Khi David “chơi được” với Goliath
Đến tận năm 2006 – sau khi đã được nâng cấp thành ngân hàng đô thị - thì tầm và thế của Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng vẫn chưa có thay đổi đột biến. Ngoại trừ chuyện đổi tên thành Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank), tới cuối năm 2006, tổng tài sản có của ngân hàng mới đạt 1.001,3 tỷ đồng, và chưa có lãi để trả cổ tức. OceanBank đang tụt lại phía sau trong cuộc đua ngân hàng là một thực tế hiển hiện.
Vì thời điểm ấy, nhiều ngân hàng khác đều có nguồn huy động cỡ lớn “chống lưng”, như GPBank với nguồn từ PVN, ABBank với nguồn từ EVN…. thì Ocean lại chưa tạo được nguồn huy động vững chắc. Cho đến cuối năm 2006, so sánh thế là lực OceanBank với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn hệt như chuyện đem Davit so sánh với Goliat.
Hơn một năm trước đó, ngày 5/10/2005, ông Đinh La Thăng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVN. Ông Thăng sẽ giữ vị trí lãnh đạo tại PVN tới tháng 8/2011, khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT và nắm giữ vị trí này tới tháng 2/2016.
Quãng thời gian 10 năm ấy, ông Thăng đã “đặt” dấu ấn đậm nét – cả ở nghĩa tiêu cực và tích cực - ở vị trí người chèo lái tập đoàn nhà nước lớn nhất Việt Nam (PVN) và Bộ quản lý ngành sử dụng ngân sách hàng năm nhiều nhất. Tại PVN, quãng thời gian hơn 3 năm lãnh đạo tập đoàn này của ông Thăng lại chỉ để lại những dấu ấn tiêu cực.
Cho đến nay, không nhiều người biết cách mà ông Hà Văn Thắm – vị tân Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi của OceanBank - dùng để tiếp cận và bắt tay được với lãnh đạo của PVN. Đó là chuyện thâm cung bí sử, mà người ta chỉ dám thì thầm trong những góc tối, với bạn hữu thân thiết.
Nhưng có lý do để tin quan hệ đó đã bắt đầu từ trước năm 2007. Vì theo báo cáo tài chính năm 2007 của OceanBank, nguồn tiền từ PVN đổ về đã giúp tăng trưởng của ngân hàng này lần đầu tiên từ năm 2007 đạt được đột biến. Chỉ trong một năm, tổng tài sản có của Oceanbank đã tăng từ 1.002 tỷ đồng (31/12/2006) lên mức 13.200 tỷ đồng (31/12/2007).
Diễn biến để có dòng tiền ấy, cùng nhiều lựa chọn khác, là những điều sau đó sẽ đưa ông Thăng, và nhiều lãnh đạo của OceanBank, PVN vào vòng lao lý
Cùng trong năm 2007, với chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ngoài việc bơm tiền về OceanBank, tại PVN cũng diễn ra những lựa chọn có tính quyết định về điều chỉnh chiến lược đầu tư, tài chính.
Đầu tiên là việc dừng dự án thành lập ngân hàng Hồng Việt – khi dự án thành lập ngân hàng này đã đi đến những khâu chuẩn bị cuối cùng. Cùng với đó là việc rút vốn khỏi GPBank – ngân hàng mà PVN là cổ đông lớn – cũng được định đoạt. Cả hai quyết định này PVN đều xin ý kiến Chính phủ, và đều được chấp thuận.
Nhưng nếu như việc rút vốn khỏi GPBank và dừng dự án thành lập ngân hàng Hồng Việt được PVN giải thích là để tái cơ cấu danh mục đầu tư, thì việc đầu tư mua 20% cổ phần Ocean được giải thích để rút ngắn thời gian đầu tư, nhằm nhanh chóng tối ưu hóa dòng tiền khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm từ hoạt động và doanh thu của PVN.
Cả hai giải thích tưởng như mâu thuẫn này được giải quyết chóng vánh sau đó. Ngày 18/9/2008, ông Đinh La Thăng và ông Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận giữa PVN và OceanBank (số 6934), với hai nội dung chính.
Trong đó, một là PVN đồng ý góp 400 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank, và hai là PVN sẽ hỗ trợ OceanBank về tài chính, vốn phù hợp với các quy định pháp luật. PVN cam kết trong thỏa thuận này, là đồng thời sử dụng, và “khuyến khích, động viên” các thành viên của tập đoàn sử dụng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ liên quan do OceanBank cung cấp.
Những rắc rối về vốn góp thành lập ngân hàng Hồng Việt được giải quyết chóng vánh và không thể hợp lý hơn: PVN sẽ trả lại toàn bộ phần đầu tư vào ngân hàng Hồng Việt cho người nào có nhu cầu. Hoặc sẽ nhận phần vốn góp của của những nhà đầu tư vào ngân hàng Hồng Việt trở thành cổ phần của OceanBank.
Tới ngày 30/9/2008, PVN gửi công văn số 7224/DKVN-HĐQT tới Thủ tướng Chính phủ, nội dung đề nghị Chính phủ chấp thuận chấp thuận các nội dung thỏa thuận giữa tập đoàn và OceanBank.
Ngày 17/10/2008, Thủ tướng Chính phủ gửi thông báo số 6987/VPCP-KTTH, với nội dung chấp thuận các đề nghị của PVN về việc góp vốn vào OceanBank.
Trong 3 năm sau đó, PVN lần lượt đầu tư thêm vào OceanBank 400 tỷ đồng nữa, đều với lý do nhằm đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 20% vốn điều lệ tại ngân hàng này. Tổng cộng, PVN đã thực góp vào OceanBank 800 tỷ đồng, và đều là góp trong giai đoạn ông Đinh La Thăng đang lãnh đạo PVN.
Từ chỗ là một một ngân hàng nhỏ gần như nhất hệ thông, chàng “David” OceanBank đã “chơi được” với người khổng lồ Goliath PVN – doanh nghiệp nhà nước lớn nhất Việt Nam thời điểm đó - theo cách không thể kịch tính hơn như thế.
Người vô hình ở OceanBank
Để “canh” khoản đầu tư tại OceanBank, PVN cử 3 cán bộ cự phách về tài chính của tập đoàn. Đó là ông Nguyễn Ngọc Sự - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của PVN, bà Vũ Thị Thanh Hương Phó trưởng ban Ban Kiểm soát nội bộ - Hội đồng thành viên của PVN. Ông Sự và bà Hương là hai người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank. Bà Hương sau đó, còn nắm giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT OceanBank từ tháng 7/2011, trong khi ông Sự được điều động sang để làm Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch Vinashin cho đến khi nghỉ hưu.
Người thứ 3 là ông Nguyễn Xuân Sơn Tổng Giám đốc Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC – công ty con của PVN), trưởng ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt của PVN. Ông Sơn không đại diện phần vốn PVN tại OceanBank, mà được cho thôi chức tại PVFC, dừng hợp đồng lao động tại PVN để cử sang làm Tổng giám đốc của OceanBank từ tháng 1/2008. Đến tháng 12/2010 ông Sơn trở về PVN làm Phó tổng giám đốc, sau đó làm Tổng Giám đốc, rồi Chủ tịch tập đoàn này cho đến khi bị cho thôi chức và bị bắt.
Toàn bộ quá trình thăng hoa, và sụp đổ của OceanBank đã được 3 cán bộ này chứng kiến đầy đủ. Nhưng cho đến nay, thông tin về tác động, đóng góp, cảnh báo của 3 cán bộ này trong suốt quá trình thăng hoa tới… mất vốn ấy, thì vẫn là điều mù mờ với công chúng.
Trước sự có mặt của những “chuyên gia” này, trong vài năm ngắn ngủi, dòng tiền từ PVN đổ về OceanBank đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Cụ thể, nếu cuối năm 2008, tiền gửi khách hàng (thị trường 1) của OceanBank mới là 6.412 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2009 đã là 23.377 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2010, tiền gửi khách hàng của OceanBank là 42.338 tỷ đồng, trong đó nguồn từ PVN và các thành viên đã lên tới 14.934 tỷ đồng, chiếm 35,3%. Năm 2011, quy mô tiền gửi của PVN và các thành viên tại OceanBank đã chiếm 54,7% tổng huy động của Ocean Bank, với 21.098 tỷ đồng. Năm 2012, tỷ lệ này tăng lên thành 55,8% tổng huy động của Ocean Bank, với 24.149 tỷ đồng. Chi tiết xem tại đây.
Sau này, trong phiên xét xử đại án OceanBank, một luật sư dẫn văn bản 6843 ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV PVN khi ấy –ông Đinh La Thăng - ký. Theo đó, ông Thăng đại diện do HĐTV PVN, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, giao dịch qua tài khoản này. Bao gồm: Cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.
“Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OceanBank thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010” - văn bản chỉ đạo của ông Thăng ấn định thời gian hoàn thành cụ thể.
Có thể dễ dàng gặp những chỉ đạo có có tính mệnh lệnh bắt buộc kiểu này trong suốt quá trình hoạt động của ông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, những chỉ đạo liên quan tới dân sinh như xây nhà tình nghĩa, cầu treo, trảm tướng… giúp ông Thăng được đánh giá cao như là hiện tượng lạ, nhà lãnh đạo sâu sát. Thì những chỉ đạo liên quan tới quản lý kinh tế của ông lại là một trong những nguyên nhân đẩy PVN vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử tập đoàn này.
Mặc dù đã có hàng chục cán bộ đã bị bắt giữ vì thiếu trách nhiệm trong những vụ án kinh tế lớn liên quan tới PVN, nhưng lại không khó để nhận diện ý chí của một cá nhân đã lấn át sức mạnh tập thể tại tập đoàn này. Chuyện ông Đinh La Thăng tại PVN có nguồn gốc từ sự lấn át ấy.