Bài 3 - "Chìa khóa" để doanh nghiệp viễn thông hóa giải thách thức, phát triển 5G hiệu quả

E-magazine Bài 3 - "Chìa khóa" để doanh nghiệp viễn thông hóa giải thách thức, phát triển 5G hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chi phí đầu tư phát triển mạng lưới tốn kém cùng việc cung cấp dịch vụ 5G sao cho hiệu quả đã đặt ra nhiều thách thức với các "ông lớn" viễn thông.

Việc triển khai dịch vụ 5G là một nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số; đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân qua việc phát triển thành phố thông minh, ô tô tự lái, ngân hàng số, giải trí số,….

Một điểm đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nữa là dịch vụ 5G có thể đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, robot công nghiệp.

Có thể thấy, 5G sẽ tạo ra cú hích lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, chi phí đầu tư phát triển mạng lưới tốn kém cùng việc cung cấp dịch vụ 5G sao cho hiệu quả đặt ra nhiều thách thức với các "ông lớn" viễn thông.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (3).png

Trao đổi với VietTimes về công nghệ 5G mà các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hiện đang sử dụng, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn thực tế về công nghệ 5G của quốc tế và lý giải nguyên nhân các nhà mạng trên thế giới đang ưu tiên triển khai 5G trên nền cơ sở hạ tầng băng rộng di động 4G (chính là công nghệ mạng 5G không độc lập (Non-StandAlone - NSA) thay vì phát triển mạng 5G độc lập (5G StandAlone - SA).

6.jpg

Khác với 5G NSA được phát triển trên hạ tầng mạng 4G, 5G SA là phiên bản tiên tiến hơn và hoàn toàn độc lập giúp nâng cao tính linh hoạt, khả năng mở rộng và cung cấp nhiều dịch vụ mới.

Trong đó, 5G SA cung cấp đa dạng dịch vụ, hấp dẫn cho cả đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Đơn cử như các nhóm dịch vụ như data tốc độ cao, cuộc gọi trên 5G SA thông minh có chức năng tự dịch ngôn ngữ, hiển thị phụ đề; Dịch vụ Quality on Demand, gói cước tính tiền theo dịch vụ cho phép khách hàng được linh hoạt lựa chọn chất lượng dịch vụ khác nhau theo từng thời điểm mong muốn. Khách hàng được chủ động lựa chọn ưu tiên về tốc độ cao, độ trễ thấp,… theo nhu cầu.

Lãnh đạo VNPT cho rằng cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng.

Lãnh đạo VNPT cho rằng cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng.

Cùng với đó, 5G SA là cơ sở triển khai dịch vụ Internet không dây 5G (5G FWA-Fixed Wireless Access). Người dùng được cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên mạng 5G, có thể thay thế cho dịch vụ Internet cáp quang đến hộ gia đình hiện tại.

Hoặc dịch vụ mạng di động dùng riêng (5G Private Mobile Network), là dịch vụ chia sẻ hạ tầng với mạng public nhờ tính năng network slicing, giúp linh hoạt sử dụng tài nguyên mạng lưới và giảm chi phí cho khách hàng.

Mạng di động dùng riêng có những ưu điểm về độ bảo mật cao, độ trễ thấp, đáp ứng số lượng kết nối lớn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp tại các nhà máy, khu công nghiệp, cảng biển…

5G SA còn cung cấp các giao thức phát triển ứng dụng theo chuẩn mở giúp các công ty lập trình ứng dụng sử dụng trực tiếp năng lực mạng lưới 5G của nhà mạng để tạo ra các dịch vụ kinh doanh mới. Dịch vụ giúp mở ra một mô hình kinh doanh mới và chuyển đổi mạng viễn thông truyền thống thành một nền tảng thúc đẩy sáng tạo tới cộng đồng.

Mặc dù 5G SA có nhiều điểm ưu việt hơn, nhưng hiện đa phần các nhà mạng trên thế giới đang sử dụng công nghệ 5G NA. Theo lý giải của ông Đoàn Quang Hoan, sở dĩ như vậy là bởi các nhà mạng cần phải tranh thủ được cơ sở hạ tầng băng rộng của 4G đang được sử dụng rất hiệu quả.

“Tất nhiên, trên cơ sở sóng vô tuyến là sóng 4G, giờ cũng không phải là kém khi sử dụng để chạy sóng vô tuyến là sóng 5G.

Tuy vậy, 5G thực sự vẫn đang còn có một số vướng mắc khi nhu cầu sử dụng thực tế trên thế giới chưa phải là quá lớn như kỳ vọng. Vì thế các nhà mạng vẫn sử dụng dùng chung hạ tầng 4G và 5G, tức là sử dụng hạ tầng NSA nhiều hơn”, ông Hoan nói.

Cùng quan điểm trên, trao đổi với báo chí, bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam cũng nhìn nhận, hiện tại, 5G sẽ được kích hoạt dựa trên mạng 4G, theo chiến lược triển khai mạng NSA trước, sử dụng LTE hoặc 4G như một băng tần cố định.

Trong tương lai, các băng tần mới sẽ cho phép triển khai 5G SA. Điều này sẽ mang lại những ứng dụng, khả năng và cơ hội mới cho các nhà mạng, người tiêu dùng, Chính phủ và các doanh nghiệp.

Thống kê trên toàn cầu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2024, mới có khoảng 58 quốc gia đã thử nghiệm thành công 5G SA trên tổng số 175 quốc gia triển khai thương mại hoặc thử nghiệm 5G. Con số thống kê này của GSA thể hiện rõ sự khó khăn và phức tạp trong việc triển khai mạng 5G SA so với 5G NSA.

btt-0845-copy.jpg
Các kỹ sư Viettel chuẩn bị cho sự kiện cuộc gọi 5G đầu tiên (tháng 5/2019), làm tiền đề mở ra kỷ nguyên mới của công nghệ Việt Nam.

Còn tại Việt Nam hiện nay, cả Viettel và VNPT đều đã chủ động tự sản xuất thiết bị, cung cấp dịch vụ 5G nhưng hiện mới có Viettel công bố triển khai thành công mạng 5G độc lập - 5G StandAlone (SA) sau 5 năm kể từ khi công bố first call mạng 5G NSA vào tháng 5/2019. Còn VinaPhone và MobiFone đều thông tin sẽ sớm ra mắt dịch vụ 5G nhưng hiện chưa có thông tin về công nghệ mạng sẽ triển khai.

Theo chuyên gia của Viettel, để triển khai 5G SA, ngoài việc nhà mạng bỏ ra chi phí lớn để đầu tư hoàn toàn hệ thống mạng lõi mới, thách thức lớn nhất là việc cấu hình để kết nối hệ thống này với các thiết bị vô tuyến khi tất cả phải tuân theo tiêu chuẩn 5G. Trên thế giới, các nhà mạng thường mất từ 1 đến 2 năm để hoàn thành xây dựng mạng 5G SA thương mại.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (3).png

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng nếu 4G tập trung vào dịch vụ cá nhân, hộ gia đình thì 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh… Công nghệ 5G phù hợp với việc ứng dụng cho các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh… như trong các quá trình sử dụng AI để kiểm soát chất lượng sản phẩm, giám sát công việc, đo đạc trong các hầm mỏ.

7.jpg

“Đặc tính của 5G là hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy. Vì thế, việc phủ sóng rộng rãi 5G cần phải có lộ trình”, ông Trần Minh Tuấn nói và dẫn thực tế các doanh nghiệp viễn thông khi triển khai có thể tốn hàng tỉ USD để đầu tư, trong khi nhu cầu chưa gấp rút, mức độ sử dụng cũng chưa rộng rãi.

Ông Tuấn nói thêm rằng nhiều nước trên thế giới có nhiều cách thức triển khai. Một số quốc gia như Thuỵ Điển, Na Uy… chỉ phủ tại các nơi thực sự có nhu cầu để cung cấp dịch vụ tập trung và nhắc lại rằng “việc triển khai 5G phụ thuộc vào nguồn lực của doanh nghiệp, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để triển khai cho hiệu quả, không phải triển khai một cách ồ ạt”.

Thống nhất với quan điểm trên, ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc VNPT, cho rằng việc phát triển 5G hiện nay lại theo hướng B2B, tập trung mạnh việc triển khai 5G để cung cấp dịch vụ cho đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp chuyên biệt như khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển với những yêu cầu khác biệt về tốc độ, mật độ thiết bị, độ trễ…

Thương mại hóa 5G vào có thành công hay không phụ thuộc vào việc xây dựng hệ sinh thái cho người dùng.

5.jpg

Theo phân tích của ông Hy, nếu phát triển mạng 5G nhưng phía khách hàng, doanh nghiệp chưa có sự tương thích, chưa có nhu cầu thì sẽ không đạt hiệu quả. Do đó, các nhà mạng nên tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng.

"Cần xây dựng chương trình 5G đồng tốc để tạo lợi ích cân bằng, từ cả phía chính phủ, nhà cung cấp mạng, khách hàng doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ…", vị Phó tổng giám đốc này nói thêm.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (3).png

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho rằng hiện đã có những ứng dụng 4G đã giải quyết tốt với nhu cầu phát triển của thị trường Việt Nam nhưng thị trường vẫn đòi hỏi phát triển 5G. Vì 5G là giải pháp cho các sản phẩm - dịch vụ yêu cầu tốc độ cao như xe tự lái, công nghệ AI giám sát sản phẩm trong quá trình sản xuất - kinh doanh…

Ông Tuấn cũng nêu thực tế đối với doanh nghiệp viễn thông, triển khai và khai thác 5G hiệu quả là thách thức lớn. Ông dẫn thực tế, với 2G, chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; với 3G cần 30.000 - 35.000 trạm; với 4G cần khoảng 40.000 - 60.000 trạm để phủ 100% diện tích, nhưng riêng với 5G, nhà mạng cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm.

Ngoài ra, bên cạnh việc đầu tư phát triển mạng lưới, việc cung cấp dịch vụ 5G phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và mức độ sử dụng của khách hàng, chủ yếu là nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Theo đại diện MobiFone, thách thức lớn đối với doanh nghiệp viễn thông là có mạng 5G phục vụ cho xã hội trong khi không phải dịch vụ nào cũng cần 5G.

“Chính vì vậy, chúng tôi tập trung triển khai 5G tại các khu vực khách hàng có nhu cầu sử dụng”, ông Nguyễn Đình Tuấn nói.

1728637397175_5g z5919110511862_34a68f8f50665f1391d59b267c9ef16f.jpg
MobiFone cho biết sẽ thương mại hóa dịch vụ 5G từ tháng 11/2024.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số nói thêm, về phía khách hàng là các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng cần sử dụng 5G để nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh một số doanh nghiệp đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao thì đa phần doanh nghiệp hiện đang ở mức tương đối thấp về nhu cầu ứng dụng 5G.

Với các doanh nghiệp có mức độ sẵn sàng tốt, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu các sản phẩm, ứng dụng 5G. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp này nhỏ. Còn đa phần các doanh nghiệp hiện đang ở mức năng lực tương đối thấp trong việc triển khai 5G.

“Các công cụ ứng dụng 5G thường rất đắt, nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng thì việc ứng dụng 5G là vội vàng, chưa phù hợp.

Trước tiên, doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong quy trình vận hành, hoạt động. Với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, việc ứng dụng 5G sẽ ở từng công đoạn”, ông Trần Minh Tuấn nói và nhấn mạnh thêm rằng trước tiên các doanh nghiệp phải chuyển đổi số tốt để làm nền tảng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số.

Ngoài ra, “5G là một công nghệ cho phép kết nối nhanh, độ trễ thấp, nhưng bản chất phía sau là các công nghệ như AI, Cloud, Big Data,… Do vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ muốn khai thác 5G hiệu quả thì cần có kế hoạch xây dựng hạ tầng số đồng bộ để cung cấp các dịch vụ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, ông Trần Minh Tuấn nói thêm.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (3).png

Việc phát triển 5G tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng công nghệ của thế giới. Do đó, việc triển khai thương mại 5G ở các quốc gia tiên phong mang nhiều ý nghĩa đối với việc phát triển các chính sách với tham vọng tạo ra một ngành công nghiệp di động bền vững.

Với vai trò không chỉ là cơ quan hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp mà còn tham gia hướng dẫn chuyển đổi số và triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có nghiên cứu và đưa ra 5 đề xuất chính sách có thể thúc đẩy phát triển, ứng dụng 5G.

Thứ nhất, giảm chi phí phổ tần để tập trung nguồn lực triển khai mạng 5G

Hiện các dải tần trung bình như 2.300, 2.600, 3.500, 4.900 Hz đang trở thành các băng tần chính trong giai đoạn đầu triển khai 5G với các phổ tần liên tục từ 80-100 MHz.

Để giảm bớt gánh nặng từ chi phí khổng lồ để triển khai mạng mới trong giai đoạn đầu xây dựng 5G, các chuyên gia cho rằng nên cắt giảm chi phí phổ tần mới và chi phí gia hạn phổ tần hiện có. Việc này cho phép các nhà khai thác tập trung dòng tiền vào việc triển khai mạng 5G. Phí phổ tần hàng năm tương ứng có thể được giảm hoặc miễn thêm nếu các nhà khai thác sẵn sàng đáp ứng các ưu đãi triển khai hợp lý.

Dự kiến sóng 5G phủ đến 99% dân số vào năm 2030.

Dự kiến sóng 5G phủ đến 99% dân số vào năm 2030.

Thứ hai, giảm thuế để kích thích đầu tư vào 5G

Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số, các loại thuế và phí theo ngành sẽ có tác động đáng kể đến chi phí của các nhà khai thác mạng, đến khả năng chi trả dịch vụ của người dùng cuối. Từ đó, các loại thuế, phí theo ngành sẽ tác động đến toàn bộ hệ sinh thái di động. Do đó, việc giảm hoặc loại bỏ các loại thuế cụ thể theo ngành và giảm thuế cho các nhà khai thác mạng có thể giúp đạt được tác động kinh tế xã hội lớn hơn về lâu dài trên toàn xã hội.

Thứ ba, cần có các chiến lược băng thông rộng quốc gia để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực 5G

Các chuyên gia đề xuất việc Chính phủ xem xét việc thiết lập các kế hoạch băng thông rộng quốc gia để xác định các mục tiêu phát triển ngắn hạn và trung hạn cho việc triển khai băng thông rộng, không chỉ phù hợp với điều kiện quốc gia hiện tại mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong 3-5 năm tới.

Thứ tư, các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và hợp tác công nghiệp

Từ kinh nghiệm triển khai 5G của các nước, Vụ Kinh tế số và Xã hội số nêu thực tế rằng các chính phủ đều cần áp dụng các chính sách kỹ thuật số toàn diện hơn để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số ứng dụng 5G trong các lĩnh vực.

Việt Nam nên tham khảo các chính sách này. Điều này có thể bao gồm các biện pháp điều phối các chính sách liên ngành, hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực.

Thứ năm, tạo điều kiện tiếp cận cơ sở hạ tầng công cộng để tăng tốc triển khai 5G

Một chính sách cơ sở hạ tầng tốt sẽ không chỉ giúp các nhà khai thác giảm chi phí triển khai mạng 5G mà còn đẩy nhanh việc triển khai mạng 5G và đưa dịch vụ 5G chất lượng cao đến người dân nhanh hơn, đơn cử như việc tăng cường triển khai 5G ở nhà chờ ở trạm xe buýt và cột đèn đường, cải thiện khả năng sử dụng chung của các tòa nhà công cộng và cơ sở hạ tầng đường phố.

Sau khi đầu tư 12.600 tỉ đồng để giành quyền khai thác mạng lưới, 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone hiện đang quyết liệt triển khai 5G. Ngoài số tiền đầu tư về quyền sử dụng bằng tần số, doanh nghiệp viễn thông còn phải triển khai mạng lưới với tối thiểu 3.000 trạm phát sóng sau năm 2026 và đầu năm 2025 đã phải triển khai tối thiểu 30% số trạm; tốc độ dịch vụ truy cập internet phải đạt trung bình 100 Mb/s.

Tuy vậy, các chuyên gia đều thống nhất rằng việc triển khai 5G chỉ thực sự hiệu quả khi có sự chung tay của doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng 5G và cần cả sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để tạo dư địa cho công nghệ mới phát triển.

Ứng dụng 5G mang lại nhiều lợi ích vượt trội trong các lĩnh vực khác nhau nhờ vào tốc độ cao, độ trễ thấp và khả năng kết nối đa thiết bị. Trung Quốc, Hàn Quốc hay Thái Lan là những quốc gia đi đầu trong ứng dụng 5G và đạt được hiệu quả tích cực. Vậy các quốc gia đi trước đã làm gì để phát triển và ứng dụng hiệu quả 5G, cùng đón đọc bài 4 "Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan ứng dụng 5G hiệu quả như thế nào?" trong tuyến bài "Bứt phá phát triển kinh tế số từ "đường sắt cao tốc" 5G".