Olympic Tokyo 2020: Rập rình nỗi lo trên đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –Thế vận hội 2020 sẽ đi vào lịch sử phong trào Olympic với nhiều điều khác thường, thậm chí là tranh cãi. Thế vận hội 100% không khán giả nhưng hành động này cũng không giúp đảo chiều thái độ người dân Nhật Bản.
Ban tổ chức chủ nhà đã tiêu tốn hơn 26 tỉ USD cho kỳ Olympic năm nay. Ảnh ATT
Ban tổ chức chủ nhà đã tiêu tốn hơn 26 tỉ USD cho kỳ Olympic năm nay. Ảnh ATT

Thế vận hội này sẽ có 339 nội dung thi đấu trong 33 môn thể thao khác nhau, bao gồm tổng cộng 50 phân môn. Đây là lần đầu tiên ngày hội thể thao thế giới bị 55% người dân địa phương phản đối, còn 68% người khảo sát cho biết không tự tin vào khả năng kiểm soát dịch Covid-19 xoay quanh Olympic. Đến lúc này Nhật Bản đã có 842 ngàn ca bệnh (Tokyo 189 ngàn ca), tử vong 14.993 người (Tokyo 2.252 người), tình hình được cho là nghiêm trọng.

Toyota – tập đoàn xe số 1 thế giới và cũng là một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản tài trợ cho Olympic Tokyo 2020 đã quyết định rút mọi quảng cáo có liên quan tới sự kiện này trên truyền hình. Hãng không muốn hình ảnh của mình còn dính dáng tới Thế vận hội "tranh cãi nhất lịch sử" này.

Người dân Nhật Bản đặc biệt phản đối việc chính phủ nước này tiếp tục tổ chức sự kiện do lo ngại dịch COVID-19 với chủng Delta mới bùng phát. Chủ tịch kiêm CEO Toyota Akio Toyoda và các lãnh đạo tập đoàn khác sẽ không tham dự lễ khai mạc Olympic tổ chức vào 23/7 tới.

Trong một cuộc khảo sát có 55% người dân Nhật phản đối tổ chức Olympic Tokyo 2020. Ảnh CNN.

Trong một cuộc khảo sát có 55% người dân Nhật phản đối tổ chức Olympic Tokyo 2020. Ảnh CNN.

Thủ đô Tokyo đang ở mức cảnh báo cấp 4 về Covid-19 trong bối cảnh tỷ lệ người tiêm vắc xin mới chỉ hơn 20%, vậy nên việc người dân địa phương lo sợ hàng chục ngàn quan chức, tuyển thủ và nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Nhật Bản từ ngày 23/7 đến 8/8 sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh là điều dễ hiểu, nhất là khi chỉ trong cuối tuần qua đã có hơn 25 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tới từ nhóm nhập cảnh này.

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có khoảng 1/5 số lượng VĐV (11.000 VĐV) và quan chức chưa được tiêm chủng. Ban tổ chức đã không đưa ra yêu cầu bắt buộc về chủng ngừa đối với những người tham gia và Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm du lịch quốc tế, cho phép khách nhập cảnh dù trước đây nước luôn có các yêu cầu kiểm dịch gắt gao. 10.000 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine vào tháng 6 nhưng đã có 3 người dương tính.

IOC và Ban tổ chức chủ nhà đã tiêu tốn hơn 26 tỉ USD cho kỳ Olympic năm nay nên quyết tâm tổ chức. Một danh sách các điều cấm dài đã được ban hành như các VĐV không trò chuyện trong thang máy, im lặng tuyệt đối trong bữa ăn, không được mua sắm tại các cửa hàng sân bay, không ôm nhau, cấm tham quan bên ngoài địa điểm tập luyện, nơi ở hoặc làng Olympic; chỉ vỗ tay, không cổ vũ hay ca hát trên sân thi đấu; các VĐV và những người tương tác cuộc chơi phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 hằng ngày và phải rời Nhật Bản trong vòng 48 giờ sau cuộc thi cuối cùng trong bộ môn của họ.