Hồ Gươm đóng băng
Đánh giá về đợt rét này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, đợt rét chúng ta đang trải qua hiện nay có thể nói là đợt rét hiếm gặp. Có thể nói đây là đợt rét kỷ lục trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân là do một khối không khí lạnh rất mạnh từ vùng trung tâm của Châu Á, chuyển từ vùng Sybia chuyển về Trung Quốc đã gây ra rét kỷ lục ở Trung Quốc và sau đó, lan truyền các tỉnh miền Bắc và cả các tỉnh miền Trung nước ta.
"Rất nhiều chỉ số nhiệt độ ở các trạm quan trắc mà chúng tôi ghi nhận được là chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Tuyết xuất hiện ở rất nhiều nơi, thậm chí một số nơi gần trung tâm thủ đô Hà Nội như Ba Vì, Tam Đảo cũng đã xuất hiện tuyết rơi", ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho rằng, chúng ta chưa từng đo được số liệu thấp nhất như - 5 độ C tại Mẫu Sơn (24/1/2016) cũng như là - 4 độ C tại SaPa. Chưa kể, nhiều khu vực, suốt cả ngày và đêm đều diễn ra ở nhiệt độ dưới 0 độ C ghi nhận ở rất nhiều trạm quan trắc.
Đối với thiệt hại do đợt băng tuyết, rét đậm, hại này gây ra, ông cho biết thêm, hiện chưa thể có thống kê cụ thể và phải chờ sau khi đợt rét này kết thúc mới có thể tính toán cụ thể.
Tuyết rơi phủ kín ở Sapa. Ảnh: Gia đình xã hội.
Về nhiệt độ tại thủ đô Hà Nội, theo ông Hải, trong ngày 24/1, đã ghi nhận nhiệt độ là 5,4 độ C, nghĩa là tương đương năm 1977, nhiệt độ cũng thấp tương tự như vậy.
Gần đây nhất, năm 2008, gần dịp Tết cũng có một trận rét kỷ lục kéo dài 38 ngày. Xa hơn nữa, năm 1971, cũng có một đợt rét kỷ lục.
Một thông tin cũng được ông Hải chia sẻ, đó là trong cuốn Niên giám các hiện tượng khí tượng thủy văn cũng đã có ghi nhận vào thời nhà Lê, nước ở hồ Gươm từng đóng băng.
"Nếu chúng ta nhìn xa về quá khứ xa hơn, trong Niêm giám các hiện tượng khí tượng thủy văn cũng đã từng ghi nhận, thời nhà Lê, tại hồ Gươm, có lần đóng băng. Đó là những việc đã từng xảy ra trong quá khứ", ông Hải nói thêm.
Còn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương thì tại Hà Nội từng xuất hiện nhiệt độ 5,1 độ C vào ngày 31/12/1975; 5 độ C vào ngày 14/2/1968 và mức thấp nhất là 2,7 độ C được ghi nhận vào ngày 12/1/1955.
"Với thời tiết ghi nhận tại Hà Nội vào tháng 1/1955 là 2,7 độ C là trong lều khí tượng tiêu chuẩn còn ở ngoài có thể thấp hơn từ 1- 2 độ C.
Và khi thời tiết xuống khoảng 1 độ C thì việc nước đóng váng băng là đã có thể xảy ra rồi. Do đó, có thể năm 1955 ở hồ Gươm đã có xuất hiện váng băng do nhiệt độ xuống quá thấp", một chuyên gia của Trung tâm KTTV TƯ nhận định.
Khi nào sẽ hết đợt rét này?
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục nên ở các tỉnh miền Bắc đã xảy ra rét hại trên diện rộng.
Các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại trên diện rộng đến hết ngày 27/1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết.
Còn theo ông Lê Thanh Hải, đợt rét này tuy rằng rất sâu và mạnh như vậy, chỉ kéo dài 3-5 ngày và vào dịp cuối tuần này, thời tiết sẽ chuyển sang mức chỉ là rét chứ không còn là rét đậm, rét hại nữa.
Sau đó,thời tiết sẽ chuyển sang thời kỳ tương đối ấm.
"Vào tuần đầu tiên, dịp giáp Tết, khoản 2/2, sẽ có một đợt mùa đông bắc tràn gây ra một đợt rét nhưng có lẽ chỉ ở mức rét đậm và vùng núi rét hại thôi chứ không có rét sâu như hiện nay.
Tuần trước Tết sẽ như vậy. Sau đó, chúng ta sẽ có một đợt rét bổ sung, nhưng chỉ có mức rét đậm, hoặc rét hại ở vùng núi cao, chứ không có đợt rét sâu, tuyết rơi băng giá như trận rét này", ông Hải thông tin.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, do nhiệt độ xuống rất thấp nên mọi người cần chú ý giữ ấm để đảm bảo sức khỏe, nhất là đối với trẻ em và người già. Khi đi ra đường cần đảm bảo mặc ấm, kín các phần chân tay.
Tuyệt đối không dùng than tổ ong để sưởi hoặc sưởi ấm trong phòng kín. Bên cạnh đó, cần hạn chế ăn uống các đồ lạnh, thực hiện ăn uống khoa học để đảm bảo sức khỏe, phòng chống các bệnh trong ngày rét.
Theo Soha/Trí Thức Trẻ