Chúng tôi gặp Tuyết Mai trong một ngày đầu hè oi ả ở Hà Nội. Bên ly cà phê Capuchino, Mai đẹp hơn so với những tấm ảnh trên Facebook. Mặc dù còn mệt mỏi sau hành trình 109 ngày đi tìm tự do, nhưng ánh mắt của Tuyết Mai chứa đầy tự tin và hạnh phúc.
Chuyến bay định mệnh
Rắc rối bắt đầu ập đến vào ngày 18/12/2018 khi chị Mai và bạn trai làm thủ tục check-in từ Paris đến Malta. Tại bàn kiểm tra hộ chiếu, sĩ quan cảnh sát tại sân bay nói rằng chị có dính líu đến một vụ buôn bán ma túy tại Bỉ và bị truy nã trên toàn châu Âu. Theo dữ liệu do cơ quan an ninh của Bỉ cung cấp, vụ việc xảy ra vào năm 2010, thành án vào năm 2013 và phía Bỉ đã phát lệnh truy nã vào năm 2014. Phía cảnh sát Pháp tuyên bố được quyền tạm giam chị trong vòng 48 tiếng trước khi dẫn độ về Bỉ.
“Lúc đó tôi rất sốc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình”, chị Mai nhớ lại, “ban đầu tôi nghĩ rằng chỉ bị tạm giam tại sân bay chứ không nghĩ là sẽ bị tịch thu đồ đạc hay bị cách ly tại phòng giam. Tôi thì cố giải thích bằng tiếng Anh, họ thì nói tiếng Pháp. Tôi chẳng thể hiểu gì và chỉ khóc thôi”. Chị Mai chia sẻ rằng, cho tới thời điểm được đưa về phòng giam, chị vẫn chưa hết bàng hoàng, lo lắng vì mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ và không người thân nào của chị hay biết.
Chị Mai bị giam tại sân bay trong khoảng 2-3 tiếng, chưa kịp hoàn hồn thì 3 sĩ quan cảnh sát có vũ trang tới còng tay ra sau lưng và áp giải chị ra khỏi sân bay. “Rất là xấu hổ. Họ áp giải tôi đi dọc sân bay Charles-de-Gaulle với tay còng sau lưng”, chị nói. “Phòng giam tiếp theo rộng khoảng 2-3 mét, bên trong có một chiếc giường bằng đá trải đệm mỏng và ngay cạnh là bồn cầu. Bẩn thỉu và lạnh lẽo, tôi không thể ý thức được thời gian vì ánh đèn vàng trong phòng lúc nào cũng bật”. Trong thời gian bị bắt giữ, chị Mai cho biết đã nhiều lần cung cấp lời khai cho phía cảnh sát nhưng bị đối xử theo cách mà chị “coi là tệ”.
“Mặc dù tôi liên tục khẳng định là bị oan nhưng cảnh sát Pháp đã coi tôi như tội phạm và không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì”, chị Mai bức xúc nói. “Ví dụ, họ không liên lạc với gia đình tôi với lý do đó là số điện thoại quốc tế. Đáng lẽ trách nhiệm của họ là phải giúp tôi liên hệ với gia đình nếu tôi yêu cầu”.
Theo lời cảnh sát Pháp, họ đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam, nhưng không thấy đại diện Đại sứ quán Việt Nam xuất hiện. “Lúc đó, tôi chỉ mong có đại diện Đại sứ quán ở đó để tôi nhờ họ thông báo tình trạng cho gia đình, nhưng không có ai xuất hiện”, chị Mai nhớ lại.
9h sáng hôm sau (19/12), Tuyết Mai có mặt tại phiên tố tụng diễn ra ở tòa án trung tâm Paris. Tại đây, chị Mai đã cố gắng thuyết phục một nữ luật sư để bà này giúp chị liên hệ với gia đình. Chia sẻ cảm xúc tại tòa, chị nói: “Nhục nhã lắm. Bao nhiêu người đi qua chỉ trỏ, bàn tán.Thậm chí, tôi chỉ được giao tiếp với người thân khi có cảnh sát giám sát”. May mắn thay, chị Tuyết Mai thuyết phục được thẩm phán cho tại ngoại chờ các phán quyết tiếp theo.
Chuỗi ngày đi tìm công lý
Chị Mai tâm sự, khoảng 2 tháng đầu là thời điểm khó khăn nhất. “Khi bị thu giữ hộ chiếu, bạn sẽ không thể đi thuê nhà ở đâu cả. Chưa kể bạn còn lại là đối tượng tội phạm ma túy đã bị kết án thì không ai dám cho bạn thuê”. May mắn thay, bạn trai của chị có hộ chiếu châu Âu và có thể thuê phòng. “Lúc đó tôi phải ở khách sạn, chi phí hàng ngày rất đắt đỏ, không ai có thể giúp được tôi, tôi thì không hiểu luật lắm. Tôi cứ tự mình mày mò, tìm hiểu mọi thứ từ đầu”. Qua tìm hiểu, chị phát hiện ra mình là nạn nhân của tội phạm đánh cắp danh tính, đã xảy ra rất nhiều ở Châu Âu, rất nhiều người bản xứ đã gặp trường hợp này.
Trong quá trình học tập tại Hà Lan, Tuyết Mai có thể đã không bảo quản kỹ các giấy tờ khiến nhóm tội phạm đã lấy được rồi đem đi chỉnh sửa các chi tiết, rồi đem những giấy tờ mạo danh đó đi thuê nhà để trồng cần sa.
Trong thời gian nhóm tội phạm sử dụng giấy tờ giả mang tên Tuyết Mai để hoạt động phi pháp, Mai hoàn toàn ở Việt Nam và hộ chiếu vẫn còn các dấu nhập xuất cảnh để chứng minh chị không hề ở châu Âu vào thời điểm đó.
Quyết định chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội để cảnh báo mọi người cũng như kêu gọi giúp đỡ, chị Mai không may gặp phải những tin đồn thất thiệt. “Dư luận không tin tôi vì một nhẽ, đằng này họ còn dựng chuyện khẳng định rằng tôi có tội. Tôi không hiểu những tin gọi là “nguồn tin đáng tin cậy” ở đâu ra đã truyền trong cộng đồng người Việt tại Pháp, giới báo chí cũng cũng như các bộ ban ngành”. Chị Mai cho biết thêm, những tin đồn ác ý không chỉ làm phiền mà còn gây áp lực đối với chị và gia đình tại Việt Nam, khiến bố mẹ và người thân lo lắng.
Tuyết Mai tâm sự rằng những tin đồn lan xa khiến mọi người sợ bị liên lụy nên không ai muốn giúp đỡ. Giữa khó khăn chồng chất, Mai đã may mắn gặp hai ông bà người Pháp đã từng công tác chung với mẹ chị. Họ tin tưởng và cho chị ở nhờ. Chị chia sẻ, trong khoảng thời gian mắc kẹt tại Pháp, gia đình ông bà chủ nhà, gia đình bạn trai chị và tất cả những người đã giúp đỡ đều là những người chị chưa từng gặp. “Họ không biết gì về quá khứ của tôi nhưng vẫn tin tưởng giúp đỡ vô điều kiện. Tôi thấy rất cảm động vì điều đó. Đối với tôi, đó là điều quý giá nhất trong những ngày tháng một mình nơi đất khách”.
Sau 2 phiên tòa ngày 9/1 và 6/2, phía tòa án Paris vẫn tuyên bố không có thông tin gì từ Bỉ nên không giải quyết hồ sơ của chị Mai. Động thái này khiến chị quyết định tìm luật sư tham vấn thay vì ngồi đợi. Một luật sư người Pháp khuyên chị nên giải quyết gốc rễ vấn đề tại Bỉ trước để tiết kiệm thời gian. “Luật sư người Pháp này đã giới thiệu cho tôi một giáo sư luật uy tín tại Bỉ và chính học trò của giáo sư tiếp nhận vụ việc”, chị nói. “Suốt thời gian đó tôi phải tìm hiểu kĩ thông tin về luật trên internet, đọc và dịch rất nhiều tài liệu tiếng Pháp để hiểu luật và có thể tự tin trong các phiên tòa”. Đồng thời, chị Mai cũng tìm hiểu luôn những quy trình và thủ tục phòng khi sau này có thể kiện ngược lại, các hóa đơn chi phí phải giữ lại như thế nào, các giấy tờ phải có xác nhận ra sao. “Tất cả mình phải chuẩn bị sẵn sàng để chủ động trong mọi tình huống”.
Theo tìm hiểu, chị Tuyết Mai nắm rõ quy trình tố tụng của Bỉ, từ nộp đơn đến quyết định có nhận đơn kháng cáo hay không trải qua ít nhất 3 phiên xét xử. Nếu đơn kháng cáo bị bác bỏ, mọi thứ phải làm lại từ đầu. Nhờ bằng chứng ngoại phạm rõ ràng, từ những post trên Facebook hiển thị thời gian, tag địa điểm, bạn bè đến bằng chứng công việc chị đang làm tại Việt Nam thời điểm đó. “Có những người mất tới 3 năm cho vụ án như thế này vì không thể xác định thời gian, vị trí địa lý, không có nhân chứng”, chị nói, “Tôi quá may mắn vì chỉ mất đúng 3 phiên để tòa án Bỉ chấp nhận đơn kháng cáo”, chị nói, “Tôi nghĩ phía Bỉ xét xử công tâm, thông thường mỗi phiên tòa cách nhau 4 tuần, nhưng khi họ biết vấn đề của tôi họ đã đẩy nhanh tiến độ”.
Bài đăng được chị Mai chia sẻ trên trang Facebook cá nhân trong ngày về nước. Ảnh chụp màn hình |
Tuy nhiên theo chị Mai, ngày 7/3, bên Bỉ đồng ý đơn kháng cáo, nghĩa là dỡ lệnh truy nã, sau đó gửi lệnh sang Pháp nhưng Pháp không chấp nhận. Phía Pháp chỉ chấp nhận lệnh Bỉ gửi lên kênh chính thống, tức tòa án châu Âu, sau đó tòa án châu Âu chuyển về Pháp, tức là phải đợi 3 tuần sau khi gửi. “Về mặt kĩ thuật, lẽ ra ngày 7/3 tôi đã được tuyên vô tội nhưng Pháp từ chối quyết định gửi thẳng của Bỉ. Trong phiên tòa cuối vào ngày 22/3, phía Pháp công bố đã nhận được lệnh nhưng yêu cầu thêm 3 tuần nữa để dịch sang tiếng Pháp. Lúc đó, luật sư đã lên tiếng và yêu cầu tòa trả tự do vì lệnh truy nã đã được dỡ bỏ”, chị kể lại.
Theo chị Mai, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Bộ ngoại giao xác nhận "có mặt ở cả phiên ở Bỉ và Pháp". Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại thông tin cho các đơn vị truyền thông rằng "bản án hết thời hiệu" vào ngày 5/4, 2 tuần sau khi tòa án Pháp đưa ra phán quyết là chị Mai vô tội.
Chị Mai nói: "Tôi được tuyên vô tội ngày 22/3, tuyên được thả ngày 27/3. Vậy mà ngày 5/4, tôi về nước thì lại đọc được thông tin là 'bản án hết thời hiệu'".
Được biết, Đại sứ quán đã đính chính thông tin rằng chị Mai vô tội vào ngày 6/4. Tuy nhiên, chị Mai cho rằng nếu các cơ quan chức năng "theo dõi và hiểu về luật thì nên đưa ra thông tin chính xác ngay từ đầu".
Những bài học để đời
Sau vụ việc không may xảy đến với mình, chị Mai đã rút ra được những bài học vô giá về những kỹ năng giải quyết rủi ro tại nước ngoài. “Trước kia, tôi cũng như nhiều người khác nghĩ rằng, bị ăn cắp giấy tờ bản gốc mới có thể mạo danh, tuy nhiên sau này tôi mới nhận ra các bản photocopy thông tin cá nhân hoàn toàn có thể bị kẻ xấu đánh cắp và sửa đổi. Bài học đầu tiên tôi rút ra là phải bảo quản giấy tờ thật kỹ, kể cả bản sao”, chị Mai nói.
Trong trường hợp sự cố xảy ra, chị Mai khuyên mọi người luôn luôn phải giữ niềm tin, phải bình tĩnh và phải hiểu rõ quyền của mình. “Kể cả trong trường hợp bị sỉ nhục như tôi thì phải có niềm tin vào chính bản thân mình, tin rằng mọi chuyện sẽ ổn và tập trung để giải quyết việc chính trước. Những câu chuyện thêu dệt, lời nói ác ý chỉ tấn công về mặt tinh thần chứ không ảnh hưởng đến phán quyết của tòa án”, chị khẳng định.
Chị Mai cũng đưa ra một số lưu ý khi thuê luật sư khi gặp vấn đề ở nước ngoài. Theo chị, vấn đề cốt lõi là phải tìm luật sư thông thạo ngôn ngữ để trực tiếp giao tiếp và trao đổi. “Chính tôi cũng không thể làm việc được với một số luật sư bên Pháp bởi vì bất đồng ngôn ngữ, khiến mất thời gian và không hiệu quả. Rất may, luật sư bên Bỉ của tôi có thể thông thạo tiếng Pháp, Hà Lan, Anh, Đức giúp tiết kiệm thời gian cũng như hiệu quả hơn rất nhiều”. Chị Mai khẳng định thêm, vai trò của luật sư trong những trường hợp sự cố vô cùng quan trọng, vì vậy khi lựa chọn luật sư phải tham khảo và tìm hiểu kỹ càng.
Bên cạnh đó, chị Mai cũng khuyến cáo khi du lịch nước ngoài cần chuẩn bị một khoản “kha khá” để đề phòng có việc bất trắc, rủi ro, ví dụ như bệnh tật hay bị cướp. “Mọi người cũng nên mang theo số liên lạc của một người thân hoặc bạn bè ở nước bản địa để có thể giúp bạn liên lạc với người thân ở nhà khi cảnh sát cần liên hệ”. Trong gần 4 tháng bị tạm giữ ở Pháp, chị Mai đã chi tiêu hết 400 triệu đồng tiền thuê nhà, ăn uống.
Ngoài ra, chị Mai nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ lại tất cả các giấy tờ cũ. Ngoài ra, Facebook cũng là một cách để lưu lại bằng chứng ngoại phạm vì địa điểm và thời gian trên Facebook không làm giả được. Theo chị, việc đăng facebook và check-in thường xuyên cũng là một điều tốt. “May mắn cho tôi là thời gian đó tôi khá chăm chỉ đăng status trên facebook nên có thể dùng làm bằng chứng ngoại phạm cho mình”.
Điều quan trọng nhất đối với chị Mai khi đối mặt với rắc rối này là thái độ của chính bản thân. “Trong lúc khó khăn nhất, tôi phải tin vào bản thân mình, bỏ qua dư luận để tập trung vào việc chính cần giải quyết. Tôi cũng ý thức được mình cần đủ khỏe khoắn, đủ mạnh mẽ để vượt qua và chúng minh mình vô tội. Nếu ốm, tiền mất, người thân lo, thân cô thế cô không ai chăm sóc. Càng bị tấn công ở Việt Nam, tôi càng quyết tâm mình phải khỏe mạnh để chứng minh mình vô tội và sẽ trở về”.