Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cảnh báo Trung Quốc và Mỹ chớ lặp lại sai lầm thời Thế chiến I

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cảnh báo hai bên cần đề ra “quy tắc giao chiến”, nếu không có thể tái diễn cục diện chính trị thế giới không xác định như trước Chiến tranh thế giới Thứ nhất.
Ông Kissinger cảnh báo hai nước Mỹ - Trung cần đề ra "quy tắc giao chiến" để không tái diễn cục diện chính trị như trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất (Ảnh:DWnews).
Ông Kissinger cảnh báo hai nước Mỹ - Trung cần đề ra "quy tắc giao chiến" để không tái diễn cục diện chính trị như trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất (Ảnh:DWnews).

Theo Bloomberg ngày 8/10, ông Henry Kissinger, 97 tuổi đã tuyên bố trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Câu lạc bộ Kinh tế ở New York tổ chức: “Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hoa Kỳ phải tìm kiếm, vượt qua giới hạn nào đó để không đe dọa nhau nữa, sau đó họ phải tìm ra cách thức thực hiện chính sách này trong một thời gian dài”.

“Bạn có thể nói điều đó hoàn toàn không thể”, Kissinger nói thêm, nếu điều đó hoàn toàn không thể xảy ra, “chúng ta sẽ rơi vào cục diện tương tự như Chiến tranh thế giới thứ nhất đối với loài người”.

Ông Kissinger là người thúc đẩy việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời kỳ Tổng thống Richard Nixon, nhằm tạo đối trọng với Liên Xô khi đó. Ông từng nói “chúng ta phải cảnh giác trước khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi vì tiến bộ công nghệ đã định hình lại cục diện địa chính trị”.

Ông Kissinger (trên, bên phải) tại cuộc hội thảo trực tuyến hôm 8/10 (Ảnh: Guancha).
Ông Kissinger (trên, bên phải) tại cuộc hội thảo trực tuyến hôm 8/10 (Ảnh: Guancha).

Kissinger nói: “Đất nước chúng ta và Trung Quốc cần phải thảo luận về ranh giới nào họ sẽ không còn đe dọa lẫn nhau sau khi vượt qua, và làm thế nào để xác định ranh giới đó”. Ông nói thêm rằng một cuộc đối thoại như vậy nên được thực hiện trong một thời gian dài và nên có sự đồng thuận của cả hai đảng”. Bloomberg nói, ông Kissinger đã sử dụng thuật ngữ quân sự giật gân hơn, ông muốn Trung Quốc và Hoa Kỳ phải thiết lập một “quy tắc giao chiến” (rules of engagement) đối với các mối đe dọa nảy sinh trong quan hệ giữa hai nước.

“Các bạn có thể nói rằng điều này là hoàn toàn không thể, nhưng nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh tương tự như trước Thế chiến thứ nhất”. Vào thời điểm đó, các đế chế cũ của châu Âu không coi trọng nghiêm túc mối đe dọa chiến tranh mà còn tăng cường trang bị vũ khí làm tăng nguy cơ chiến tranh. Cuối cùng, chiến tranh thế giới đã nổ ra do các cường quốc không quản lý được các cuộc khủng hoảng nhỏ, không đáng kể.

Ông Kissinger so sánh giai đoạn lịch sử khi đó tương tự với cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung hiện nay. Ông cho rằng Mỹ cần “thay đổi một lối tư duy mới” để hiểu thế giới phức tạp ngày nay, bởi vì “không quốc gia nào có thể hưởng lợi thế đơn phương mà không bị các quốc gia khác đe dọa cả về chiến lược và kinh tế”.

Ông Kissinger cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần xem xét, “đảm bảo rằng không quốc gia nào có khả năng tống tiền Hoa Kỳ khỏi lĩnh vực kinh tế thuần túy, nhưng đạt được mục tiêu này không có nghĩa là phải nhắm mục tiêu và làm suy yếu bất kỳ năng lực công nghệ tiềm năng của các quốc gia khác”.

Ông Kissinger được cho là nhân vật có quan điểm thân Trung Quốc ở Mỹ (Ảnh: Tân Hoa xã).
Ông Kissinger được cho là nhân vật có quan điểm thân Trung Quốc ở Mỹ (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông thừa nhận rằng việc làm rõ vấn đề này là một thách thức rất lớn đối với   bất cứ chính phủ khóa nào của Mỹ. Nội bộ nước Mỹ trước tiên nên thiết lập một sự đồng thuận, thay vì rơi vào một cuộc cãi vã giữa hai bên. “Không thể cứ 4 hay 8 năm chúng ta lại kiểm điểm lại vấn đề này. Nếu ở trong nước không thống nhất được ý kiến, thì càng không thể kết bạn với các nước khác”.

Kissinger được coi là nhân vật đại diện của chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế, ông chủ trương và tôn sùng thuyết cân bằng quyền lực. Ông từng là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, trong Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung để làm đối trọng với Liên Xô.

Vào ngày 24/7, đương kim Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu quan trọng mang tên “Tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc và thế giới tự do”, kêu gọi “thế giới tự do đánh bại chế độ chuyên chế mới của Trung Quốc”.

Hãng truyền hình Anh BBC bình luận rằng bài phát biểu của ông Pompeo khi đó chỉ thẳng vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị thế giới bên ngoài coi là bài phát biểu mở ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.