Phim Việt: Muốn “chiếm” sóng, đừng nhàn nhạt và gây phản cảm

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nâng cao tỷ lệ phim nội trên truyền hình để tránh bị “xâm lăng” văn hoá là điều cần thiết. Nhưng, muốn làm được điều đó, chất lượng phim nội phải được nâng lên mới “chiếm” được khán giả.

Quốc hội đang bàn về dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) và lãnh đạo Nhà nước đã nêu ý kiến rất xác đáng rằng cần phải nâng cao tỷ lệ chiếu phim nội trên truyền hình, để tránh bị “xâm lăng” văn hoá. Nhưng phim nội muốn có chỗ đứng vững vàng trên sóng truyền hình và để không bị phim ngoại “chèn ép”, không thể không nâng cao chất lượng. Bởi thực tế, mỗi năm có rất nhiều phim được ra đời, nhưng chất lượng thì còn rất nhiều vấn đề cần phải nâng cao và đó là lý do để khán giả chưa mặn mà với phim Việt.

Những bộ phim “thương tích”

Tôi vừa “va” phải một bộ phim truyền hình trên mạng, và chỉ sau khi xem vài hình ảnh với vài câu thoại, tôi đã phải chuyển kênh. Phim làm về thời kỳ đầu thế kỷ XX, với cảnh nhà gỗ ba gian cũ kỹ, ở nông thôn, một ông có ba bà vợ, các bà đều váy đụp áo bà ba, nhưng bà cả gọi bà ba và bà hai là “em” xưng “chị”, thay vì gọi “dì” xưng “tôi” như thực tế đời sống của giai đoạn ấy, còn ông chồng thì mặc bộ pijama kẻ sọc thời hiện đại. Một bộ phim mà từ trang phục đến cách xưng hô đều không đúng với bối cảnh phim thì làm sao thuyết phục được người xem tin vào câu chuyện?

Mẹ chồng tôi là bộ phim được đánh giá cao về chất lượng

Mẹ chồng tôi là bộ phim được đánh giá cao về chất lượng

Đó không phải là bộ phim duy nhất diễn ra với sự vô lý mà tôi từng xem. Trước đó, tôi từng rất thất vọng khi xem một bộ phim truyền hình về đề tài hình sự, bởi phim không được như những lời quảng cáo, vì nội dung phim chẳng khác những cuốn truyện trinh thám hay các bài báo vụ án đã xuất bản. Đã thế, có cảnh cô gái bị giết chết mới vô lý mà không hiểu sao đạo diễn và thư ký trường quay lại không nhận ra, khi ban đầu vết máu loang phía ngực trái và vài giây sau, ở cảnh tiếp, vệt máu đã nằm bên phải!

Trong một bộ phim về chiến tranh được chiếu trên một đài truyền hình địa phương cũng có nhiều chi tiết vô lý: Cuộc chiến rất khốc liệt với bom đạn cày xới mà bộ quần áo lính nào cũng nguyên nếp gấp, thậm chí, một anh lính trẻ rửa mặt bên suối với chiếc khăn mặt mới trắng tinh, thay vì màu lá vốn là “màu của lính” để nguỵ trang. Không ít bộ phim, nhân vật chính là cô gái thôn quê đặc sệt, từ quần áo, đầu tóc, đến đôi dép, giọng nói, nhưng móng tay lại để dài và sơn màu óng ánh. Ở một bộ phim khác, khán giả còn thấy rõ cả những lọn tóc đen ánh dưới chiếc mũ của sư thầy.

Ngạc nhiên nữa là trong một bộ phim được giải cao của một đạo diễn có tên tuổi, lại có lỗi “chết người” khi mấy cô thanh niên xung phong hát một bài hát mà giai đoạn chuyện phim diễn ra, tác giả còn chưa sáng tác!

Những chi tiết tưởng nhỏ mà không hề nhỏ như vậy đã làm hỏng cả bộ phim, khi không làm cho người xem tin vào câu chuyện để mà đồng cảm! Nó cho thấy sự đầu tư chưa đúng mức, hoặc là thiếu kinh nghiệm sống của ekip làm phim, thậm chí quá dễ dãi, bởi chả lý gì mà khi dựng phim, ekip lại không nhận ra điều mà khán giả bình thường cũng thấy, để rồi vẫn cho ra đời những bộ phim gây phản cảm với người xem.”

Bộ phim “Về nhà đi con” đình đám thế cũng mắc lỗi ngớ ngẩn khi 3 cô con gái của ông Sơn (cùng một mẹ) nhưng mang 3 họ khác nhau là Hoàng - Nguyễn - Bùi. Điều này lộ ra trong tờ giấy xét nghiệm Thu Huệ là Hoàng Thu Huệ; Facebook của Anh Thư là Thư Nguyễn và Facebook của cô em út Ánh Dương cho biết cô họ Bùi.

Cảnh trong phim Về nhà đi con

Cảnh trong phim Về nhà đi con

Quá khứ vàng son

Công bằng mà nói, chúng ta cũng đã có những phim truyền hình thu hút được sự quan tâm của khán giả như Mẹ chồng tôi, Ăn mày dĩ vãng, Của để dành, Người thổi tù và hàng tổng, Chuyện phố phường, gần đây là Hương vị tình thân, Về nhà đi con (tuy cũng còn gây tranh cãi)… nhưng số lượng đó còn khiêm tốn so với lượng phim được làm hàng năm, nhất là so với số lượng phim mà chúng ta mong muốn có thể góp phần vào việc chống lại sự “xâm lăng” văn hoá.

Còn về điện ảnh, lâu rồi chúng ta không còn được thấy những bộ phim kinh điển “tung hoành” ở nhiều nước và gặt hái những giải thưởng quốc tế danh giá, đại loại như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Mối tình đầu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười… và tên tuổi các đạo diễn Huy Thành, Hải Ninh, Hồng Sến, Trần Phương, Đặng Nhật Minh…, các diễn viên Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh, Phương Thanh, Lâm Tới, Hồ Thái ... được thế giới biết đến.

Lúc ấy, kỹ thuật điện ảnh không thể bằng bây giờ, nhưng có lẽ, chính tâm huyết và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm cẩn của những người nghệ sĩ đã thổi hồn vào mỗi thước phim, làm nên sức hút với công chúng. Kịch bản gần gũi với cuộc sống, diễn viên như đang sống với chính cuộc đời của nhân vật. Với sự sáng tạo của đạo diễn, trong mỗi thước phim, người xem được sống với câu chuyện thật chứ không phải là xem trên màn ảnh.

Cảnh trong phim Hương vị tình thân

Cảnh trong phim Hương vị tình thân

Đã nhiều lúc, người ta đổ lỗi cho thị hiếu khán giả tầm thường khi cứ chạy theo “mốt” xem phim nước ngoài, mà không biết rằng lỗi để mất khán giả thuộc về chính những người làm phim! Bởi làm sao khán giả có thể yêu được những bộ phim mang đầy “thương tích” chứ không phải là những tác phẩm nghệ thuật đích thực?

Cần sự đồng bộ

Một bộ phim muốn thành công, phải có chất lượng cao đồng bộ, từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên. Để có những bộ phim mang tính bứt phá, trước hết đòi hỏi sự bứt phá của chính các nhà viết kịch bản, của đạo diễn, nhưng, từ phía nhà quản lý, người duyệt phim, cũng cần phải có tiếng nói hoà đồng.

Nói điều này bởi, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, khi thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến đã nêu thực tế vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng thẩm định phim đang can thiệp quá sâu vào nội dung phim và ép buộc các nhà làm phim thay đổi nội dung để được cấp phép, phổ biến.

Theo ông Nam, một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo cao nên có nhiều góc nhìn khác nhau. Để có sự nhìn nhận đúng mức và đạt được sự đồng thuận cao, Hội đồng thẩm định phim và các nhà sản xuất phải ngồi lại với nhau, có tiếng nói chung về vấn đề này trên cơ sở của bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết. Luật Điện ảnh hiện hành đang có những quy định mang cảm tính khiến cho có phim, ngay cả ý kiến giữa các thành viên trong Hội đồng cũng không thống nhất. Đơn cử, những cảnh quay nhạy cảm, không có thước đo cụ thể nên với người này như thế là vừa đủ, với người khác lại là kéo dài.. rõ ràng.

Rõ ràng, một Bộ Luật điện ảnh sửa đổi theo hướng tiến bộ phù hợp mới có thể giúp những người làm phim chủ động và sáng tạo hơn, để có những bộ phim có chất lượng, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với phim ngoại, trước hết ngay trên “sân nhà! Nếu không, sẽ chỉ là sự khởi động của một bánh trong chiếc xe hai bánh, bởi phim Việt không thể lớn nhanh trong chiếc áo quá chật.