Chiều 5.9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Joe Biden, Đặc phái viên John Kerry trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang nỗ lực một cách hết sức tổng thể và quyết liệt trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai các cam kết tại COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và chia sẻ kinh nghiệm.
Trong cuộc phỏng vấn hẹp với báo chí vào sáng 5.9, đặc phái viên tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã gợi ý một số việc Việt Nam nên làm trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ông Kerry nói rằng, sau khi đi dọc sông Sài Gòn ở TPHCM, thăm tỉnh Bến Tre và kết hợp với kiến thức của các chuyên gia, ông nhìn thấy rõ những rủi ro nếu Việt Nam không chuyển đổi nhanh từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) sang năng lượng sạch.
TPHCM gặp vấn đề triều cường gây ngập lụt, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng và cuộc sống của người dân. Ở Bến Tre, có một nhà máy điện gió đã được xây dựng để cung cấp điện sạch, nhưng không có hệ thống truyền tải để hòa lưới. Ông Kerry nói rằng, đây là tình trạng không đồng bộ ở nhiều dự án điện mặt trời tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre… Đặc phái viên Mỹ cho rằng, các dự án này chưa được tận dụng triệt để khi chưa có hệ thống truyền tải phù hợp.
Theo ông, đây là sự lãng phí vì dù điện gió và điện mặt trời có thể cung cấp khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Việt Nam, trên thực tế nó chỉ đang đóng góp khoảng 4%.
"Chúng tôi có thể hỗ trợ tài chính, giúp thúc đẩy tài chính quốc tế và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Đây sẽ là một quan hệ mang tính đối tác", ông Kerry khẳng định.
Đề cập đến Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, ông Kerry cho rằng kế hoạch này chưa đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Theo ông Kerry, ở các quốc gia châu Âu, điện than chỉ là phương án phòng hờ trong ngắn hạn, do đó ông khuyến nghị Việt Nam không nên đưa điện than vào kế hoạch dài hạn.
"Tất cả chúng ta đều biết cần phải làm gì, chúng ta chỉ cần nhanh hơn để biến những điều đó thành hiện thực. Đó là lý do vì sao tôi ở đây để thống nhất với các lãnh đạo Việt Nam những cách có thể làm để đẩy nhanh quá trình đó", cựu ngoại trưởng Mỹ chia sẻ.
Theo ông Kerry, Việt Nam đã cho phép xây dựng các nhà máy điện gió và điện mặt trời, nhưng vẫn cần nhiều nhà máy hơn nữa. Đặc biệt, Việt Nam cần hệ thống truyền tải đủ công suất để tận dụng các nhà máy năng lượng tái tạo. “Nếu sản xuất được năng lượng tái tạo mà không thể truyền đi đâu được thì cũng không có tác dụng gì. Việt Nam cần xây dựng hệ thống truyền tải cho điện mặt trời và điện gió nhanh hơn”, ông nói.
"Chi phí năng lượng tái tạo cao không phải do quá trình xây dựng. Rất nhiều công ty toàn cầu sẵn sàng đấu thầu và xây dựng cho Việt Nam với giá cạnh tranh, công bằng. Điều Việt Nam cần làm là tạo ra một sân chơi để họ có thể tham gia", đặc phái viên Mỹ nêu vấn đề.
Đặc phái viên Mỹ khuyến nghị Việt Nam khuyến khích cạnh tranh trên thị trường. Ông nêu ví dụ là lĩnh vực vận chuyển hàng không của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều từ khi có các hãng bay tư nhân tham gia ngành này.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra chậm, khi còn những tranh luận chính trị và quan điểm khác nhau. “Tất cả các nước cần đi nhanh hơn. Mỹ có thể giúp Việt Nam đi nhanh hơn”, ông nói.