Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM ngày 29/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, tính đến ngày 29/8/2021, TP.HCM có 205.466 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 205.023 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 443 trường hợp nhập cảnh.
TP.HCM hiện đang điều trị 40.259 bệnh nhân, trong đó: có 2.415 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.736 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 28/8 có 2.246 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 104.844), 256 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 8.624).
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 28/8/2021: 5.865.276 (tăng 58.286 mũi vaccine so với ngày 27/8/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 5.577.285, mũi 2 là 287.991, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 632.073.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại quận Tân Bình |
Khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm vaccine COVID-19 |
Tính đến hết ngày 27/8, hầu hết các địa phương ở TP.HCM đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Riêng đối với vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, công tác xét nghiệm vẫn chưa đạt tiến độ với kết quả lần lượt là 35%, 19% và 37%. Nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đã đề ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung triển khai test COVID-19.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn chủ động tăng cường nguồn nhân lực tại chỗ tham gia lấy mẫu và khuyến khích người dân tự lấy mẫu (đối với test nhanh), đảm bảo tiến độ như sau.
Các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng: đến hết ngày 30/8 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 (thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, trong đó mẫu gộp 10 đối với vùng xanh, vùng cận xanh và mẫu gộp 5 đối với vùng vàng), do các đội lấy mẫu được tập huấn thực hiện. Sau khi kết thúc đợt 1, thực hiện tiếp đợt thứ hai, hoàn thành trước ngày 6/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ.
Các vùng đỏ, vùng cam đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2, kết hợp việc triển khai, hướng dẫn rộng rãi để tăng tỷ lệ người dân tham gia tự lấy mẫu (test nhanh mẫu đơn).Các địa phương rà soát lại nguồn lực nhân lực lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức huy động lực lượng tại chỗ, kể cả đối với người đã khỏi bệnh tham gia thực hiện. Nếu cần bổ sung nhân sự lấy mẫu, khẩn trương đề xuất cụ thể gửi về Tổ điều phối nguồn nhân lực Thành phố (Sở Nội vụ) để hỗ trợ.
Đề nghị mỗi phường, xã, thị trấn, quận, huyện, thành phố Thủ Đức phải phân công nhân sự chịu trách nhiệm làm công tác thống kê, báo cáo (không giao cán bộ, nhân viên y tế thực hiện báo cáo số liệu để tập trung công tác chuyên môn), đảm bảo báo cáo đầy đủ nội dung và thời gian theo yêu cầu của TP; tiến hành đánh giá lại vùng nguy cơ sau khi kết thúc các đợt xét nghiệm vào ngày 6/9.
Thực hiẹn lấy mẫu xét nghiệm tại TP.Thủ Đức |
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19” qua Cổng thông tin 1022, với sự hỗ trợ và đồng hành về kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trong thời gian qua, Tổng đài 1022 đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ người dân đề nghị được hỗ trợ. Để nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin từ người dân, từ ngày 1/8 năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp VNPT đưa vào hoạt động hệ thông tương tác tự động (Callbot) để tiếp nhận thông tin của người dân cung cấp khi tất cả các tổng đài viên đang bận. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông và VNPT đã khẩn trương đưa vào hoạt động phần mềm tiếp nhận và quản lý thông tin dành riêng cho Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Từ 12 giờ ngày 28/8, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã nhận được sự hỗ trợ tăng cường lực lượng tổng đài viên từ Mobifone và Viettel giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài để kịp thời hỗ trợ thông tin người dân cần hỗ trợ khi gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tất cả cuộc gọi đến tổng đài 1022 đều được các doanh nghiệp viễn thông miễn cước cuộc gọi.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BS Nguyễn Hữu Hưng. Ảnh: TTBC |
Bên cạnh cách thức gọi điện đến 1022 – nhấn phím 2, để được hỗ trợ, người dân sử dụng các loại điện thoại thông minh, có kết nối Internet có thể gửi đề nghị hỗ trợ qua ba phương thức khác, bao gồm:
1. Truy cập vào website: tongdai1022.tphcm.gov.vn – chọn mục “Gửi phản ánh”
2. Gửi tin nhắn đến Trang Zalo “1022 TPHCM”
3. Gửi phản ánh qua ứng dụng “Tổng đài 1022” trên điện thoại thông minh
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khuyến khích người dân gửi phản ánh, đề nghị hỗ trợ thông qua các hình thức nêu trên, để các tổng đài viên 1022 có thể tiếp nhận cuộc gọi từ người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người lớn tuổi hoặc không có điều kiện tiếp cận với công nghệ. Mục tiêu lớn nhất Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn đạt được là số lượng người dân được hỗ trợ, tiếp nhận thông tin được nhiều nhất và kịp thời.