EU tuyên bố không bao giờ công nhận Crimea thuộc Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bao giờ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, ngay cả khi Mỹ thay đổi lập trường về vấn đề này, nhà ngoại giao hàng đầu của khối, bà Kaja Kallas, tuyên bố hôm 1/5.

Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas. Ảnh: Getty.
Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas. Ảnh: Getty.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU khẳng định dứt khoát: “Crimea là của Ukraine”, và nhấn mạnh “không có quốc gia thành viên EU nào chấp nhận việc công nhận Crimea là của Nga”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các quan chức tại Brussels bày tỏ lo ngại rằng một thỏa thuận hòa bình tiềm tàng giữa Mỹ và Nga nhằm kết thúc xung đột Ukraine có thể bao gồm việc Washington công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga – điều mà EU kịch liệt phản đối.

Crimea từng tổ chức trưng cầu dân ý và bỏ phiếu sáp nhập vào Liên bang Nga ngay sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev năm 2014 – một bước ngoặt địa chính trị gây tranh cãi sâu sắc từ đó đến nay.

Theo Financial Times, giới chức EU đang đặc biệt lo ngại trước khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng gợi ý rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga có thể là một phần trong thỏa thuận hòa bình – sẽ khiến khối này rơi vào thế chia rẽ nội bộ trong việc duy trì cơ chế trừng phạt hiện tại.

Trả lời phỏng vấn, bà Kallas cảnh báo các quốc gia EU không nên "chạy theo" nếu Mỹ xoay trục chính sách đối với Moscow. Bà tiết lộ EU đang chuẩn bị một kế hoạch ứng phó trong trường hợp Hungary thực hiện lời đe dọa phủ quyết gia hạn lệnh trừng phạt vào tháng 7 tới. Một trong những phương án có thể là cho phép từng quốc gia tự áp dụng các lệnh trừng phạt, hoặc để Bỉ ra sắc lệnh tịch thu hơn 200 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa trên lãnh thổ nước này.

Phía Nga đã lên tiếng cảnh báo rằng bất kỳ hành động tịch thu nào như vậy sẽ bị xem là “hành vi trộm cắp” và có thể kéo theo các biện pháp trả đũa nhằm vào tài sản phương Tây tại Nga.

Bà Kallas cũng nhấn mạnh rằng EU có thể đảm bảo hỗ trợ tài chính cho Ukraine nếu Mỹ rút lui, tuy nhiên việc duy trì viện trợ quân sự ở quy mô tương tự sẽ khó khả thi hơn. “Chúng tôi vẫn đang làm việc với người Mỹ và cố gắng thuyết phục họ rằng kết quả cuộc chiến này cũng liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ”, bà nói.

Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cáo buộc EU đang cản trở các nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ và Nga nhằm chấm dứt xung đột, và thay vào đó muốn kéo dài cuộc chiến. “Châu Âu muốn chiến tranh, chứ không phải đàm phán”, ông Peskov tuyên bố.