|
PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Trưởng khoa Y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh NVCC |
* Thưa bác sĩ, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố có dịch phát sinh nóng đều tiến hành xét nghiệm diện rộng toàn dân. Xin ông phân tích kỹ hơn về kiến nghị mới đây về việc tâm dịch TP.HCM nên dừng triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng toàn dân?
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Tôi xin tập trung vào 3 ý chính. Trên thế giới đã có nhiều bài báo khoa học đưa ý kiến về việc chủ động tìm ca bệnh bằng cách loại bỏ F0 khỏi cộng đồng có giá trị phần nào nhưng không phải là biện pháp có hiệu quả cao. Bài tổng quan đã được các nhà khoa học trên thế giới đồng thuận cao và đã được đưa ra sau khi nghiên cứu 6.068 can thiệp phi y học tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hướng dẫn của các tổ chức quốc tế phiên bản tháng 3/2020 có nêu biện pháp chủ động tìm ca bệnh nhưng phiên bản mới nhất của hướng dẫn đã loại bỏ biện pháp này.
Trên thực tế, nguồn lực của Việt Nam không được như các quốc gia khác. Và nhân lực của chúng ta cũng mỏng, bị phân tán do quá trình nỗ lực chống dịch kéo dài. Chi phí xét nghiệm cao, nhân viên thực hiện xét nghiệm vì quá tải và mệt mỏi nên có thể có sai sót; có thể dẫn tới lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Cán bộ xét nghiệm khi phải làm nhiều như hiện tại có thể có tình trạng chạy theo chỉ tiêu, làm xét nghiệm miễn là đủ thôi; họ quên quan tâm, tư vấn, trấn an, chăm sóc, an sinh, cấp cứu, thuốc thiết yếu, hướng dẫn giám sát, theo dõi.
Xét nghiệm, cho dù có thực hiện tốt đi chăng nữa, vẫn có tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả. Việc dương tính giả, ở nhiều quốc gia khác thì vẫn diễn ra nhưng họ xử lý nhẹ nhàng hơn chúng ta. Vì các lý do trên, tôi đề nghị nên tạm dừng xét nghiệm diện rộng ở TP.HCM, chỉ nên tập trung xét nghiệm những người có triệu chứng và những người tiếp xúc gần nhất với những ca triệu chứng. Cá biệt một số khu vực nào có mức độ lây nhiễm rất cao thì có thể xét nghiệm toàn bộ trên quy mô nhỏ, để tập trung lực làm thật tinh, làm đúng, hạn chế tối thiểu các sai sót.
*Thưa bác sĩ, có tình trạng đã xảy ra sai sót trong quá trình xét nghiệm diện rộng thời gian qua?
|
Các đợt lấy mẫu xét nghiệm toàn dân tâm dịch TP.HCM được tiến hành liên tục. Ảnh: HCDC |
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Với các địa phương khác thì tôi không có điều kiên quan sát nhưng theo tôi, tại TP.HCM thời gian qua vì xét nghiệm dồn dập quá, khi đã rối lên, đã bị quá sức, thì dễ xảy ra sai sót; sai quy trình. Ngay như ở nước ngoài, điều kiện xét nghiệm tốt hơn chúng ta nhưng vẫn sai về độ đặc hiệu, kết quả là có khoảng 10% số ca là dương tính giả; cũng có thể dẫn tới lây nhiễm chéo tại điểm lấy mẫu xét nghiệm.
*Thưa bác sĩ, từ giai đoạn bùng phát lần thứ tư, ngày 27/4/2021 đến nay, TP.HCM đã tiến hành rất nhiều đợt xét nghiệm diện rộng cho toàn dân, đã phân biệt được các vùng xanh, vùng cam, vùng đỏ trên bản đồ COVID-19 của thành phố. Giai đoạn hiện tại, toàn bộ các F0 nếu không chuyển nặng đều được điều trị tại nhà. Như vậy, đến giai đoạn hiện tại, có thể hiểu đơn giản rằng không có biện pháp bóc F0 ra khỏi cộng đồng nữa mà nên quay lại xét nghiệm các ca triệu chứng là phù hợp?
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Ngày hôm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có hỏi tôi rằng: “Về nguyên lý, việc xét nghiệm diện rộng có sai không?” Tôi trả lời Thủ tướng: “Về nguyên tắc thì xét nghiệm không sai, chỉ có sai ở chỗ không làm được đúng như lý tưởng thôi”. Nếu Việt Nam có rất nhiều tiền, có nhân lực và làm xét nghiệm diện rộng để tinh loại thì phương pháp này là hoàn toàn đúng, hoàn toàn không hại gì thêm. Nhưng như trên đã phân tích, chúng ta đang thiếu tất cả các yếu tố lý tưởng.
Ngày hôm qua, tôi cũng đã gửi đề xuất tối thiểu hoá vùng xét nghiệm, quy mô nhỏ nhất có thể các xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM tới ban soạn thảo Bộ Y tế. Tôi không đề xuất là loại bỏ biện pháp xét nghiệm mà là dừng xét nghiệm diện rộng và thường xuyên, liên tục.
*Với tốc độ phát sinh thêm mỗi ngày hơn 5.000 F0 như hiện tại, rất khó mong đến ngày TP.HCM không còn ca nhiễm mới, đúng không thưa bác sĩ? Trong khi đó, chắc chắn sẽ phải nghĩ đến việc mở cửa từng phần để phục hồi lại nền kinh tế trong bình thường mới. Vậy ở giai đoạn hiện tại, vùng dịch TP.HCM nên kết hợp các biện pháp nào để chống dịch và chuẩn bị cho mở cửa trở lại được an toàn nhất?
|
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM) đề xuất dừng xét nghiệm diện rộng toàn dân. Ảnh: Hoà Bình ghép |
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng: - Đầu tiên, phải nói ngay rằng các biện pháp chống dịch cơ bản, như 5K, thì vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt. Bình thường mới có thể bớt vui hơn, không được giao tiếp quá nhiều, nhưng sẽ không ảnh hưởng nặng nề và dẫn tới đứt gãy trong cuộc sống.
Thứ hai là giám sát dịch tễ để biết các ca mới. Ví dụ như xét nghiệm định kỳ công nhân ở các khu công nghiệp, đầu tiên là 1 tuần 1 lần, sau đó có thể 1 tháng 1 lần để kịp thời phát hiện F0 và có phương án ứng phó nếu có lây nhiễm diện rộng.
Thứ ba là phải xây dựng hệ thống đáp ứng, làm sao cho nếu có F0 mới thì đều được chăm sóc dù là cách ly tại nhà hay tập trung, với bệnh nhân nhập viện thì được điều trị ổn, không bị lây nhiễm chéo, có đủ giường có ô xy để cấp cứu ban đầu; đủ giường để điều trị tích cực, hồi sức (ICU).
Đây là những biện pháp quan trọng trên cái nền của cả thế giới cùng đang theo, đó là tăng dần tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ và bảo vệ những người có nguy cơ cao.
Kinh tế là yếu tố đầu tiên, phải làm sao cho người công nhân có việc làm, người lao động buôn bán nhỏ có thể hoạt động được, rồi từ từ mới đến các hoạt động kinh doanh có quy mô lớn; các hoạt động vui chơi, giải trí sẽ còn xếp sau nữa.
Để mở cửa trở lại, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, giám sát để đảm bảo người dân thực hiện đúng; nếu có lây nhiễm cao phát sinh mới thì phải xác định được nguyên nhân đó từ đâu và có biện pháp can thiệp, ứng phó kịp thời.
Đúng là rất khó có ngày TP.HCM sẽ không có thêm ca nhiễm mới. Các nước khác trên thế giới cũng đều đang ở trong cảnh này. Phải chấp nhận việc có thêm ca nhiễm mới, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, chúng ta sẽ tiến tới giảm được số ca bệnh tử vong vì COVID-19.