Bài 2 - 5G thúc đẩy phát triển kinh tế số như thế nào?

E-magazine Bài 2 - 5G thúc đẩy phát triển kinh tế số như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công nghệ 5G được xem là “cú hích” mạnh đối với kinh tế số, hỗ trợ tích cực các ngân hàng và công ty Fintech tăng tốc độ ứng dụng các công nghệ tiên tiến, ngành quảng cáo, marketing, kỹ thuật điện - điện tử,… đều có đà phát triển mạnh mẽ.

Ngay trong chiến lược phát triển, Việt Nam xác định rõ mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng gấp đôi vào năm 2030. Việt Nam phấn đấu sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Hiện kinh tế số lan toả mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống như thương mại, du lịch, giáo dục... Dẫn số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP. Tỷ trọng kinh tế số tại các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ có những mô hình kinh tế mới, đặc biệt trong bối cảnh kỹ năng số của người dân cũng ngày càng cao, làm tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của kinh tế số.

Theo các chuyên gia, trong các giải pháp tạo nền móng, việc phát triển hạ tầng số là yêu cầu cơ bản đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (2).png

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, 5G không chỉ là bước tiến về tốc độ mạng mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là ngành ngân hàng và Fintech. Trong đó, người dùng được hưởng lợi thông qua dịch vụ tài chính số, nâng cao bảo mật và trải nghiệm khách hàng.

ong-nguyen-vinh-tuyen-ptgd-nam-a-bank.jpg
Ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank.

Theo phân tích của ông Tuyên, các ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ từ xa với chất lượng cao hơn, khách hàng tham gia các cuộc họp trực tuyến với tư vấn viên hay hội thảo tài chính mà không gặp gián đoạn. 5G cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), tạo điều kiện để khách hàng trải nghiệm các sản phẩm tài chính một cách trực quan. Với phạm vi kết nối mở rộng, 5G, ngân hàng tiếp cận dễ dàng hơn với người dùng các khu vực hẻo lánh hoặc chưa phát triển, mang dịch vụ tài chính đến với nhiều người hơn.

Bên cạnh đó, các giao dịch thanh toán trực tuyến sẽ được thực hiện nhanh chóng và an toàn hơn. Những ngân hàng và công ty Fintech cũng có thể cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính nhờ vào việc phân tích dữ liệu lớn mà 5G hỗ trợ, giúp họ đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp với hành vi và nhu cầu riêng của từng khách hàng.

Hơn nữa, công nghệ 5G được xem là “cú hích” mạnh, thúc đẩy các ngân hàng tích hợp hệ sinh thái với các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistics và mở rộng cơ hội kinh doanh.

Công nghệ 5G không chỉ đem lại tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn mà còn hỗ trợ các ngân hàng trong việc cải tiến trải nghiệm khách hàng, từ việc tương tác với khách hàng qua các chatbot trực quan hơn cho đến việc thực hiện các giao dịch ngay lập tức mà không gặp trở ngại về thời gian, không gian. Hơn nữa, khả năng kết nối nhiều thiết bị đồng thời của 5G còn hỗ trợ các ứng dụng IoT như máy POS thông minh và các thiết bị khác của ngân hàng.

Lãnh đạo Nam A Bank cho rằng việc này sẽ nâng cao hiệu quả việc dịch chuyển từ các điểm giao dịch truyền thống sang giao dịch hoàn toàn trên kênh số, đồng thời giảm thiểu độ trễ khi thực hiện giao dịch.

openbanking.jpg
5G phát triển sẽ thúc đẩy xu hướng giao dịch hoàn toàn trên kênh số, đồng thời giảm thiểu độ trễ khi thực hiện giao dịch.

Đơn cử về hiệu quả của ứng dụng công nghệ 5G ngay tại Nam A Bank, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên dự kiến rằng công nghệ này sẽ có đóng góp cụ thể vào việc phát triển hệ sinh thái số, giúp Nam A Bank giảm thiểu chi phí vận hành đáng kể so với các kênh giao dịch truyền thống. Mạng lưới giao dịch qua kênh số không đòi hỏi nhiều chi phí mặt bằng và nhân sự. Trong khi đó các ứng dụng trên môi trường số cho phép khách hàng thực hiện giao dịch từ xa, giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất hoạt động.

“Đặc biệt, việc tập trung phát triển các dịch vụ số hóa cũng giúp Nam A Bank gia tăng doanh thu từ phí dịch vụ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng”, ông Tuyên nói và khẳng định.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (2).png

Dự báo cơ hội của kinh tế số khi 5G được phủ sóng toàn diện, bà Hoàng Thảo Anh, đại diện Appota, vốn là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ và nội dung giải trí số, cho rằng 5G sẽ làm thay đổi bộ mặt của nhiều lĩnh vực, như quản lý dữ liệu, sản xuất thông minh, tiếp thị số,....

Thao Anh.jpg
Bà Hoàng Thảo Anh cho rằng 5G sẽ mang lại trải nghiệm mua sắm, giải trí rất mới cho người dùng.

Riêng đối với những thay đổi trong lĩnh vực SEO và công việc kỹ thuật số, đại diện Appota dự đoán với các công cụ AI hỗ trợ tìm kiếm và phân tích dữ liệu, công việc của nhân viên SEO sẽ phải thay đổi, chuyển hướng tập trung vào tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Các công cụ tự động hóa sẽ đóng vai trò lớn hơn, có thể dần thay thế một số công việc thủ công.

Marketing sẽ có độ tương tác cao hơn nhờ công nghệ VR/AR, giúp người dùng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp từ xa.

“Không gian tương tác với nhãn hàng không chỉ còn là website, fanpage, các trang tin chính thức nữa mà là các không gian ảo, thực tế ảo. 4G mang tới trải nghiệm không mấy mượt mà do giật lag, trang trải nghiệm không loading kịp so với nhu cầu của người dùng thì nay 5G giải quyết được hoàn toàn bài toán trên. Qua đó, người tiêu dùng sẽ có đầy đủ thông tin hình ảnh để quyết định mua sắm, đầu tư, giảm bớt thời gian cân nhắc và ra quyết định chi tiêu nhanh hơn với nhãn hàng”, bà Thảo Anh nói trao đổi với VietTimes.

Với lĩnh vực game, 5G cũng giúp khách hàng chơi game có trải nghiệm mạnh mẽ hơn. Bà Thảo Anh dẫn ví dụ trong ngành giải trí trực tuyến, người chơi game có thể tải game dung lượng khá lớn 1,87GB cần 5 phút nếu dùng wifi tại nhà (nơi ít thiết bị kết nối) nhưng khi dùng 5G thì chỉ cần chưa đến 1 phút.

“Đây là tốc độ tải game quá tuyệt, chơi game thì không ngại lag và giật”, đại diện Appota nói.

photo-1-16370290138382132885584.jpg
Người dùng 5G sẽ có trải nghiệm trong game mượt mà hơn.

Từ góc độ giáo dục, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chỉ ra nhiều cơ hội mới cho ngành kỹ thuật điện - điện tử từ 5G. Trong đó, 5G sẽ cho phép phát triển các thiết bị mới, chẳng hạn như xe tự lái, thực tế ảo và thực tế tăng cường. Các thiết bị này sẽ đòi hỏi các kỹ sư điện - điện tử có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về các công nghệ mới.

Về tự động hóa, 5G sẽ thúc đẩy quá trình tự động hóa trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về các kỹ sư điện - điện tử có thể thiết kế và vận hành các hệ thống tự động hóa.

Nói riêng về kết nối vạn vật, 5G kết nối nhiều thiết bị hơn, tạo ra một mạng lưới các vật thể thông minh (IoT). IoT có tiềm năng cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, năng lượng và vận tải. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về các kỹ sư điện - điện tử có thể thiết kế và phát triển các giải pháp IoT.

Nhìn chung, sự phát triển 5G sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành kỹ thuật điện – điện tử. Tất nhiên, thực tế này cũng đòi hỏi các kỹ sư điện - điện tử có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về các công nghệ mới thì mới có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp.

Beige Green Vintage Watercolor Creative Portfolio Presentation (2).png

Bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam dự báo 5G sẽ chiếm trên 50% thuê bao di động tại Việt Nam vào năm 2029. Khi được triển khai thương mại tại Việt Nam, mạng 5G sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn; giáo dục từ xa, chơi game, trải nghiệm video tốt hơn, tương tác nhanh hơn… Đối với khách hàng là các doanh nghiệp, mạng 5G sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động nhanh hơn, linh hoạt hơn, giảm chi phí, nâng cao độ tin cậy trong hoạt động.

erson.jpg
Bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam.

Đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mạng 5G riêng (private 5G network) sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông.

"Nhìn chung, 5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025”, bà Rita Mokbel đánh giá.

Thống nhất với quan điểm này, ông Hà Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel cho rằng 5G không chỉ là sự ra đời của một công nghệ mới mà còn mở ra cuộc sống mới, nơi các dịch vụ mới xuất hiện, các mô hình hợp tác và kinh doanh mới sẽ được triển khai, các nhà phát triển ứng dụng và khách hàng thoả sức sáng tạo. 5G chính là chìa khóa mở ra tiềm năng vô hạn, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông truyền thống mà còn trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống và nền kinh tế.

Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, công nghệ 5G sẽ hỗ trợ việc khám chữa bệnh từ xa một cách chính xác và hiệu quả hơn. Các bác sĩ có thể thực hiện các cuộc phẫu thuật từ xa nhờ vào hình ảnh siêu nét và độ trễ gần nhưng bằng 0 của mạng 5G. Các bệnh viện sẽ sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phân tích tình trạng sức khỏe của bệnh nhân theo thời gian thực, giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời hơn.

Hay trong ngành công nghiệp và sản xuất, 5G sẽ là nền tảng cho tự động hóa và robot. Các nhà máy thông minh sẽ tăng năng suất và chất lượng lên nhiều lần khi mọi thiết bị, máy móc đều được kết nối và điều khiển từ xa. Các công nghệ như in 3D và sản xuất theo yêu cầu sẽ phát triển mạnh mẽ, giúp giảm chi phí và thời gian sản xuất, đồng thời tăng cường sự linh hoạt và sáng tạo trong quy trình sản xuất.

Nếu 4G tập trung vào dịch vụ cá nhân, hộ gia đình thì 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh. Công nghệ 5G phù hợp với việc ứng dụng cho các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh… Vì thế, việc thương mại hóa 5G có thành công hay không phụ thuộc vào việc xây dựng hệ sinh thái cho người dùng.

Trong bài 3: Chìa khóa để "ông lớn" viễn thông hóa giải các thách thức phát triển, ứng dụng 5G" trong tuyến bài "Bứt phá phát triển kinh tế số từ “Đường sắt cao tốc” 5G", VietTimes sẽ làm rõ những thách thức của các "ông lớn" viễn thông đang đối mặt khi triển khai công nghệ mới này tại Việt Nam và những giải pháp, đề xuất chính sách giúp 5G sớm đóng góp tích cực cho kinh tế số.