Phải hủy kết quả bài thi ngay khi phát hiện gian lận thi cử

VietTimes  - Sau khi nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về việc xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019 vào chiều 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội cho biết sẽ có kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

Theo đó, Ủy ban VHGDTTN&NĐ đề nghị Bộ GD&ĐT phải sửa quy chế thi THPT quốc gia năm 2019, để có căn cứ pháp lý xử lý sớm những trường hợp gian lận. Quan điểm của Ủy ban là phải hủy kết quả bài thi khi phát hiện có sự can thiệp để nâng điểm. Điều này phải được đưa vào quy chế ngay từ kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận điểm thi.

Trước đây, khi trả lời báo giới, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT – cho biết, quy chế chỉ quy định chung, còn các tình huống diễn ra trong thực tiễn thì đa dạng, nên khi phát sinh từ thực tế, Bộ GD&ĐT mới có thể rà soát, điều chỉnh. Thế nhưng, quy chế thi THPT năm 2019 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành vẫn chưa quy định rõ việc xử lý kết quả thi của thí sinh khi phát hiện có gian lận ở khâu chấm thi.

Điều này là rất ngạc nhiên khi hơn ai hết, Bộ GD&ĐT “thấm” rất rõ rằng, chính sự không đầy đủ của quy chế thi năm trước đã khiến Bộ này lúng túng trong xử lý hậu quả vụ gian lận thi cử “đình đám” năm 2018, với việc để mặc các trường “tùy nghỉ” xử lý các thí sinh trong danh sách gian lận thi cử, thay vì có chế tài thống nhất. Việc này không chỉ tạo nên hậu quả cho chính các thí sinh khi các em vẫn được nhập học, rồi lại bị trả về, mà còn gây bức xúc dư luận khi cùng trong danh sách gian lận điểm thi, cùng trên địa bàn, mà nhiều thí sinh vẫn được tiếp tục theo học, còn số đông hơn các em khác lại bị đuổi về.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc  hội chủ trì cuộc họp với Bộ GD&ĐT (ảnh: Quochoi.vn)

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc  hội cũng băn khoăn về trường hợp 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm tuyển của các trường đại học, nên vẫn được tiếp tục theo học. Ông cho rằng, với các căn cứ pháp lý hiện nay, nếu hủy kết quả thi sẽ khó và phải chờ công an điều tra tiếp Khi xác định được thí sinh có tham gia quá trình gian lận thì mới xử lý theo pháp luật. Do vậy, nếu Bộ GD&ĐT đưa ngay vào Quy chế thi thì sẽ dễ xử lý, nếu xảy ra vụ việc tương tự.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc  hội bày tỏ quan điểm đề cao tính hiệu quả của văn bản pháp lý. Khi thực tế đòi hỏi phải quy định rõ ràng hơn trong xử lý kết quả thi có gian lận, thì Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh ngay, thay vì lần lữa việc xem xét.

Đồng quan điểm của ông Bình, ông Phan Viết Lượng - Thường trực Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc  hội - cũng cho rằng Bộ GD&ĐT phải sửa đổi quy chế ngay theo hướng, khi xác định có việc sửa điểm gian lận, thì phải xử lý.

Theo GS.TS. Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 –trong vụ tiêu cực thi cử nghiêm trọng này, sau khi chấm thẩm định lại, bài thi bị giảm điểm so với ban đầu, tức là bài thi có gian lận, là đã vi phạm rồi. Mà khi đã phát hiện gian lận thì phải hủy toàn bộ kết quả thi. Hiện nay, chưa xử lý thí sinh vì chưa xác định thí sinh liên quan thế nào đến gian lận, nhưng cần xử lý bài thi. Còn khi phát hiện thí sinh liên quan trực tiếp đến gian lận, thì ngoài hủy kết quả thi, thí sinh còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, về việc thí sinh có gian lận thi cử năm trước có được tiếp tục dự thi năm nay hay không, Bộ GD&ĐT cho biết thí sinh liên quan đến gian lận thi cử năm 2018 sẽ vẫn được tiếp tục tham gia kỳ thi, xét tuyển năm 2019. Điều này cũng đang gây tranh cãi vì trước đây, quy chế tuyển sinh quy định người có hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi tuyển sinh đại học, tùy mức độ vị phạm có thể bị tước quyền dự thi tuyển sinh và khi đó sẽ không được dự thi khi chưa đủ hai năm tính từ năm bị tước quyền dự thi.

Nhiều ý kiến băn khoăn rằng với việc “nương tay” với gian lận thi cử như thế, liệu có đủ sức răn đe để ngăn ngừa vi phạm trong thi cử?