Ông Tập Cận Bình và bà Thái Anh Văn đi thị sát quân đội giữa lúc tình hình căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 13/10, ông Tập Cận Bình đã về Quảng Đông kiểm tra lực lượng Lính thủy đánh bộ Trung Quốc, trong khi bà Thái Anh Văn tới trạm radar Lạc Sơn ở độ cao 2.620 m để thị sát đơn vị cảnh giới phòng không của quân đội Đài Loan.
Máy bay không người lái MQ-9 Sea Guardian Nhà Trắng đề nghị bán cho quân đội Đài Loan (Ảnh: GE)
Máy bay không người lái MQ-9 Sea Guardian Nhà Trắng đề nghị bán cho quân đội Đài Loan (Ảnh: GE)

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Bộ Tư lệnh Lính thủy đánh bộ ở thành phố Triều Châu trong chuyến đi về miền Nam; cùng đi có tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó chủ tịch Quân ủy. Ông Tập nhấn mạnh, LTĐB là lực lượng đổ bộ tinh nhuệ, có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài.

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) nhận xét, tình hình hiện nay đang ở vào thời điểm quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng và tình hình trên eo biển Đài Loan phức tạp, biến đổi nhiều; việc ông Tập Cận Bình bất ngờ kiểm tra  LTĐB là nhằm truyền đi tín hiệu rõ ràng.

Ông Tập Cận Bình tới kiểm tra Bộ Tư lệnh Lính thủy đánh bộ Trung Quốc ở Triều Châu, cùng đi có Hứa Kỳ Lượng (đi sau ông Tập) (Ảnh: CCTV).
Ông Tập Cận Bình tới kiểm tra Bộ Tư lệnh Lính thủy đánh bộ Trung Quốc ở Triều Châu, cùng đi có Hứa Kỳ Lượng (đi sau ông Tập) (Ảnh: CCTV).

Được biết, Lực lượng LTĐB được thành lập vào năm 2017 theo quyết định của Quân ủy Trung Quốc về cải cách sâu rộng quốc phòng và điều chỉnh biên chế quân đội. Lực lượng này chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt như đổ bộ, tác chiến đảo, tấn công và phòng thủ đảo.

Ông Tập Cận Bình nêu rõ cần tăng cường nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn lớn, tìm tòi cách thức xây dựng lực lượng LTĐB mang màu sắc Trung Quốc.  

Ông Tập chỉ ra rằng, cần phải dồn toàn bộ tâm trí và sức lực để chuẩn bị cho chiến tranh và duy trì trạng thái cảnh giác cao. LTĐB thực hiện nhiệm vụ đa dạng, đòi hỏi nhiều năng lực, cần phải kiên định huấn luyện theo thực chiến, nhấn mạnh nhiệm vụ, tăng cường huấn luyện trực diện và đối kháng, nghiêm và khó để rèn luyện bộ đội. Cần đẩy mạnh đổi mới lý luận tác chiến, mô hình huấn luyện, tổ chức nhiệm vụ để nâng cao trình độ huấn luyện và khả năng thực chiến.  

Bà Thái Anh Văn thị sát, chụp ảnh chung với các binh sĩ trạm radar trên độ cao 2.620m ở Lạc Sơn (Ảnh; VOA).
Bà Thái Anh Văn thị sát, chụp ảnh chung với các binh sĩ trạm radar trên độ cao 2.620m ở Lạc Sơn (Ảnh; VOA).

Theo CNA dẫn lời các quan chức an ninh quốc gia Đài Loan cho biết cùng ngày bà Thái Anh Văn đã đén thị sát trạm radar trên Lạc Sơn. Được biết, phạm vi mà trạm radar Lạc Sơn giám sát gần như bao gồm từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Quan chức an ninh quốc gia cho biết, đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây, các hoạt động quân sự của Trung Quốc diễn ra thường xuyên và nhiệm vụ của trạm radar Lạc Sơn là nắm bắt chính xác các thông tin trên không khác nhau về máy bay, tên lửa đạn đạo và vệ tinh, đưa ra dự đoán chính xác và cung cấp thông tin tình báo nhanh nhất trong thời gian thực để từng đơn vị có thể nhanh chóng ứng phó.

Trong quá trình thị sát, bà Thái Anh Văn nói, cảnh báo sớm tên lửa tầm xa là ưu tiên hàng đầu của nhiệm vụ quốc phòng. Bà muốn cảm ơn tất cả những người đã trở thành con mắt phòng không trên ngọn núi này, “từ Đài Loan nhìn ra thế giới và không gian bên ngoài, âm thầm bảo vệ an ninh của Đài Loan”.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Bà Thái Anh Văn sau khi trở thành người lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016, đã không công nhận thứ mà Bắc Kinh gọi là "Đồng thuận 1992" và "Nguyên tắc một Trung Quốc" do Bắc Kinh đề xuất, điều này khiến Trung Quốc đại lục rất tức giận. Các phần tử “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc cũng đề nghị đại lục bắt đầu “chuẩn bị cho việc thống nhất bằng vũ lực”.

Ông Tập Cận Bình xem lực lượng LTĐB huấn luyện (Ảnh: CCTV).
Ông Tập Cận Bình xem lực lượng LTĐB huấn luyện (Ảnh: CCTV).

Đài Loan luôn phủ nhận việc coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Bà Âu Giang An, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan hồi tháng 1 đã tuyên bố “Đài Loan là Đài Loan, không phải là một bộ phận của Trung Quốc, đương nhiên không phải là một bộ phận của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”.

Kể từ tháng 9 đến nay, các máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên vượt qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan và bay vào Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Trong những ngày gần đây, nó đã được đổi thành các chuyến xuất kích bay thẳng vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Eo biển Đài Loan đã trở thành tâm điểm dễ bùng phát một cuộc chiến tranh nóng.

Trong các diễn biến mới nhất, hôm 12/10, Nhà Trắng đã thông báo với lưỡng viện Quốc hội Mỹ việc chuẩn bị bán cho Đài Loan 3 hệ thống vũ khí bao gồm tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS, tên lửa không đối đất SLAM-ER và thùng cảm ứng truyền tín hiệu theo thời gian thực lắp trên máy bay F-16. Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối, đe dọa có hành động đáp trả thích đáng nếu Mỹ thực hiện kế hoạch này; ngày 13/10 theo giờ Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục thông báo cho Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện để xin ý kiến chấp thuận việc Nhà Trắng bán tiếp máy bay không người lái MQ-9 và tên lửa chống hạm Harpoon do Boeing sản xuất để làm hệ thống tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển của Đài Loan.

Hãng tin Reuters ngày 14/10 đưa tin, MQ-9 Sea Guardian là loại máy bay không người lái cỡ lớn do General Atomics Aeronautical Systems Inc. phát triển cho Không quân Mỹ. Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ chấp thuận việc bán sản phẩm này sau khi nó được đưa vào danh sách vũ khí có thể bán cho người mua ở nước ngoài. Như thế có nghĩa quân đội Đài Loan là nơi thứ 2 sau quân đội Mỹ có loại UAV tiên tiến này.

Vào ngày 13/10, Reuters đưa tin Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội để tìm kiếm sự chấp thuận bán ba lô vũ khí cho Đài Loan, bao gồm hệ thống phóng tên lửa cơ động cao, tên lửa không đối đất tầm xa và cảm biến cho máy bay chiến đấu F-16.

Hệ thống tên lửa hành trình bờ đối hạm Mỹ sẽ bán cho Đài Loan tới đây (Ảnh: udn).
Hệ thống tên lửa hành trình bờ đối hạm Mỹ sẽ bán cho Đài Loan tới đây (Ảnh: udn).

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản ứng nói, Mỹ nên hủy bỏ ngay lập tức mọi hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan, ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và chấm dứt quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan và Trung Quốc sẽ có những đáp trả thích đáng và cần thiết căn cứ diễn biến của tình hình.

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và ba bản thông cáo chung Trung - Mỹ, đặc biệt là các điều khoản của Thông cáo 17/8, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối.

Hồi tháng 9, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ dự định bán 7 hệ thống vũ khí chính cho Đài Loan, bao gồm thủy lôi, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Việc Mỹ tìm cách bán cùng một lúc 7 loại vũ khí cho Đài Loan, đây sẽ là một cách làm hiếm hoi phá vỡ thông lệ nhiều năm trước đây. Trước đây, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan thường được phân tán và lên kế hoạch thận trọng nhằm giảm thiểu quan hệ căng thẳng với chính phủ Trung Quốc.