
Ngày 28/2 từng là một trong những ngày u ám nhất đối với Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự 3 năm trước đó. Tổng thống Volodymyr Zelensky khi ấy tới Phòng Bầu dục với kỳ vọng giành được sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng cuộc gặp nhanh chóng biến thành một cuộc tranh cãi gay gắt trên truyền hình, và ông Trump đã trục xuất ông Zelensky khỏi Nhà Trắng, thậm chí không mời ông dùng bữa trưa như dự kiến.
Vốn đã hoài nghi sâu sắc về việc Mỹ hỗ trợ Ukraine, ông Trump sau sự cố này càng đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông thậm chí đã soạn thảo một kế hoạch hòa bình với những nhượng bộ lớn dành cho Moscow, khiến các đồng minh của Kiev rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Tuy nhiên, bầu không khí tại Kiev đang dần đổi khác. Chỉ một ngày sau khi chính quyền Trump công bố thỏa thuận kinh tế với Ukraine – cho phép Mỹ chia phần lợi nhuận trong khai thác khoáng sản chiến lược của nước này – các chuyên gia nhận định triển vọng cho Ukraine đã sáng sủa hơn nhiều so với những tháng gần đây.
“Đây là những dấu hiệu rất tích cực, cho thấy có sự chuyển hướng trong cách tiếp cận”, bà Alina Polyakova, Chủ tịch Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), nhận định. Bà đánh giá thỏa thuận khoáng sản là “kết quả đôi bên cùng có lợi”, và cho rằng Kiev đã đàm phán rất khôn khéo.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Zelensky tại Vatican cuối tuần qua cũng phần nào thể hiện dấu hiệu hàn gắn. Trong khi ông Trump ngày càng thất vọng với các yêu sách cứng rắn từ phía ông Putin, cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Ukraine diễn ra trong không khí ôn hòa, thậm chí thân thiện.
Dẫu vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra thận trọng. Cách tiếp cận “khó lường” của ông Trump khiến không ai dám chắc về đường hướng chính sách lâu dài của ông. Từ việc đổ lỗi cho ông Zelensky rồi chuyển sang chỉ trích ông Putin, ông Trump liên tục xoay chiều khiến ngay cả đội ngũ cố vấn cũng chia rẽ.
Đặc phái viên Steve Witkoff – người đã bốn lần gặp ông Putin – thường phát biểu theo hướng đồng tình với quan điểm từ Kremlin. Trong khi đó, Ngoại trưởng Marco Rubio – cựu Thượng nghị sĩ nổi tiếng chống Nga – lại thể hiện thái độ hoài nghi rõ rệt.
Sự hỗn loạn này càng làm nổi bật tuyên bố đầy tham vọng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm ngoái rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến chỉ trong 24 giờ. Đến nay, sau 100 ngày cầm quyền nhiệm kỳ hai, ông Trump vẫn chưa đạt được một lệnh ngừng bắn tạm thời – điều khiến ông không khỏi bực tức.
“Ông Trump vốn thích thấy kết quả nhanh chóng, và quá trình này đã khiến ông rất thất vọng”, bà Polyakova nhận xét.
Hiện tại, sự thất vọng đó dường như đã chuyển từ ông Zelensky sang ông Putin. Mặc dù ban đầu hoan nghênh nỗ lực ngoại giao của ông Trump, nhà lãnh đạo Nga lại không vội vàng kết thúc chiến sự. Nhiều chuyên gia cho rằng ông Putin tin mình đang nắm thế thượng phong và muốn có thêm nhượng bộ từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, ông Putin có thể đang thử thách giới hạn của ông Trump. Gần đây, ông Trump bắt đầu chỉ trích công khai các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào dân thường Ukraine. Trên mạng xã hội, ông viết: “Vladimir, DỪNG LẠI! Hãy hoàn tất thỏa thuận hòa bình!”.

Ông Trump hiện đối mặt với những quyết định then chốt ảnh hưởng tới số phận của Ukraine. Dù muốn đạt hòa bình nhanh chóng, ông vẫn giữ sự ngờ vực với ông Zelensky và có thiện cảm cá nhân với ông Putin – mâu thuẫn này khiến ông rơi vào tình thế khó xử.
Yêu sách của ông Putin bao gồm việc Ukraine phải công nhận quyền kiểm soát của Nga với năm vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng và chấm dứt mọi hỗ trợ quân sự từ phương Tây – điều mà ông Zelensky không thể chấp nhận. Ông Trump dù từng đồng ý công nhận Crimea thuộc Nga, giờ đây cũng tỏ ra không hài lòng với các yêu sách ngày càng cao của ông Putin.
Sau một loạt cuộc tấn công đẫm máu của Nga vào các khu dân cư, ông Trump viết trên mạng xã hội rằng: “Có lẽ ông Putin không muốn chấm dứt chiến tranh, mà chỉ đang câu giờ với tôi – ông ta cần được xử lý theo cách khác”.
Ông Trump thậm chí dọa sẽ tăng sức ép kinh tế lên Nga bằng các lệnh trừng phạt “cấp hai” nhằm vào những quốc gia vẫn giao thương với Moscow, trong đó có thể bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước đã gia tăng mua dầu từ Nga thời gian qua.
“Ông Trump đang rất khó chịu và mất kiên nhẫn với ông Putin”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine William B. Taylor Jr. nhận định. Theo ông, ông Trump hiện không còn bị “choáng ngợp” bởi ông Putin như trong nhiệm kỳ đầu.
“Ông Trump đang ở vị thế mạnh hơn so với lần trước. Ông Putin đã suy yếu – nền kinh tế Nga đang lao đao, còn ông ta lại ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Taylor nói thêm.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của ông Trump, cho biết sắp đạt đủ đa số phiếu để thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga và đánh thuế cao với người tiêu dùng sử dụng năng lượng từ Moscow.
Trong khi ông Putin mất dần ảnh hưởng, ông Zelensky có vẻ đang xoay chuyển được cục diện. Theo một chuyên gia về Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đóng vai trò như “cố vấn hôn nhân” giữa ông Trump và ông Zelensky.
Tại tang lễ Giáo hoàng Francis cuối tuần trước, hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng kéo dài 15 phút bên lề sự kiện. Họ ngồi đối diện nhau tại một gian phòng lát đá cẩm thạch, trò chuyện nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Dù nội dung không được công bố, cả hai bên đều mô tả buổi gặp là “tích cực”. Ngay sau đó, ông Trump công khai lên án cuộc tấn công mới nhất của Nga – một tín hiệu khiến người Ukraine phần nào phấn chấn.
Ngoài ra, ông Zelensky cũng thành công trong việc đàm phán lại thỏa thuận khoáng sản – vốn từng bị chỉ trích là “ép buộc”. Giới phân tích cho rằng việc đưa yếu tố lợi ích tài chính vào bàn cờ có thể khiến ông Trump quan tâm hơn tới sự tồn tại của Ukraine.
“Ukraine đã chứng minh họ là đối tác xứng đáng trong cuộc chơi của đội ngũ Trump”, bà Nataliia Shapoval, Viện trưởng Viện KSE tại Kiev, nhận định.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thận trọng. Trong quá khứ, ông Trump từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ ông Putin, phủ nhận các cáo buộc về tham nhũng, ám sát và tội ác chiến tranh liên quan đến Nga. Nếu ông Trump lại chùn bước trước ông Putin, ông sẽ phải đối mặt với một quyết định hệ trọng.
Phó Tổng thống J.D. Vance gần đây cảnh báo rằng Mỹ có thể “rút lui” nếu các cuộc đàm phán hòa bình không có tiến triển. Giữa tháng 4, ông Trump cũng tuyên bố: “Chúng tôi có thể sẽ buông tay”.
Điều đó có thể đồng nghĩa với việc Mỹ dừng hoàn toàn viện trợ cho Ukraine – trao cho ông Putin cơ hội đẩy mạnh chiến dịch quân sự. Nhưng nếu làm vậy, ông Trump sẽ phải đối mặt với nguy cơ “đánh mất Ukraine” – một kịch bản hỗn loạn và đẫm máu có thể còn tồi tệ hơn cuộc rút quân khỏi Afghanistan năm 2021 mà ông luôn xem là “nỗi nhục quốc gia”.

Chính quyền Trump sẵn sàng dành thêm 100 ngày để thúc đẩy hòa bình Nga-Ukraine

EU tuyên bố không bao giờ công nhận Crimea thuộc Nga

Những khoáng sản quan trọng của Ukraine và những điều cần biết về thỏa thuận với Mỹ
Theo New York Times