“Nóng” vấn đề thuốc bán thuốc đặc trị Molnupiravir không theo đơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với tình trạng ca nhiễm tăng cao, trong bối cảnh kiến thức về việc tự điều trị COVID-19 của người dân đã khá đầy đủ, thực sự có cần bác sĩ kê đơn mới bán thuốc đặc trị Molnupiravir?

Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội nhưng người dân bắt buộc phải có bác sĩ kê đơn mới được mua
Thuốc kháng virus Molnupiravir được bán tại nhiều hiệu thuốc khu vực TP.HCM và Hà Nội nhưng người dân bắt buộc phải có bác sĩ kê đơn mới được mua

Cục Quản lý Dược yêu cầu TP.HCM làm rõ

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường (Bộ Y tế) vừa ký văn bản đề nghị TP.HCM làm rõ tình trạng bán thuốc điều trị COVID-19 không theo đơn, trong đó có Molnupiravir.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật Dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật kê đơn, bán thuốc theo đơn trong lưu hành thuốc điều trị COVID-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn về bán thuốc theo đơn, trong đó có Molnupiravir tại các văn bản trước đó của Bộ Y tế, cũng như các hướng dẫn về thanh kiểm tra, tăng cường quản lý việc mua bán thuốc điều trị COVID-19.

Cục Quản lý Dược chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát thuốc Molnupiravir tại hệ thống các nhà thuốc trên địa bàn thành phố; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kết quả kiểm tra, xác minh và xứ lý các vi phạm, Sở Y tế TP HCM cần báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/3; đồng thời, thông báo cho cơ quan báo chí theo thẩm quyền.

Theo Cục Quản lý Dược, việc mua, bán, sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch.

Như quy định của Bộ Y tế, thì Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, bắt buộc phải có bác sĩ kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành.

Molnupiravir được Bộ Y tế cho phép sử dụng điều trị cho các F0 từ 18 tuổi trở lên, mắc COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Hướng dẫn của Bộ Y tế, Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

HCDC đưa hướng dẫn rõ ràng về sử dụng thuốc Molnupiravir

HCDC đưa hướng dẫn rõ ràng về sử dụng thuốc Molnupiravir

Đặc biệt, không sử dụng Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc.

Ý kiến hai chiều quanh việc sử dụng thuốc đặc trị Molnupiravir

Trả lời VietTimes, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm – Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM) nhấn mạnh:

“Tôi khẳng định rằng nếu có quy định bắt buộc phải có bác sĩ kê đơn thì người dân mới được tiếp cận thuốc điều trị Molnupiravir, thì cần phải hiểu rằng do nhu cầu “nóng” nên người dân sẽ đi mua thuốc “lậu”. Các nguồn thuốc trôi nổi này có thể chất lượng không tốt, hoặc nếu thuốc tốt thì giá cao hơn giá bán chính thức từ các công ty. Như vậy, người dân vừa thiệt hại về tài chính, vừa có thể uống phải thuốc không tốt. Tôi đề nghị ủy quyền cho các nhà thuốc được phép bán Monulpiravir cho người dân có nhu cầu để dân được tiếp cận thuốc sớm, điều trị kịp thời trong đúng giai đoạn từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của chu trình phát triển bệnh”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm – Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM) cho rằng cần ủy quyền cho nhà thuốc bán Molnupiravir

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM; nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm – Thần kinh (BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM) cho rằng cần ủy quyền cho nhà thuốc bán Molnupiravir

Nhắc đến yếu tố như Cục Quản lý Dược đề cập việc mua, bán, sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 không đúng quy định về kê đơn thuốc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng: “Bộ Y tế hoặc bất kỳ cơ quan chức năng nào ở Việt Nam đã tiến hành các cuộc điều tra, đã có số liệu về vấn đề người dân dùng Monulpiravir hay chưa? Hãy xem xét số lượng người cố tình mua mặc dù thuộc đối tượng không nên uống là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người mua thuốc và gây hậu quả thì sẽ biết ngay là hậu quả có ở mức trầm trọng hay không. Giả sử cả triệu người cùng uống thuốc, chỉ có một vài người sai chỉ định mà mình lại quy định là triệu người còn lại không được uống thì làm sao chống dịch được? Quy định “cứng nhắc” quá sẽ làm cho người dân hoang mang không hiểu bệnh này giờ đã được coi là bệnh bình thường hay chưa?”

Tái nhiễm COVID-19 có được tiếp tục sử dụng Molnupiravir trong các lần dương tính tiếp theo hay không cũng là câu hỏi mà người dân rất quan tâm. Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - cho biết, việc tái nhiễm COVID-19 trong thời gian gần (trong vòng 60 ngày) hoàn toàn có thể sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo.

“Sử dụng Molnupiravir trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp thì chúng ta nên ngưng thuốc vì lúc này phần lớn virus đã được tiêu diệt, đồng thời cơ thể cũng đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus còn lại trong cơ thể” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Cũng phải nhìn nhận thực tế là trong nửa năm qua, số ca nhiễm mới, số ca chuyển nặng và số ca tử vong vì COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đều đã giảm về mức cực kỳ thấp so với giai đoạn đỉnh dịch và so với hiện tại chống dịch của các tỉnh thành, vùng miền khác trên cả nước. Như vậy, ở thời điểm này, liệu có cần đặt lại vấn đề có hay không thực trạng bán thuốc điều trị COVID-19 không theo đơn, trong đó có Molnupiravir? Và việc này có thực sự gây ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch?