Nước Mỹ có cần tăng tỷ lệ thất nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù có một vài dấu hiệu chậm lại, nhưng thị trường lao động Mỹ vẫn quá "nóng" để Fed vẫn phải duy trì mức độ cảnh giác cao.

Thị trường lao động còn "nóng" sẽ buộc Fed phải tiếp tục siết chặt chính sách (Ảnh: Getty)
Thị trường lao động còn "nóng" sẽ buộc Fed phải tiếp tục siết chặt chính sách (Ảnh: Getty)

Mùa Hè ở nước Mỹ, vốn nổi tiếng với nhiều hoạt động như bóng chày và các hội chợ nông thôn, giờ bước vào thực trạng mới: nhiều bể bơi thiếu nhân viên cứu hộ, các khu trại thiếu nhân viên và các nhà hàng thiếu người phục vụ.

Tình trạng thiếu hụt lao động này gây ra ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với nỗi lo của các doanh nghiệp. Trong hơn một năm diễn ra cuộc chiến chống lạm phát của Fed, thị trường lao động Mỹ đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sức khỏe của thị trường lao động được coi là một chỉ số vô cùng quan trọng để đo xem Fed có thành công hay không trong cuộc chiến chống lạm phát.

Đầu tiên, đại dịch COVID-19 chính là một nguyên nhân gây ra khoảng trống trong lực lượng lao động, do nhiều người không muốn mạo hiểm ra ngoài tìm việc làm. Hiện tại, như dữ liệu mới đây đã chỉ ra, bản thân nền kinh tế cũng là một nguyên nhân. Hãy xem tất cả các thước đo, tất cả đều cho thấy thị trường lao động giảm nhiệt đôi chút trong năm ngoái, nhưng vẫn ổn định theo các tiêu chuẩn lịch sử.

Cứ mỗi một người thất nghiệp ở Mỹ, thì có 1,6 việc làm sẵn có, tỷ lệ này đã giảm đôi chút nếu so với giữa năm 2022, nhưng lại cao hơn mức bình thường giai đoạn trước đại dịch. Kể từ tháng 2/2020 – trước khi COVID-19 tràn đến Mỹ - nền kinh tế nước này đã tạo thêm gần 4 triệu việc làm, giúp tỷ lệ có việc vượt trên xu hướng dài hạn.

Dường như không có nhiều người lao động bị bỏ mặc: khoảng 84% người trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 54 tuổi) giờ tham gia vào lực lượng lao động, nhiều nhất kể từ năm 2022 và chỉ kém mức cao lịch sử 1 điểm phần trăm.

2.png
Việc làm còn trống trên mỗi người thất nghiệp, và tỷ lệ tăng lương theo năm ở Mỹ (Ảnh: Economist)

Nhìn từ góc độ người lao động, thị trường lao động bền vững là đáng hoan nghênh. Tốc độ tăng lương trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là trong ngành xây dựng, đã tăng nhanh chóng. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập ở Mỹ.

Nhóm dân cư thuộc tầng lớp kém giàu có hơn có xu hướng hưởng lợi một cách không cân xứng từ thị trường lao động khỏe mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi trong tháng 4 chỉ đạt mức 4,7%, một mức thấp kỷ lục.

Liệu những lợi ích này còn tồn tại khi tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng tới giá cả? Thu nhập theo giờ trong tháng 6 đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, gần giống với tỷ lệ lạm phát gần gấp đôi so với mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Một số thước đo khác còn cho thấy sức ép có thể tăng cao hơn. Một báo cáo của Fed Atlanta chỉ ra rằng mức tăng trưởng tiền lương hàng năm ở mức 6% trong năm nay.

Do thị trường lao động vẫn đang mạnh mẽ, Fed gần như chắc chắn nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối tháng 7, trong khi đã ngừng một nhịp trong tháng 6. Các thị trường đang đặt cược 92% khả năng Fed nâng lãi suất ¼ điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ này chỉ là 50-50 trong tháng trước.

Trong tháng 3 năm nay, sau khi một số ngân hàng cỡ vừa sụp đổ, bao gồm Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), nhiều người lo rằng tình trạng bất ổn tài chính sẽ lan khắp nền kinh tế Mỹ. Nhưng trong bài phát biểu ngày 6/7, Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho rằng thị trường lao động khoẻ mạnh hơn so với dự kiến đòi hỏi Fed cần siết chặt thêm chính sách. “Cắt giảm lao động vẫn ở mức thấp”, bà nói. “Không có dấu hiệu nào cho thấy sự suy yếu các điều kiện của thị trường lao động”.

Những người lạc quan tin rằng thị trường lao động sẽ hạ nhiệt vừa đủ nhưng tránh tỷ lệ thất nghiệp tăng quá cao. Họ chỉ ra một số dấu hiệu. Ví dụ, có khoảng 9,8 triệu việc làm mới trong tháng 5, giảm 1,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong một viễn cảnh lý tưởng, các chủ doanh nghiệp có thể không tuyển thêm người, nhưng cũng không sa thải nhân viên. Về lý thuyết, điều này có thể giúp làm chậm đà tăng lương mà không đảo ngược những lợi ích mà người lao động có được trong vài năm gần đây.

Ở một mức độ nào đó, điều này đang xảy ra. Mặc dù vẫn nhanh, nhưng tăng trưởng thu nhập theo giờ đã thấp hơn 1 điểm phần trăm so với cách đây một năm.

Còn những người lạc quan lại phản bác rằng, thị trường lao động cần một thời gian dài mới có thể hạ nhiệt, và nền kinh tế không đi theo từng bước rõ rệt. Fed đã nâng lãi suất với nhịp độ cao trong suốt năm ngoái, và sức ảnh hưởng vẫn chưa thẩm thấu hết. Ngoài ra, chừng nào thị trường lao động còn khoẻ mạnh và lạm phát còn cao, Fed có rất ít lựa chọn ngoài việc phải siết chặt thêm chính sách.

Theo The Economist