Cuối tháng 10/2017, trong một con đường nội bộ Khu Công nghệ cao TPHCM, chiếc ô tô tự lái đầu tiên do FPT phát triển đã chạy với tốc độ hơn 20 km/h, biết tự điều khiển đi thẳng, tránh xe ngược chiều, chướng ngại vật và đánh lái chuyển hướng theo các khúc cua. Thử nghiệm này của FPT dù sao cũng đã mở ra một hy vọng mới cho công nghệ này ở Việt Nam. Thực tế, các chuyên gia công nghệ ô tô phải tự tay xử lý tất các góc cua khó và tránh chướng ngại vật trong suốt giai đoạn thử nghiệm. Quá trình xử lý ấy cũng chính là việc huấn luyện cho xe.
Có thể nói, công nghệ ô tô tự lái ở nhiều nước phát triển vẫn dễ hơn Việt Nam vì về cơ bản là đường phố đều thông thoáng và chủ yếu chỉ có ô tô chạy và người đi bộ cũng rất tuân thủ luật giao thông, chỉ sang đường ở đúng vị trí quy định.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì số lượng xe máy lưu thông trên các con đường là rất lớn và nạn tắc đường xảy ra thường xuyên, thậm chí ngay cả với những con đường lớn ở Hà Nội, TPHCM. Tại Hà Nội, xe buýt nhanh tuyến Hà Đông – Cát Linh mặc dù được phân làn riêng nhưng cũng không thể nhanh được khi đường tắc và người đi xe máy cũng không ngần ngại gì đi vào làn đường riêng đó.
Qua những thực tế nói trên, có thể nói công nghệ ô tô tự lái sẽ rất khó triển khai ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Bởi thế, nên chăng với Việt Nam chỉ nên là công nghệ bán tự lái. Với những con đường thông thoáng như đường cao tốc thì xe có thể hoàn toàn tự lái. Còn khi ở trong thành phố thì vẫn buộc phải có tài xế và công nghệ tự lái chỉ có thể hỗ trợ cho lái xe.