|
Theo các đánh giá quốc tế, lượng khí thải carbon trên toàn thế giới đang ở mức gần 40 tỷ tấn/năm. Và mục tiêu zero carbon (lượng khí thải bằng 0) vào năm 2050 sẽ cần đến sự nỗ lực của mọi quốc gia trong chuyển đổi năng lượng và áp dụng công nghệ giảm phát khí thải.
Nhiều quốc gia đã đầu tư sản xuất năng lượng sạch không có carbon là hydrogen/amonia xanh. Nguồn năng lượng này có thể góp phần giảm tới 80 tỷ tấn CO2 vào năm 2050 với phần lớn được ứng dụng trong công nghiệp và vận tải.
Theo các chuyên gia của Neuman & Esser, Việt Nam có điều kiện tốt để phát triển nền kinh tế xanh và cũng đang dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo với tiềm năng rất lớn về năng lượng gió và điện mặt trời nhờ vị trí địa lý thuận lợi. Đây chính là các nguồn nhiên liệu đầu vào để sản xuất hydrogen bằng phương pháp điện phân từ nước ngọt.
TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá, việc định hướng phát triển ngành sản xuất hydrogen/amonia xanh không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tiến tới mục tiêu zero carbon mà Việt Nam đã cam kết theo công ước COP26, mà còn là cơ hội để hình thành một ngành kinh tế mới, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với chất lượng cao. Tuy nhiên, giá thành đầu tư cho các hình thái năng lượng này vẫn còn cao và cần có chính sách phù hợp cùng những nguồn vốn vay ưu đãi.
TS Trần Vân – Viện trưởng IDS khẳng định, việc phát triển ngành hydrogen/amonia xanh sẽ là cơ hội để Việt Nam có thêm động lực thúc đẩy trong giai đoạn sắp tới. IDS sẵn sàng đóng góp vai trò đầu mối để tiếp nhận nghiên cứu, đầu tư và chuyển giao công nghệ hydrogen/amonia xanh cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư vào ngành kinh tế mới này.