Nút bấm Start/Stop Engine: Một tiện ích nhưng cũng có thể gây chết người
Ngô Minh
VietTimes -- Theo tờ New York Times, ước tính tại Mỹ đã có ít nhất 28 người thiệt mạng, 45 người bị tổn thương não do ngộ độc khí carbon monoxit quan đến những chiếc ô tô mới sử dụng hệ thống khởi động bằng nút bấm Start/Stop Engine.
Hệ thống khởi động nút bấm không cần chìa khóa Start/Stop Engine đang ngày càng trở nên phổ biến vì chúng cho phép người dùng vào xe của họ và bắt đầu khởi động mà không bao giờ phải cần lấy chìa khóa.
Tính năng này mặc dù đem lại sự thuận tiện nhưng mặt khác chúng có thể gây chết người trong một số trường hợp nhất định. Theo thống kê, hệ thống Start/Stop Engine hiện nay đã là một trang bị tiêu chuẩn trên hơn một nửa trong số 17 triệu chiếc xe mới được ra bán hàng năm tại thị trường Mỹ.
Một nguyên nhân bắt nguồn từ tính năng tiện ích
Cũng chính vì trang bị tiện ích này mà không ít các tài xế đã quên không tắt động cơ khi đỗ xe để vào trong nhà. Một trong những tác nhân đi kèm còn là do những động cơ mới gần đây hoạt động quá êm khiến một số chủ xe không nhận ra nó vẫn đang hoạt động.
Nếu chiếc xe cứ nổ máy trong một khoảng thời gian dài, hệ quả gây ra là họ có thể bị ngộ độc khí carbon monoxit. Bảy năm trước, Hiệp hội các kỹ sư ô tô hàng đầu thế giới đã đề xuất cần có một tính năng như tiếng bíp cảnh báo người lái là xe vẫn đang nổ máy khi không có chìa khóa bên trong hoặc ở gần xe và trong một số trường hợp là động cơ phải tự động ngắt.
Theo khảo sát của New York Times với 17 hãng ô tô tại Mỹ, tờ báo này đã nhận ra có một số nhà sản xuất trang bị cho những chiếc xe của họ các tính năng vượt xa so với tiêu chuẩn, trong khi một số khác lại tỏ ra tụt hậu. Các biện pháp an toàn đã trở thành một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà sản xuất ô tô, đôi khi còn chính trong nội bộ của các đơn vị này.
Trong một số trường hợp, người dùng có thể quên tắt máy dù đã bước ra khỏi xe của mình (Ảnh: NYT)
Toyota là một ví dụ. Trên những chiếc xe của nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản này đều có tín hiệu cảnh báo âm thanh phát ra 3 lần cả bên trong lẫn bên ngoài mỗi khi nhận thấy chìa khóa không còn trong xe mà động cơ vẫn đang nổ. Nhưng các kỹ sư của Toyota muốn các tín hiệu cảnh báo cần gây sự chú ý hơn như việc đèn pha hay đèn xi-nhan nhấp nháy hay một âm thanh độc đáo hơn thì hãng đã từ chối đề nghị này.
Cũng theo New York Times, hơn một nửa số ca tử vong và thương tích do ngộ độc khí carbon monoxit được tìm thấy trên các mẫu xe của Toyota và Lexus. Nhưng hãng xe hơi Nhật Bản khẳng định hệ thống khởi động Start/Stop Engine trên xe của mình đều đã "đáp ứng hoặc vượt quá các tiêu chuẩn an toàn của liên bang".
Một số mẫu xe mới của các nhà sản xuất khác, điển hình như Ford đã tăng cường cấp độ an toàn ở mức hơn. Những chiếc chìa khóa của Ford giờ đây đã có tính năng tự động tắt động cơ nếu động cơ chạy không tải trong 30 phút mà chìa khóa không có ở bên trong xe. Theo Ford, tính năng này đã được hãng giới thiệu bắt đầu từ năm 2013.
Năm 2015, General Motors cũng đã mở chiến dịch thu hồi những mẫu xe cũ chưa được trang bị tính năng tự tắt động cơ để nâng cấp với chi phí khá khiếm tốn, chỉ 5 USD.
Những nguy cơ tiềm ẩn đã được báo trước
Hệ thống khởi động bằng nút bấm Start/Stop Engine được giới thiệu như một tính năng cao cấp trên các dòng xe Mercedes-Benz tại Đức vào năm 1998 sau một năm Daimler-Benz nộp đơn xin cấp bằng sáng chế. Đến năm 2002, nó bắt đầu có mặt trên các mẫu xe của Mercedes-Benz bán tại thị trường Mỹ.
Một số nhà sản xuất ô tô gọi nó là Smart key (chìa khóa thông minh) và đây là một tính năng được những các hãng ô tô và người bán xe quảng cáo tới khách hàng khi họ mua những chiếc xe hạng sang.
Hệ thống Start/Stop Engine lần đầu tiên được Mercedes-Benz sử dụng vào năm 1998
Tuy nhiên, những nguy cơ rủi ro đến từ hệ thống Start/Stop Engine ban đầu được xác định là các vụ trộm cắp bởi người lái có thể để quên chìa khóa trong xe một cách tình cờ. Bên cạnh đó, những cố vấn của Ủy ban quản lý an toàn giao thông quốc gia của Mỹ NHTSA đã từng cảnh báo các nhà sản xuất ô tô vào năm 2002 rằng việc khởi động bằng nút bấm sẽ dễ phát sinh lỗi từ con người.
Trong năm 2006, tổ chức này đã cập nhật các quy định mới để đưa ra cảnh báo tới các bang về vấn đề liên quan tới hệ thống Start/Stop Engine, yêu cầu "một cảnh báo phải đủ để thu hút sự chú ý của tài xế trước khi bước ra họ bước ra khỏi xe mà không mang theo chìa khóa".
Chỉ sau 2 tuần cảnh báo được đưa ra, Jeanette Colter - một phụ nữ 70 tuổi sống tại bang Florida không nhận ra bà đã để chiếc Toyota Avalon nổ máy ở trong gara. "Ngôi nhà chứa đầy khí carbon monoxide và bà ngã gục và chết giữa phòng ngủ và nhà bếp, còn chồng bà là David 89 tuổi cũng đã chết trong phòng ngủ", Vickie - con gái bà kể lại. Họ dường như là nạn nhân đầu tiên do ngộ độc khí carbon monoxide liên quan đến những chiếc ô tô sử dụng hệ thống khởi động bằng nút bấm.
Đến năm 2009, một loạt sự cố như vậy tiếp tục xảy ra đã thu hút sự quan tâm chú ý của Hiệp hội kỹ sư ô tô. Họ đã thành lập một ban hội thẩm nghiên cứu các phương pháp khuyến cáo để giải quyết các mối nguy hiểm từ hệ thống khởi động bằng nút bấm. Các mục tiêu bao gồm giảm thiểu "lỗi do người dùng gây ra" như "rời khỏi xe trong khi động cơ vẫn đang được bật."
Các cảnh báo bằng âm thanh hoặc ánh sáng để nhắc người dùng vẫn chỉ là hình thức cách hãng xe tự nguyện trang bị
Đến tháng 1/2011, các khuyến cáo được ban hành yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải cài đặt các cảnh báo như tiếng bíp hoặc đèn nháy cảnh báo khi tất cả các cửa vẫn đang đóng, động cơ vẫn đang nổ mà chìa khóa không có trong xe. Nếu động cơ tự động tắt, các cảnh báo sẽ dừng lại.
NHTSA đã đề xuất một quy định liên bang dựa trên ý tưởng kể trên. Hiện tại, quy định mới này vấp phải sự phản đối của ngành công nghiệp ô tô nên nếu có trên xe thì đó vẫn chỉ là một tính năng cảnh báo được các nhà sản xuất tự nguyện đưa vào.