chuyển mạng và việc thu hồi giấy phép khi đó ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng " - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói thêm.

Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Hội trường vào ngày 15/6 tới.

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế. Tuy nhiên, trải qua quá trình thực thi cho đến nay, một số điều của Luật hiện không còn phù hợp với thực tiễn nên cần có sự chỉnh sửa, bổ sung. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.