Bà Phan Thị Mỹ Thanh có những vi phạm cụ thể như thế nào?
Vi phạm Luật phòng chống tham nhũng
Trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên.
Điều này là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.
Trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh có các vi phạm, khuyết điểm: ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.
Trong thời gian này, bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
Bà Thanh còn không minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Ủy ban Kiểm tra trung ương nhận thấy những vi phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh là nghiêm trọng và quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cảnh cáo.
Khi giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã chấp thuận cho Công ty Cường Hưng của chồng mình đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân. Và vi phạm của bà Thanh không chỉ có thế… - Ảnh: Thừa Thiên |
Lấy ngân sách hỗ trợ dự án BOT của chồng
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khu vực mỏ đá Tân Cang được UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch khoảng 600ha để khai thác đất đá phục vụ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Trước đây, khu vực mỏ đá này do UBND huyện Long Thành (nay thuộc địa phận hành chính của UBND TP Biên Hòa) quản lý.
Để phục vụ cho việc vận chuyển đất đá ra vào khu dân cư, UBND huyện Long Thành yêu cầu nhiều doanh nghiệp khai thác đá ở khu vực mỏ đá này góp tiền làm đường chuyên dụng.
Tuy nhiên, sau khi bà Phan Thị Mỹ Thanh từ bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch chuyển về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì bà này ký văn bản chỉ đạo giao cho Hợp tác xã An Phát (do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh, quản lý) để làm đường chuyên dụng BOT, lập trạm thu phí.
Điều đáng nói là kinh phí để hỗ trợ giải phóng mặt bằng lại được lấy từ ngân sách nhà nước trái quy định.
Cụ thể, ngày 4-4-2013, bà Thanh ký văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND TP Biên Hòa lấy ngân sách của tỉnh hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án BOT của ông Tịnh.
Dự án này dài hơn 7km đi qua 12 mỏ đá ở khu vực Tân Cang, với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỉ. Dự án được chia làm hai giai đoạn, đang hoàn thành giai đoạn 1.
Theo các DN khai thác đá ở khu vực này, đây là tuyến đường không nhất thiết phải làm BOT vì đầu tư không nhiều tiền, gây tăng chi phí đầu ra cho các đơn vị.
“Thấy bà Thanh ký giao cho Hợp tác xã An Phát của chồng bà làm BOT để thu phí là bất hợp lý nhưng không ai dám nói” - một chủ DN nói.
Chưa kể, từ khi UBND huyện Long Thành có chủ trương vận động các doanh nghiệp góp tiền làm đường thì có một số doanh nghiệp đóng tiền rồi.
Nói về việc này, ông Bùi Thanh Trúc - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp tỉnh Đồng Nai (Donacoop), người tố cáo nhiều vụ việc liên quan đến bà Thanh - bức xúc: “Từ năm 2009 các đơn vị khai thác đá đóng cho Ban quản lý dự án huyện Long Thành hơn 2 tỉ đồng để làm tuyến đường trên, vậy mà họ không làm theo phương án này. Bỗng dưng bà Thanh lại chỉ định cho công ty của chồng bà làm đường BOT”.
Điều hành công ty gia đình
Theo tài liệu, năm 2007 UBND tỉnh Đồng Nai cho phép Công ty TNHH một thành viên Song Khuê do ông Đỗ Tịnh làm giám đốc được lập dự án khu dân cư thương mại - dịch vụ xã Phước Tân (thuộc xã Phước Tân, huyện Long Thành - nay thuộc TP Biên Hòa) với diện tích gần 92ha. Đến tháng 11-2010, Công ty Song Khuê được Sở Kế hoạch - đầu tư cấp lại giấy chứng nhận đăng ký DN với tên mới là Công ty TNHH Cường Hưng, có vốn điều lệ 225 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi đổi tên thì Công ty Cường Hưng bất ngờ xuất hiện một cổ đông sở hữu 11% vốn một cách bất thường là con gái bà Thanh.
Do có con gái của bà Thanh góp vốn, nên một cổ đông hợp pháp của Công ty Cường Hưng là bà Lữ Thị Thanh Xuân bị “hất” ra khỏi danh sách cổ đông. Bà Xuân bức xúc làm đơn tố cáo.
Theo hồ sơ, sau khi thành lập và đổi tên thành Công ty TNHH Cường Hưng, bà Thanh chủ trì các cuộc họp, điều hành công ty...
Như vậy, bà Thanh đã tham gia điều hành, can dự vào nhiều hoạt động của Cường Hưng trong suốt giai đoạn bà đang là bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch cho đến khi giữ cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh.
Giai đoạn này, bà Thanh can dự cả vào việc đổi giấy chứng nhận kinh doanh, chuyển tiền bồi thường giữa Công ty Cường Hưng với các đơn vị khác.
Điển hình như vụ Công ty Cường Hưng mời gọi Donacoop bỏ tiền đầu tư vào dự án khu dân cư thương mại Phước Tân.
Trong hồ sơ có nhiều văn bản, bút tích cho thấy bà Thanh điều hành thay chồng trong các thỏa thuận hợp tác này khiến nhiều cổ đông khác bức xúc, gửi đơn tố cáo.
Ký văn bản sai thẩm quyền
Bà Thanh còn lợi dụng cương vị phó chủ tịch UBND tỉnh để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy nội địa, mặt bằng, vật liệu xây dựng, dù lĩnh vực này do một phó chủ tịch khác phụ trách.
Đây là dự án nằm trong dự án dịch vụ, nhà ở của khu đất gần 92ha mà Công ty Cường Hưng ký kết hợp tác với các đối tác trước đó. Một cổ đông cho hay: “Dự án bến thủy nội địa chưa hề thông qua hội đồng thành viên và số tiền thu lợi từ kinh doanh bến bãi đều không đưa vào nguồn thu của công ty...”.