Trước khi bước vào bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã thay mặt nhóm luật sư bảo vệ cho bị cáo Sơn gửi lời cảm ơn HĐXX.
“Theo dõi phiên tòa thời gian qua, xin cảm ơn HĐXX đã điều khiển phiên tòa dân chủ, tạo điều kiện cho các luật sư và bị cáo thực hiện quyền tố tụng – nhiều vấn đề thuộc về bản chất vụ án – trong giai đoạn xét hỏi đã được làm rõ”, ông Tâm nêu quan điểm.
Vị luật sư nói rằng, ông hy vọng những kết quả xét hỏi công khai đó sẽ tác động phần nào đến phần luận tội của Viện Kiểm sát. “Tuy nhiên, sáng nay, chúng tôi thấy trong phần luận tội đó, thật lòng, chúng tôi buồn vì không thấy trong phần luận tội đó phản ánh một phần nào của phần xét xử - không thấy có gì thay đổi so với cáo trạng”, luật sư này bày tỏ.
Ông Tâm cho biết, nội dung bào chữa cho bị cáo Sơn mà ông và các đồng sự đã chuẩn bị dài 22 trang và đã được gửi cho Thư ký Tòa.
Vị luật sư bày tỏ sự đồng tình với nhiều nội dung mà nhóm luật sư Nguyễn Huy Thiệp – Đào Hữu Đăng đã nêu ra trong phần biện hộ cho bị cáo Hà Văn Thắm.
“Chúng tôi đồng tình với luật sư Đăng và luật sư Thiệp, khi nhận định về bản chất của vụ án liên quan đến tội danh cố ý làm trái. Có thể nói trong lịch sử tố tụng Việt Nam, lần đầu tiên một ngân hàng thương mại bị xử án về một tội danh đã bị hình sự hóa”, ông Tâm đề cập đến cáo buộc sai phạm trong hành vi “chi lãi ngoài” ở Ocean Bank (OJB).
Giống nhóm luật sư biện hộ cho Hà Văn Thắm, ông Tâm cũng nghiêng về lập luận, rằng tình thế buộc các bị cáo phải làm trái (chi lãi ngoài); Nhưng hành vi đó không hề gây thiệt hại cho ngân hàng.
Luật sư này trình bày: Chúng tôi rất đồng cảm với lời anh Thắm khai tại phiên tòa, rằng bị cáo chấp nhận bị xử phạt hành chính nhưng không ngờ lại phải đứng trước vành móng ngựa.
Bị kịch nữa những người tâm huyết đem lại hiệu quả - cơ quan điều tra xác định những người thực hiện “chi lãi ngoài” trên 1 tỷ đồng thì bị xử lý; Còn những người chi dưới 1 tỷ đồng thì được miễn xem xét trách nhiệm hình sự.
“Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét. Đây là những lời xuất phát từ gan ruột của các bi cáo, là những lời kêu cứu tại phiên tòa”, ông Tâm bày tỏ.
Nhầm lẫn khi cho rằng Nguyễn Xuân Sơn đại diện vốn góp của PVN tại Ocean Bank?
Đi vào bào chữa các nội dung mà cơ quan công tố đã luận tội cho thân chủ Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Viện Kiểm sát chưa hoàn thành nhiệm vụ chứng minh tội phạm của Sơn.
Theo ông Tâm, Viện Kiểm sát đã không bám vào dấu hiệu cấu thành tội phạm: Nếu quy Sơn tham ô hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải căn cứ vào dấu hiệu cấu thành chứ không chỉ đưa ra ý kiến nhận xét qui buộc rất nguy hiểm cho Sơn.
Vị luật sư phân tích, về tội tham ô, đã có qui định rất rõ về việc cấu thành. Cụ thể về chủ thể, phải là người có chức vụ, quyền hạn; Và có trách nhiệm quản lý tài sản và lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản thuộc mình quản lý.
Theo luật sư Tâm, cáo trạng đã nhầm lẫn khi cho rằng Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OJB. Thực tế, Sơn chỉ là đại diện phần vốn 8%, cùng ông Nguyễn Ngọc Sự đại diện 12% - trong phần dự kiến của PVN về việc tham gia góp vốn tại OJB. Đây là tư cách dại diện dự bị.
Nhưng khi PVN thực sự góp vốn vào OJB, Sơn không là người đại diện nữa, ông Sự là người duy nhất đại diện vốn góp của PVN tại OJB. Tại phiên tòa, Sơn và Thắm đã làm rõ trong thời điểm đó, Sơn không có quyết định cử làm người đại diện – chỉ có văn công văn giới thiệu.
“Không đủ căn cứ để xác định Sơn là đại diện 20% vốn của PVN tại OJB. Vậy mà cáo trạng xác định, rồi sáng nay luận tội vẫn xác định điều đó”, LS. Tâm nói. Và theo vị luật sư, dẫu cho Sơn có đại diện thì cũng không phải là người có chức vụ, quyền hạn. Sau này, khi Sơn rời OJB đề về PVN, Sơn lại càng không thể nào là người có chức vụ, quyền hạn để lợi dụng chức vụ, quản lý tiền mặt để trục lợi.
Về mặt khách quan, người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản, thì hành vi khách quan phải là người tự mình rút tiền, để chiếm đoạt đưa vào túi của mình. Nhưng Sơn không thực hiện bất cứ việc gì; Khi Sơn về PVN không liên quan đến OJB nữa.
Phân tích số tiền “chi lãi ngoài” như một chi phí đầu vào, luật sư Tâm cho rằng, không xác định được khách thể bị xâm hại trong cáo buộc đối với Sơn tham ô 49 tỷ đồng.
“Tài thánh cũng không cho phép Nguyễn Xuân Sơn làm trái quy định tại văn bản này”
Luật sư biện hộ cũng không đồng ý về cáo buộc Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC, với cơ sở rằng Sơn đã lợi dụng vị thế của PVN, lợi dụng sự phụ thuộc của OJB vào PVN.
Để chứng minh, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã nêu ra văn bản ngày 7/9/2010 do Chủ tịch HĐTV PVN Đinh La Thăng ký. Đó là văn bản số 6843 yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc PVN và các nhà thầu dầu khí phải thực hiện mở tài khoản tại OJB, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OJB, bao gồm: cấp phát vốn, thanh toán, gửi tiền, và các dịch vụ tài chính khác, trong đó có các quan hệ tài chính giữa các đơn vị với nhau.
“Các đơn vị khẩn trương phối hợp với OJB thực hiện và phải báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010”, nội dung văn bản chỉ đạo.
Luật sư Tâm cho rằng không cần xét hình thức chỉ đạo, cần phải xét nội dung chỉ đạo và đây là chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV chứ không phải của TGĐ PVN. “Điều này có ý nghĩa rất quan trọng để xác định hành vi của Nguyễn Xuân Sơn, từ nội dung đó có thể rút ra kết luận, quan hệ giữa PVN và OJB đã được hai Chủ tịch của hai đơn vị thống nhất, thỏa thuận và triển khai cam kết hỗ trợ tối đa trước khi Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu sang OJB công tác. Kể cả thời gian sau khi Nguyễn Xuân Sơn thôi chức TGĐ OJB để về làm Phó TGĐ PVN”, luật sư Tâm nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, quan hệ giữa hai pháp nhân PVN và OceanBank đã được xác lập bằng văn bản thỏa thuận cam kết tháng 9/2008, do Chủ tịch PVN Đinh La Thăng ký với Chủ tịch OJB Hà Văn Thắm. Trong đó cam kết rõ ràng về nghĩa vụ của PVN trong việc hỗ trợ OJB thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa, sau đó tinh thần và nội dung văn bản thỏa thuận này còn được chính TGĐ PVN và đích thân Chủ tịch PVN quán triệt đến từng đơn vị thuộc Tập đoàn bằng văn bản đã nêu trên. Từ đó có thể suy ra, ở PVN không ai có thể làm trái thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn.
Luật sư bày tỏ: "Tài thánh cũng không cho phép Nguyễn Xuân Sơn làm trái quy định tại văn bản này."
Ông biện hộ tiếp: "Nguyễn Xuân Sơn có dám dùng tư cách cá nhân yêu cầu các đơn vị gửi tiền vào PVN hay không? Đương nhiên là không! Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của OJB vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OJB phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân".
"Suy nghĩ này không được chứng minh, trong khi đó trách nhiệm của Viện Kiểm sát là phải chứng minh. Nếu không chứng minh được sẽ không thể kết tội Nguyễn Xuân Sơn tham ô, từ đó không thể đề nghị mức án tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn", vị luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Bổ sung cho lập luận của luật sư Tâm, luật sư Phạm Danh Tín nói rằng, ông ngỡ ngàng vì một hành vi chi lãi ngoài hợp đồng mà thân chủ bị cáo buộc tới 03 tội: Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Tín nói: Nhìn tổng quan, toàn bộ vụ án này chỉ có mấy hành vi chính: chi 69 tỷ đồng từ BSC, chi 1.500 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng và cho vay 500 tỷ đồng.
Việc chi lãi ngoài “đúng là vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước”, nhưng đã được chứng minh là “không thiệt hại”. “Chưa có cơ quan pháp lý nào xác định 1.500 tỷ là thiệt hại của OJB. Nếu thực sự chứng minh được thiệt hại, ông Sơn chỉ phạm một tội là Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư nói.
Trong phần luận tội sáng 14/9, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị xử phạt Nguyễn Xuân Sơn từ 16-18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân về tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội tham ô. Tổng hợp buộc bị cáo Sơn chấp hành hình phạt tử hình./.