“Giấc mơ Mỹ”
Biết sẽ lỗ 54 triệu USD, Vietnam Airlines vẫn quyết khai thác đường bay thẳng tới Mỹ? |
Rồi cứ khoảng một đôi năm, VNA lại đăng đàn về quyết tâm thực hiện đường bay này rồi... để đấy.
Phần vì mãi đến tháng 2/2019 vừa rồi, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) mới cấp cho Cục Hàng không Việt Nam Chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) - điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ.
Sau khi có CAT1, VNA lại ngay lập tức tuyên bố sẽ mở đường bay thẳng đi Mỹ. Trong đơn gửi tới Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ về kế hoạch khai thác đường bay dài tới LAX vào tháng 3/2019 vừa rồi, VNA dự tính sẽ lỗ kế hoạch tới 54 triệu USD trong năm đầu tiên. Khả năng lỗ gần như là chắc chắn ấy, khiến thị trường đồ rằng VNA muốn mở đường bay Mỹ bởi vị thế của một hãng hàng không quốc gia hơn là động cơ kinh doanh. Sự mặn mà của VNA với kế hoạch này, vì thế, cũng lửng lơ…
Vietjet Air – hãng bay giá rẻ đang khuynh loát thị phần nội địa và được VNA xem như đối thủ lớn nhất - từng tuyên bố sẽ thực hiện chuyến bay đi Mỹ đầu tiên vào năm 2019 nhưng sau đó hủy bỏ kế hoạch do những báo cáo không tốt về thị trường.
Cũng bởi thị trường mà ít năm trước, một tuyến bay Mỹ - Việt đã ngừng sau 9 năm khai thác. Theo đó, Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã mở đường bay từ San Fransisco tới TP. HCM, quá cảnh tại Hồng Kông từ tháng 10 năm 2007 nhưng lặng lẽ rút lui vào năm 2016 do thị trường chưa tốt.
Vietnam Airlines tin rằng sẽ lỗ nặng nếu khai thác tuyến bay Việt - Mỹ nhưng hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways thì nghĩ khác. (Ảnh: Vietnam+)
|
Tiềm năng thị trường
Theo thống kê của ACV năm 2016, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ đạt gần 700,000 khách, trong đó lượng khách giữa Việt Nam - Los Angeles là lớn nhất với 137 nghìn lượt khách, Việt Nam - San Francisco đạt hơn 90 nghìn khách/năm. Tỉ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8,5%.
Phép tính khiến ông Trịnh Văn Quyết tin rằng Bamboo Airways sẽ có lãi khi bay thẳng tới Mỹ |
Trong buổi tọa đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh”, Chủ tịch Bamboo Airways – ông Trịnh Văn Quyết đưa ra những con số về thị trường khá sát với những thông số trên. Không lạ nếu hãng bay trẻ nhất Việt Nam đang dùng những con số ấy để “chạy” mô hình khả thi cho kế hoạch khai thác đường bay thẳng Việt – Mỹ.
Cũng trong tọa đàm trên, ông Quyết có nhấn mạnh nếu quá cảnh ở nước thứ 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản) thì số lãi của hãng sẽ lớn hơn rất nhiều vì thu hút thêm được nhiều khách hàng.
Ông chủ Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết tỏ ra đầy tự tin.
|
Song thực tế, việc mở những đường bay đi Hàn Quốc và Nhật nhằm hút khách sẽ vấp phải không ít trở ngại, mà lớn hơn cả là sự cạnh tranh khốc liệt của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Hai thị trường này được 2 “ông lớn” hàng không Việt Nam chiếm lĩnh và đó cũng là một lợi thế rất lớn nếu như 2 hãng này mở đường bay đi Mỹ.
Theo các chuyên gia hàng không, việc bay thằng từ Việt Nam đi Mỹ là có thể nhưng việc cho quá nhiều nhiên liệu để tăng số giờ bay đồng nghĩa với việc phải giảm đi lượng hàng hóa và số ghế hành khách. Do đó việc lựa chọn máy bay và cách bay sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của các hãng.
So sánh hai loại máy bay Airbus A350 và Boeing B787, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết khẳng định nếu sử dụng A350 sẽ tăng tỉ lệ lợi nhuận lên đáng kể nếu sử dụng đường bay đi Mỹ. Nhưng với đơn đặt hàng tỷ đô cho dòng máy máy bay B787 đã ký thì hãng bay của ông Quyết sẽ không dễ để chuyển dòng sang A350; Chưa kể, việc chuẩn bị phi công cũng là một thách thức lớn.
Khách quan mà nói, với lực lượng phi công và đội tàu bay đông đảo, đường bay trung chuyển sẵn có - với lượng khách luôn có tỉ lệ lấp đầy trên 90% (Hàn Quốc, Nhật), Vietnam Airlines sẽ dễ dàng tính toán các phương án tài chính cho tuyến bay đi Mỹ một cách thực tế hơn so với hãng bay trẻ Bamboo Airways.
Tính toán và thực tế…
Theo phép tính của Bamboo Airways, với máy bay B787, thời gian đầu hãng này có thể lỗ đến 14 tỷ mỗi tháng. Nhưng sau khi thu hút được lượng khách nhất định, hãng sẽ có lợi nhuận đến 8,4 tỷ đồng một tháng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, tính toán đó mới xét trên điều kiện lý tưởng. Còn thực tế khai thác sẽ tiềm ẩn hàng loạt thách thức.
Thách thức đầu tiên là lượng khách thực tế không đạt kỳ vọng, bởi nếu VNA, Vietjet Air và/hoặc hãng kinh nghiệm lâu năm ở đường bay này là United Airlines tham gia thì lượng khách sẽ phải chia đều cho các hãng. Khi ấy, phương án khả thi trên giấy tờ của Bamboo sẽ khó thành hiện thực và hãng có thể lỗ sâu hơn dự báo.
Ngoài ra còn có các rủi ro về an ninh khi bay vào đường bay Mỹ có thể khiến chuyến bay bị hoãn sâu, bị nằm lại tại các sân bay quá cảnh hay tại Mỹ. Với một hãng bay nhỏ, chưa đủ tàu bay để phân phối, bay khẩn hỗ trợ cho các tàu bay hỏng hóc thì sẽ gây ra việc tàu bay có nguy cơ nằm lại ở các sân bay nước ngoài thời gian lâu và tốn rất nhiều chi phí.
Cũng là hãng bay tư nhân nhưng Vietjet Air lại "điềm đạm" hơn hẳn Bamboo Airways trong kế hoạch khai thác đường bay Việt - Mỹ, bất chấp kinh nghiệm, tiềm lực và các lơi thế sẵn có. (Ảnh: Internet)
|
Đối với VNA, việc mạng đường bay lớn, lượng khách sẵn có đông, phi công và máy bay có sẵn sẽ đáp ứng được yêu cầu một đường bay mang tính ổn định lâu dài hơn. Việc VNA dự tính lỗ kế hoạch lên đến 54 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng) trong năm đầu khai thác mang tính thực tế cao, do có kinh nghiệm lâu năm khai thác máy bay đường dài, cụ thể là B787-900 và A350-900.
Tính toán này cũng phần nào thể hiện đặc thù của VNA – với cỗ máy đồ sộ và chi phí cố định lớn, dẫn đến hệ số sinh lời chưa cao. Các hãng bay tư nhân như Bamboo Airways, với sự linh hoạt trong cấu trúc và mô hình quản trị tốt sẽ có điều kiện tốt hơn để quản trị chi phí và cải thiện lợi nhuận. Tuy vậy, với danh nghĩa hãng bay quốc gia và đạt chứng chỉ 4 sao do Skytrax đánh giá, việc thu hút khách hàng tiềm năng của VNA sẽ lợi thế hơn hẳn các hãng còn lại, dù mức giá vé có thể cao hơn Bamboo Airways, thậm chí Japan Airlines, Cathay…
Vietjet Air hiện vẫn im hơi lặng tiếng trong cuộc đua mở đường bay tới Mỹ mặc dù trước đây nhiều lần tuyên bố sẽ tham gia sớm. Đánh giá chung, Vietjet Air có cả lợi thế của Bamboo Airways là cơ chế mở vì là hãng tư nhân, bộ máy nhỏ gọn, chi phí cố định thấp, lực lượng phi công đông đảo, kinh nghiệm và mạng đường bay tới sân bay quá cảnh Hàn Quốc, Nhật bản rất đông khách. Nếu như đường bay Mỹ thực tế hứa hẹn lợi nhuận, không lý do gì “Madame” Thảo lại chẳng mặn mà…
Cuộc đua “giấc mơ Mỹ” - đường bay đánh dầu một bước mới về cả kinh tế và chính trị của Việt Nam, thực tế vẫn là dấu hỏi lớn về tính khả thi. Lời hay lỗ (?), bền vững hay nhất thời (?)…/.