Ông Nguyễn Đức Thụy và mục tiêu số hóa toàn diện LPBank

VietTimes – Lần đầu làm chủ tọa ĐHĐCĐ LPBank, ông Nguyễn Đức Thụy nhấn mạnh mục tiêu số hóa toàn diện ngân hàng. Việc đổi tên LienVietPostBank thành LPBank cũng là một dấu ấn khác của vị đại gia này.

Chuyển đổi số trong vận hành và kinh doanh đã trở thành xu thế tất yếu ở nhiều ngân hàng. Và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã CK: LPB), với kế hoạch đổi tên viết tắt tiếng Anh thành "LPBank" (sau đây gọi là LPBank), không phải ngoại lệ.

Ví Việt có thể xem là thành quả bước đầu trong hành trình chuyển đổi số ở LPBank. 'Kế thừa' Ví Việt là LienViet24h - nền tảng ngân hàng số được LPBank ra mắt trước thềm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HOSE).

Năm ngoái, ngân hàng này còn thuê đối tác tư vấn về hệ thống công nghệ thông tin, tạo cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ mới.

'Đẩy mạnh chuyển đổi số' cũng là một trong những định hướng phát triển được ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank - nhấn mạnh tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) diễn ra hôm 23/4. Người đứng đầu LPBank đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên, số hóa toàn diện, trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch HĐQT LPBank

Khác với mọi năm, thay vì được tổ chức tại Long Biên Palace (Sân Golf Tân Sơn Nhất, Tp. HCM) – ‘cứ điểm’ của Him Lam Group, AGM 2023 của LPBank được đưa về Ninh Bình – nơi dấy nghiệp của ông Thuỵ và gia đình.

PV VietTimes tác nghiệp tại AGM 2023 của LPBank đã ghi lại một khoảnh khắc đáng chú ý. Đó là hình ảnh ông Nguyễn Đức Thụy - lãnh đạo chủ chốt nhất, quyền lực nhất ở LPBank - giơ cao tập phiếu biểu quyết tại đại hội.

Tờ phiếu ngoài cùng, được ông Nguyễn Đức Thụy hướng xuống hội trường, không đề tên ông. Nó đề tên một cổ đông khác, là 'Nguyễn Phú Quý', với ngót 30,6 triệu cổ phần. Có lẽ cổ đông Quý đã ủy quyền cho ông Thụy tham gia AGM 2023.

Ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch LPBank vào tháng 12/2022. Và ngay sau AGM 2023, ông tiếp tục được HĐQT mới tín nhiệm bầu giữ cương vị lãnh đạo cao nhất ở ngân hàng.

Người đánh cồng là ông Phạm Doãn Sơn – cựu Phó Chủ tịch thường trực kiêm CEO LienVietPostBank, còn vị trí trang trọng phía bên kia là ông Nguyễn Đức Thuỵ.

Thực ra, những ai để ý đã sớm lờ mờ thấy được sự xuất hiện của ông Thụy ở LienVietPostBank từ trước cả khi ông tham gia quản trị ở nhà băng này.

Ngày 9/11/2020 ,ông Thuỵ đã tham gia nghi lễ đánh cồng trong ngày chào sàn HOSE của LienVietPostBank, bên cạnh các lãnh đạo chủ chốt của nhà băng này. Lưu ý rằng, ông Thuỵ khi ấy không phải lãnh đạo của LienVietPostBank, cũng như HOSE.

Kế sau sự ra mặt của ông Thụy, các ông Nguyễn Văn Thùy và Đoàn Nguyên Ngọc - em trai và em rể của đại gia nức tiếng đất Ninh Bình - cũng theo về 'tụ nghĩa' ở LienVietPostBank. Trong đó, ông Thùy vừa được bầu làm Thành viên HĐQT LienVietPostBank.

Trong quan hệ với LienVietPostBank, thị trường có chăng mới biết đến những khoản vay đáng kể của nhóm ông Thuỵ tại nhà băng này. Hay việc LienVietPostBank vào tháng 2/2020 đã dành ra cả trăm tỉ đồng thuê 6 tầng của toà nhà ThaiHoldings Tower với thời hạn 5 năm. Trước khi về tay ông Thụy, tòa nhà này thuộc về Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh - nhóm cổ đông từng nắm quyền chi phối lớn nhất ở LienVietPostBank.

Còn hiện tại, sở hữu của ông Thụy và người thuộc diện có liên quan ở LienVietPostBank - thoạt nhìn - còn khá hạn chế.

Tính đến ngày 31/12/2022, ông Thụy nắm giữ 47,8 triệu cổ phiếu LPB (chiếm 2,76% vốn LienVietPostBank), trong khi những người có liên quan thuộc diện phải công bố thông tin hầu như không có hoặc nắm một lượng không đáng kể cổ phiếu LPB, theo các tài liệu công khai.

Nhưng để có 'tiếng nói' mạnh mẽ ở LienVietPostBank như vậy, chắc hẳn số cổ phần của nhóm 'bầu' Thụy cũng phải tương xứng. Và những cổ đông như ông Nguyễn Phú Quý nêu trên là một chỉ dấu.

'Game' Sacombank của ông Dương Công Minh

Sau AGM 2023 của LPBank, nhóm lãnh đạo kỳ cựu ở Sacombank được cho là những thân tín của giới chủ cũ cũng rút khỏi HĐQT.

Ông Dương Công Minh, lãnh đạo tối cao một thời của LPBank hiện đang tập trung cho cuộc chơi Sacombank, nơi ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong 6 năm qua.

Dù vậy đến nay, sở hữu thực tế của nhóm ông Dương Công Minh ở Sacombank vẫn còn hạn chế. Bởi lẽ, lô cổ phần tương đương 32,5% vốn Sacombank liên quan đến nhóm ông Trầm Bê hiện vẫn do NHNN quản lý.

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu của Sacombank đang đi đến hồi kết.

“Sacombank đã trình phương án bán đấu giá 32,5% vốn cổ phần của ông Trầm Bê để hoàn thành việc tái cơ cấu ngân hàng. Dự kiến trong quý 4/2023 sẽ đấu giá”, ông Dương Công Minh cho biết tại AGM 2023 của Sacombank diễn ra vào tuần trước.

Lưu ý rằng, việc bán cổ phần Sacombank nêu trên phải được sự đồng ý của Chính phủ. Khi ấy, nó sẽ mở ra cơ hội cho nhóm ông Minh thực sự tiến tới làm chủ Sacombank, tất nhiên là trong trường hợp vị đại gia này thu xếp đủ nguồn lực./.