PGS.TS. Nguyễn Phương Nga: “Hãy chọn ngành tốt chứ không phải chọn trường tốt”

VietTimes – Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia 2019. Sau khi nhận được điểm thi, các thí sinh sẽ có một khoảng thời gian để lựa chọn, cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng phù hợp. Nhằm cung cấp thêm thông tin cho các thí sinh và bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Minh Thúy
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Minh Thúy

+ Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố điểm thi THPT quốc gia 2019. Với phổ điểm thi năm nay, bà đánh giá thế nào, thưa bà?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga:  Với phổ điểm thi THPT quốc gia đã được Bộ GD&ĐT công bố, biểu đồ phổ điểm lệch sang bên phải là hợp lý, vì nếu lệch sang bên trái thì có nghĩa là đề thi quá khó so với chuẩn đầu ra của học sinh. Tôi cho rằng phổ điểm thi đã phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh so với chuẩn kiến thức kỹ năng của các em.

+ Thưa bà, vì sao điểm thi có sự phân hóa khi nhiều môn có thí sinh đạt điểm cao, nhưng lại có không ít thí sinh đạt điểm thấp?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga: Theo kết quả điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố, có nhiều thí sinh đạt điểm tối đa (điểm 10) ở các môn (trừ môn Ngữ văn chỉ có 17 thí sinh đạt điểm cao nhất là 9,5 điểm). Tôi cho rằng hầu hết điểm thi thấp đều tập trung ở các vùng miền xa xôi, hẻo lánh do điều kiện học của học sinh còn hạn chế.

Có thể thấy, chương trình học thì cả nước đều giống nhau, nhưng trình độ giảng dạy, điều kiện học tập của học sinh ở mỗi địa phương lại khác nhau. Vì thế, điểm thi ở một số môn thấp do sự chênh lệch ở các vùng miền và tình hình chung, điểm thi của cả nước cũng không cao.

PGS.TS. Nguyễn Phương Nga – Giám đốc TT KĐCLGD (ảnh:cea-avuc.edu.vn)
PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (ảnh:cea-avuc.edu.vn)

+ Theo phổ điểm thi đã được Bộ GD&ĐT công bố, bà có thể lý giải vì sao có nhiều thí sinh lại đạt điểm thấp ở môn tiếng Anh, Lịch sử?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga: Theo tôi, điểm thi môn Lịch sử và tiếng Anh có nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình không có gì lạ, vì trong những năm gần đây, điểm thi của 2 môn này đều thấp.

Đối với môn Lịch sử, cách học chủ yếu của học sinh là học thuộc lòng, khiến các em thiếu hào hứng trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Do đó, phương pháp giảng dạy cần phải xem xét lại.

Hiện nay, môn Lịch sử vẫn chủ yếu giảng chay theo phương pháp truyền thống, thiếu các giáo cụ trực quan, các công cụ và công nghệ hiện đại,… Ngoài ra, ở các vùng miền khi điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thì để truyền tải tốt kiến thức đến học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đa phần các em thi môn Lịch sử với mục đích chính là để xét tốt nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga
PGS. TS. Nguyễn Phương Nga

Đối với môn tiếng Anh, nhiều thí sinh đạt điểm thấp chủ yếu tập trung ở các vùng miền và hầu như điểm cao đều tập trung ở thành phố - những nơi có điều kiện giảng dạy, trình độ của giáo viên có chất lượng.

+ Với phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay, theo bà các trường ĐH sẽ xét tuyển như thế nào?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga: Các trường ĐH sẽ rất thuận lợi khi lấy điểm thi THPT quốc gia 2019 để làm căn cứ xét tuyển. Bởi khi nhìn vào biểu đồ phổ điểm thi của các thí sinh ở bên phải có độ dốc rất sâu, chứng tỏ điểm thi có sự phân hóa, các trường top trên sẽ dựa vào đó để lựa chọn học sinh khá, giỏi. Điểm thi trung bình của thí sinh cả nước là trên 5,0, do đó điểm đầu vào của các trường ĐH sẽ khá cao, tối thiểu 15 điểm.

+ Thưa bà! Vì sao môn Giáo dục công dân (GDCD) có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2019?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga: Môn GDCD có nhiều thí sinh đạt điểm cao là do kiến thức của môn học này không quá khó, đều xuất phát từ cuộc sống hằng ngày của các em. Đáng chú ý, môn GDCD không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng luật hay các quy định, các câu hỏi thi không đòi hỏi lập luận tư duy quá lớn, học sinh chỉ cần nắm được vấn đề là hoàn toàn có thể trả lời được.

+ Bà có thể cho thí sinh lời khuyên trong quá trình lựa chọn và thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ?

PGS. TS. Nguyễn Phương Nga: Thí sinh chỉ có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển một lần duy nhất, nên cần suy nghĩ kỹ, vì bắt đầu từ ngày 22/7 các em sẽ điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến qua Cổng thông tin thí sinh.

 Qua kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng các em nên tham khảo ý kiến của người lớn, người thân trong gia đình, tự tìm hiểu ngành mà mình chọn, đầu ra của ngành đó,… Từ đó, lựa chọn ngành phù hợp với sức khỏe, đam mê của bản thân và tương lai làm việc sau khi ra trường.

Các em nên chọn ngành tốt chứ không phải chọn trường tốt, vì có nhiều trường tốt nhưng chưa chắc ngành đào tạo đã tốt. Ngoài ra, các em cũng cần nắm được ngưỡng điểm của trường mà mình quan tâm, tham khảo điểm chuẩn của trường đó trong 2-3 năm liên tiếp, đồng thời, lựa chọn một số trường có điểm chuẩn thấp hơn để đảm bảo khả năng trúng tuyển cho bản thân trong trường hợp điểm chuẩn các trường có nhiều biến động.

+ Cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

Minh Thúy (thực hiện)