Ông Nguyễn Đình Hương: Chống tham nhũng lần này thực sự không “tắm từ vai trở xuống”

VietTimes -- “Lần này, ta mới thực sự thực hiện được điều mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân là không có vùng cấm trong chống tham nhũng, không có chuyện chỉ “tắm từ vai trở xuống”. Và sẽ không còn có chuyện các “anh” nào đó dám ngông nghênh xưng xưng tuyên bố: “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” - ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ chia sẻ với VietTimes
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ
 

Thưa ông, ngày 27/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018 tới. Trước đó, cơ quan An ninh điều tra Bộ công an cũng đã ra lênh khởi tố Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) là những sự kiện mới nhất của cuộc chiến chống tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về những diễn biến này?

-  Sau những sự kiện này, nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Đà Nẵng gọi điện cho tôi nói họ rất phấn khởi, thậm chí đốt pháo hoa ăn mừng. Điều đó nghĩa là quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất hợp lòng dân. Đó không phải là một, hai vụ đơn lẻ mà là một chủ trương lớn, những hành động rất quyết đoán, ra đòn rất trúng. Lần này, ta mới thực sự thực hiện được điều mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân là không có vùng cấm trong chống tham nhũng, không có chuyện chỉ “tắm từ vai trở xuống”. Và sẽ không còn có chuyện các “anh” nào đó dám ngông nghênh xưng xưng tuyên bố: “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.

Nói thế thôi, nhưng  sự việc diễn ra trong vụ Đinh La Thăng thực sự là điều đau lòng của Đảng, trong đó có những người làm công tác tổ chức như chúng tôi. Đinh La Thăng đã từng gặp tôi cách đây dăm năm. Tôi có nói, cậu làm dầu khí mà sao lấn sang nhiều thứ quá. Làm cả ngân hàng, cả nhà máy sợi, nhà máy điện, cả đường xá, cầu cống nữa. Liệu có bền không? Dần dần, Đinh La Thăng vào đến Trung ương, làm đến Bộ trưởng, vào đến Bộ Chính trị, làm cả đến Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trong lịch sử của Đảng, đã từng có những Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng chỉ là do bất đồng quan điểm, do có một số việc chưa trung thực với Đảng chứ chưa bao giờ có trường hợp bị truy tố, đem ra xét xử vì tội  liên quan tới tham nhũng. Điều cay đắng là ngay từ Đại hội 11 đã nhận ra, tại sao đến đại hội 12 vẫn để lọt.

Rồi vụ Vũ Nhôm!  Ai là người giới thiệu, ai là người bao che. Vũ “Nhôm” sao có thể thoái hết vốn và bỏ trốn dễ dàng như vậy? Những vấn đề này phải làm rõ. Đó là những vấn đề rất hệ trọng, vì thế phải có những bước đi thích hợp. Trong cuộc chiến này, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt, lại có cách làm rất đúng, chặt rễ con trước, tỉa cành nhỏ trước, cứ thế dần dần “nhốt quyền lực” của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác. Cách làm đó đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Mặc dù thế, cuộc đấu tranh còn gay cấn lắm, các nhóm lợi ích không dễ gì từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình. Vũ “Nhôm” phải có người chống lưng, phải tìm mọi cách để có người chống lưng. Mà ai mới có thể chống lưng chứ. Chính là những người có chức có quyền. Một bên có quyền, một bên có tiền, “liên minh ma quỷ” với nhau để có nhiều tiền hơn, từ đó đưa người vào nắm các vị trí cao hơn.

Ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã nhìn ra vấn đề lạm dụng quyền lực này rồi. Bác đã viết về nguy cơ này và đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn. Khi xảy ra vụ việc Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu bị truy tố về tội tham nhũng), đồng chí Trần Đăng Ninh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp có xin gặp Bác ngỏ ý xin giảm mức hình phạt. Bác không trả lời thẳng mà hỏi lại: “Thế khi có một cái cây bị thối ruột thì chú làm thế nào?”. Ông Ninh trả lời rằng, trường hợp đó thì phải đốn cây thôi, để nó không truyền mầm bệnh cho cây khác. Tức là ông hiểu ý Bác không nhân nhượng với tham nhũng được. Dù đó là ai, Cục trưởng hay cao hơn nữa cũng phải loại bỏ khỏi tổ chức nếu muốn tồn tại được.

Trước đây, ông đã nói rằng chống tham nhũng đánh rắn thì phải đánh giập đầu. Thế theo ông, lần này rắn đã “giập đầu” chưa?

-  Tất nhiên là chưa. Sau Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng. Sau đó còn những ai nữa thì phải chờ “hồi sau sẽ rõ”. Nhưng tinh thần là cuộc chiến này là không thể dừng. Sắp tới Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức hội thảo về “Tình hình suy thoái trong Đảng và giải pháp chống suy thoái”, sẽ phải làm rõ nguyên nhân vì sao lại dẫn đến thực trạng suy thoái nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực mà tham nhũng đang là vấn đề nóng bỏng nhất. Không nói cụ thể từng vụ mà phải tìm ra gốc rễ của vấn đề. Phải bắt được bệnh thì mới bốc thuốc đúng được.

Vậy theo ông, nguyên nhân chủ yếu nhất là ở đâu?

-  Theo tôi vẫn là công tác tổ chức cán bộ. Xưa nay vẫn nói: cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Điều đó đến nay vẫn đúng. Chính vì thế, Hội nghị Trung ương sắp tới sẽ bàn chuyên sâu về công tác tổ chức cán bộ. Trong công tác cán bộ thì theo tôi, công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất. Đồng thời cũng là  khâu khó nhất.

Trước hết, đó là do những người có thẩm quyền đánh giá có những cách nhìn khác nhau, mà nhìn người thì lại càng khác nhau. Ví dụ, trường hợp một đồng chí nguyên là cấp phó của tôi (sau này là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư) chẳng hạn. Đồng chí Đỗ Mười khi đó là Tổng Bí thư thì ủng hộ, nhưng đồng chí Võ Chí Công (khi ấy là Chủ tịch nước) lại không. Các đồng chí đó gọi tôi lên, tôi phân tích cái được và chưa được của ông này. Cuối cùng, phương án là để lại Trung ương nhưng không giữ lại ở Đà Nẵng. Nói như vậy để thấy rằng, khi đánh giá là phải rất công tâm.

Thứ hai, người được đánh giá cũng không phải trước thế nào, sau vẫn giữ thế. Vì chỉ khi nắm quyền lực, nhất là quyền lực ở cấp cao thì người ta mới bộc lộ hết tham vọng của mình. Một ví dụ, trước đây khi còn làm Phó Ban Tổ chức Trung ương, tôi có đề nghị Bộ Chính trị bổ nhiệm ông Phạm Song làm Bộ trưởng. Sau ba năm tôi buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cách chức ông này. Có đồng chí hỏi tôi, vì sao vậy? Đó là vì khi nắm quyền rồi, hành xử của ông đã đổi khác. Ông ấy muốn chuyển sang ngôi nhà khác, to hơn. Tôi và một số người khác khuyên là không nên chuyển, ông ấy trả lời: “Vợ tôi quyết rồi” và tiếp tục làm theo ý mình. Vậy thì phải xử lý, vì con người ta thay đổi như thế thì không thể giữ cách đánh giá cũ được.

Chuyện “con ông cháu cha” lâu nay cũng được nhắc tới nhiều, nhất là chuyện các “cậu ấm, cô chiêu” được cất nhắc “thần tốc” để lại rất nhiều tai tiếng mà Đảng ta đang phải xử lý. Ông nhìn nhận về “vấn nạn” này như thế nào?

 -Một vấn đề nóng hiện nay là số cán bộ là con em lãnh đạo được đưa vào các vị trí “có quyền lực” trong bộ máy là không nhỏ. Tôi ủng hộ lớp trẻ - tre già măng phải mọc thôi - nhưng trẻ phải thế nào? Phải rèn luyện qua thực tiễn và thực tiễn nhiều hơn nữa. Trước đây, không có hiện tượng một số đồng chí lãnh đạo can thiệp cho con em, người thân của mình. Đại hội 3 chẳng hạn. Không có ai can thiệp. Còn bây giờ thì người ta dùng nhiều cách để đưa những người thân hữu của mình vào các vị trí “ngon” - thậm chí có thể còn có chuyện “mua” chức.

Vì thế nói là dân chủ công khai, nhưng cũng có thể bị thao túng. Tới đây phải có sự sửa đổi trong Điều lệ Đảng, Luật để khắc phục tình trạng này. Ví dụ, một trong những lý do Đinh La Thăng trúng vào Bộ Chính trị chính là quy định của Điều lệ. Theo đó Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư trong số ủy viên Bộ Chính trị. Tôi có hỏi đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí ấy nói, khi Đại hội bầu ra Ban chấp hành khóa mới thì khi đó, tôi không phải là Tổng bí thư mà chỉ là một Ủy viên Trung ương như các đồng chí Ủy viên khác, vì thế đâu có thể chỉ đạo bầu ai hay không bầu ai đâu.

Chuyện tinh giản biên chế, chuyện kiểm soát quyền lực từ lâu đã được đề cập, nhưng dường như càng nói đến “tinh giản” biên chế càng phình to; càng bàn đến “kiểm soát” thì quyền lực càng lộng hành. Theo ông đâu là gốc rễ của vấn đề?

-Chuyện tinh gọn bộ máy, giảm nhẹ biên chế đã trở thành vấn đề bức xúc. Hiện đã có nghị quyết 18 TƯ 6 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Nói thì hay, nhưng làm thì còn nhiều vấn đề lắm, càng ngày càng phình to...Trung ương phải làm trước, làm mạnh thì dưới mới theo mới làm. Chuyện này giờ đây cũng rất khó, ví dụ việc Bí thư kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Có chủ trương rồi, nhưng thực hiện thì chưa được...

Vấn đề kiểm soát quyền lực, quy định trách nhiệm người đứng đầu chắc sẽ phải sửa đổi mạnh mẽ. Ta luôn nhắc đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhưng thực tế hiện nay khi có vấn đề thì  không quy được trách nhiệm cho ai. Không có cơ chế từ chức. Như thế thì làm sao kiểm soát được quyền lực, làm sao ngăn được lạm dụng quyền lực…Tôi cho rằng, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là bao nhiêu, 100 hay 200 vị  không phải là vấn đề quá quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là phải bầu ra được 12 người nắm những chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đó là 4 người nắm tứ trụ, người phụ trách công tác kiểm tra, tuyên giáo, tổ chức, công an, quốc phòng, ngoại giao và bí thư hai thành phố lớn. Nhất là vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng phụ trách vấn đề kinh tế. Đất nước không ổn định, kinh tế rơi vào khủng hoảng thì những vị trí chủ chốt phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng.

Rồi vấn đề cơ cấu vùng miền, cơ cấu độ tuổi cũng đang tỏ ra có nhiều bất cập.

Tất cả những vấn đề đó sẽ được mổ xẻ, phân tích và tìm ra phương pháp khắc phục, đưa công tác cán bộ thực sự là then chốt của then chốt, mới có thể khắc phục được ba cuộc khủng hoảng hiện nay là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng niềm tin và khủng hoảng người đứng đầu.

Xin cảm ơn ông!