Phát triển thị trường hàng không: Đừng chỉ là có thêm nhiều tàu bay....

VietTimes -- “Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không”.
(Ảnh minh họa)

Thị trường hàng không Việt Nam có lẽ chưa bao giờ sôi động như lúc này. Ở một giác độ nào đó, sự sôi động ấy còn được gọi là “nóng”.

Chưa cần đến sự xuất hiện của các tay chơi mới thì  năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không cũng đã tới hạn, nếu không muốn nói là bắt đầu bộc lộ dấu hiệu quá tải.

Bản thân Cục Hàng không – nhà chức trách hàng không Việt Nam theo quy định của pháp luật – cách đây ít tháng khi thẩm định hồ sơ xin cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (với nội dung chính là nâng quy mô khai thác đội tàu bay từ 10 chiếc lên thành 40 chiếc trong năm 2019) đã thừa nhận thực trạng trên.

Tại văn bản báo cáo Bộ GTVT vào hạ tuần tháng 4/2019, Cục Hàng không cũng cho biết, với nguồn lực hiện tại (đã tính cả biên chế được phê duyệt năm 2019 và lực lượng giám sát viên an toàn hàng không ký hợp đồng làm việc cho Cục), Cục chỉ đảm bảo quản lý được đến 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).

Cụ thể, theo Cục Hàng không Việt Nam, với kế hoạch khai thác 40 tàu bay của Công ty Tre Việt vào năm 2019 và kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến thời điểm 31/12/2019 là 277 tàu bay, tăng 61 tàu bay so với hiện tại và vượt quá 21 tàu bay so với năng lực giám sát của Cục này.

Báo cáo trên của Cục Hàng không đã nhận phải không ít ý kiến trái chiều từ thị trường, dư luận và tất nhiên là cả từ... Bamboo Airways. Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Bamboo Airways bình luận, rằng trong lịch sử Việt Nam “chưa từng có trường hợp doanh nghiệp nào bị từ chối phát triển vì vượt quá khả năng quản lý của cơ quan chức năng”. Luận điểm này nhận được sự đồng tình từ nhiều người, kể cả một số Đại biểu Quốc hội; Và ngược lại, nó cũng đem đến cho Cục Hàng không không ít “gạch, đá”.

Tuy nhiên, quan điểm của Cục Hàng không không Việt Nam cũng không hẳn là không có cơ sở. Thực tế, từ năm 2009, khi cho ý kiến về lộ trình cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Việc thành lập và phát triển các hãng hàng không mới phải đảm bảo được yêu cầu về duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, khả năng cung ứng nguồn nhân lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không, góp phần đáp ứng hiệu quả vận chuyển công cộng bằng đường hàng không và phát triển bền vững của các hãng hàng không”.

Quan điểm phát triển này tiếp tục được quán triệt tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (ký thay bởi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào ngày 23/02/2018).

Gần nhất, ngày 17/6/2019, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận nêu rõ: “Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không”.

 Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương tăng số lượng tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc đến năm 2023 cho Bamboo Airways. (ảnh: mt.gov.vn)

Mở rộng đội bay nhưng...

Hiệu ứng từ dư luận không hiểu đã phát huy tác dụng, hay nhà chức trách đã có phương án để cải thiện năng lực giám sát an toàn khai thác, chiều ngày 21/6/2019 – tức là 4 ngày sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ - dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương tăng số lượng tàu bay từ 10 chiếc lên 30 chiếc đến năm 2023 cho Bamboo Airways.

So với phương án mà Bamboo Airways đề xuất ban đầu – là nâng đội tàu bay khai thác lên 40 chiếc trong năm 2019 – thì chủ trương trên đã “giảm tốc” đáng kể tham vọng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Song vì Bộ GTVT không nêu/không công bố phân kỳ lộ trình mở rộng đội bay cho Bamboo Airways ra sao nên chưa rõ cuối năm 2019, hãng bay trẻ nhất thị trường được phép có bao nhiêu tàu, tương tự là cuối năm 2020, 2021, 2022 rồi mới đến hạn mức 30 tàu của cuối năm 2023.

Nhắc lại rằng, năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam tính đến cuối năm 2019 chỉ đảm bảo được chỉ đảm bảo quản lý được đến 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (bao gồm cả các tàu bay trực thăng và tàu bay hàng không chung).

Tính ra năm nay, Bamboo Airways còn có thể được bổ sung khoảng chục tàu bay. Nhưng đấy là với điều kiện, các hãng bay còn lại chỉ bổ sung tàu bay theo kế hoạch và thị trường không đón nhận thêm hãng hàng không mới nào.

Mà như đã biết, Vinpearl Air, Viettravel Airlines và cả Vietstar Airlines cũng đang rất khẩn trương trong cuộc đua xin Giấy phép vận chuyển hàng không. Nếu Bamboo Airways được phép mở rộng đội bay tối đa, đồng nghĩa cơ hội gia nhập trị trường của những Vinpearl Air, Viettravel Airlines, Vietstar Airlines... sẽ hẹp lại - trong điều kiện năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không không được cải thiện tương xứng.

Thị trường hàng không Việt Nam đang xuất hiện một cuộc khủng hoảng phi công, làm nảy sinh những tình huống cạnh tranh "không lành mạnh" giữa các hãng... (Ảnh: FLC)

Đó là chưa kể tới hàng loạt các tiêu chí khác - mà nổi bật hơn cả là khả năng cung ứng nhân lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng…) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không. Thị trường không còn lạ về cuộc khủng hoảng phi công đến mức phát sinh cả những tình huống cạnh trạnh "không lành mạnh" giữa các hãng trong thời gian gần đây; Sự quá tải về hạ tầng ở một số cảng hàng không chủ chốt cũng đã được đề cập nhiều lần. (Đọc thêm: Bùng nổ cuộc đua hàng không: Sức nóng trên bầu trời và sức ép cho mặt đất...)

Tất nhiên, Bộ GTVT và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã quán triệt rất kỹ chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực chính phủ hôm 17/6 vừa rồi, nhất là khi người đứng đầu Chính phủ đã kết luận rõ: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không”.

Và nên nhớ, trước khi cấp mới hay cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways hay bất kỳ hãng hàng không nào, Bộ GTVT cũng sẽ phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Sân bay căn cứ

Trao đổi với VietTimes chiều qua (5/8/2019), Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết sân bay căn cứ (air base) là sân bay tập trung các nguồn lực để kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay (thường xuyên và định kỳ). “Ở đó có các cơ sở hậu cần kỹ thuật của họ”, ông Cường nói.

Trước câu hỏi của VietTimes về trường hợp của Bamboo Airways, rằng hãng bay này lựa chọn căn cứ ở sân bay Phù Cát (Bình Định), vậy Bamboo Airways có phải bay về Phù Cát để kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng hay đậu qua đêm (?), Phó Cục trưởng Cường trả lời: “Về lý thuyết phải thế!”.

Cũng theo ông Cường, một hãng hàng không có thể chọn nhiều cảng hàng không làm sân bay căn cứ, chẳng hạn như Vietnam Airlines hiện đã đăng ký 4 sân bay làm sân bay căn cứ. Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất khó khăn về vị trí đỗ thì theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường, sân bay Nội Bài và một số sân bay khác vẫn còn dư địa để các hãng hàng không khác đầu tư sở sở hậu cầu kỹ thuật để làm sân bay căn cứ.

Về lý thuyết, tàu bay của Bamboo Airways phải đậu đêm ở sân bay Phù Cát nhưng thực tế có phải vậy?...

Nên biết, việc lựa chọn sân bay căn cứ hiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xin cấp phép thành lập hãng hàng không.

Vietstar từng 2 lần nộp hồ sơ lên cơ quan quản lý để xin lập hãng hàng không nhưng đều bị từ chối bởi kế hoạch chọn Tân Sơn Nhất – một cảng hàng không đang bộc lộ sự quá tải – làm sân bay căn cứ.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ Vietstar, Công ty Tre Việt (thành viên của Tập đoàn FLC) đã chọn sân bay Phù Cát (Bình Định) làm căn cứ khi trình hồ sơ xin phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways.

Gần đây hơn, trong hồ sơ xin thành lập Viettravel Airlines, Viettravel cũng lại lựa chọn Phú Bài làm sân bay căn cứ, chứ không phải là các cảng hàng không trọng điểm như Nội Bài, Đà Nẵng hay Tân Sơn Nhất.

Đối với trường hợp của Vinpearl Air, chưa rõ Vingroup sẽ lựa chọn cảng nào để làm sân bay căn cứ cho tham vọng gia nhập bầu trời của mình. Nhưng lưu ý CTCP Hàng không Vinpearl Air đăng ký trụ sở tại Hà Nội, mà trước nay, các hãng hàng không thường chọn sân bay căn cứ tại nơi đăng ký kinh doanh lần đầu.

“Các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay”, xin nhắc lại một kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Thường trực Chính phủ hôm 17/6/2019./.