Chuyên gia dịch tễ đề nghị ủy quyền cho nhà thuốc bán Molnupiravir, coi COVID-19 là bệnh thông thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khẳng định: “Cần ủy quyền cho các nhà thuốc để người dân được tiếp cận nguồn Molnupiravir hợp pháp, coi COVID-19 là bệnh thông thường”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1-TP.HCM). Ảnh: Hòa Bình
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1-TP.HCM). Ảnh: Hòa Bình

Người dân cần được mua Molnupiravir

*Thưa bác sĩ, hiện tại Hà Nội đã vượt lên đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới, đồng thời, do số ca nhiễm COVID-19 ở nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục tăng rất cao, cho nên nhu cầu mua thuốc điều trị Molnupiravir của người dân vẫn đang rất lớn. Theo phản ánh từ người dân, vì số ca nhiễm quá cao nên nếu quy định bắt buộc phải chờ có bác sĩ kê đơn mới được mua thuốc thì người dân khó tiếp cận nguồn thuốc điều trị. Thưa bác sĩ, ý kiến của ông về việc này thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Tôi khẳng định rằng nếu có quy định bắt buộc phải có bác sĩ kê đơn thì người dân mới được tiếp cận thuốc điều trị Molnupiravir, thì cần phải hiểu rằng do nhu cầu “nóng” nên người dân sẽ đi mua thuốc “lậu”. Các nguồn thuốc trôi nổi này có thể chất lượng không tốt, hoặc nếu thuốc tốt thì giá cao hơn giá bán chính thức từ các công ty. Như vậy, người dân vừa thiệt hại về tài chính, vừa có thể uống phải thuốc không tốt.

Tôi đề nghị ủy quyền cho các nhà thuốc được phép bán thuốc Molnupiravir cho người dân có nhu cầu để dân được tiếp cận thuốc sớm, điều trị kịp thời trong đúng giai đoạn từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của chu trình phát triển bệnh.

Chỉ cần tuyên truyền tốt về tất cả các yếu tố để người dân hiểu rõ: Khi nào thì cần uống Molnupiravir, ai không nên uống, ai nhất thiết không được uống. Tôi chắc chắn rằng không có bất cứ người dân nào đi tìm thuốc mà không đọc thông tin, không hiểu về nó, không hỏi ý kiến bác sĩ.

*Thưa bác sĩ, nhưng nếu đã tuyên truyền rồi mà người dân vẫn cứ mua Monulpiravir về cho một số bệnh nhân F0 thuộc đối tượng không được uống thì liệu có gây hậu quả trầm trọng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Bộ Y tế hoặc bất kỳ cơ quan chức năng nào ở Việt Nam đã tiến hành các cuộc điều tra, đã có số liệu về vấn đề người dân dùng Molnupiravir hay chưa? Hãy xem xét số lượng người cố tình mua mặc dù thuộc đối tượng không nên uống là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người mua thuốc và gây hậu quả thì sẽ biết ngay là hậu quả có ở mức trầm trọng hay không.

Giả sử, hiện tại, với số F0 tăng lên đến cả triệu người Hà Nội đang mắc COVID-19 như hiện tại, nhưng tỷ lệ tử vong hiện đang rất thấp, ca chuyển nặng cũng không nhiều. Điều đó cho thấy tác dụng của vaccine đã khiến cho giai đoạn “đỉnh dịch” này của Hà Nội không quá nguy hiểm. Vậy tại sao lại phải lo lắng về tỷ lệ những người uống Molnupiravir không đúng chỉ định gây nguy hiểm?

Giả sử cả triệu người cùng uống thuốc, chỉ có một vài người sai chỉ định mà mình lại quy định là triệu người còn lại không được uống thì làm sao chống dịch được? Quy định “cứng nhắc” quá sẽ làm cho người dân hoang mang không hiểu bệnh này giờ đã được coi là bệnh bình thường hay chưa?

HCDC hướng dẫn những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Monulpiravir

HCDC hướng dẫn những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Monulpiravir

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

COVID-19 đã là bệnh bình thường hay chưa?

*Vâng, thưa bác sĩ, mới đây, Bộ Y tế cũng đã đưa ý kiến về lộ trình coi COVID-19 như bệnh lưu hành thông thường. Vậy quan điểm của bác sĩ về vấn đề này thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Chúng tôi đã tham gia rất nhiều chiến dịch khắc phục những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo dõi đến thời điểm hiện tại, COVID-19 đã không còn gây tử vong cao bằng sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng.

COVID-19 không cần phác đồ điều trị quá phức tạp. COVID-19 cũng không thuộc loại bệnh không xác định được ai thì bệnh nặng, ai bệnh nhẹ. Các đối tượng nguy cơ đều được xác định rất rõ ràng. COVID-19 cho đến giờ đã không còn là loại bệnh phải vây lại, vì chưa biết cách điều trị, khiến hệ thống y tế bị quá tải, trong cộng đồng thì chưa biết đối tượng có nguy cơ là ai và bệnh gây tử vong cao.

Hiện nay đã có thuốc điều trị là Monulpiravir được sản xuất tại 3 nhà máy ở trong nước, không cần nhập khẩu, không phải thuốc hiếm hay thuốc đắt. Ngoài thuốc đặc trị, còn có khá nhiều các loại thuốc đông – nam dược hỗ trợ như xuyên tâm liên cũng tỏ ra hiệu quả trong quá trình hỗ trợ các F0 chống chọi với virus.

Với tất cả các yếu tố trên, tôi khẳng định COVID-19 đã là bệnh lưu hành thông thường. Nhiều nước châu Âu đã coi COVID-19 là bệnh lưu hành thường, cho phép người dân đi lại, làm việc. Ngay cả kho chủng Omicron đến, làm cho số ca nhiễm tăng nhanh, nhưng không chuyển nặng, như vậy không thể nói là diễn biến phức tạp được.

Ở thời điểm hiện tại, nếu coi COVID-19 là bệnh lưu hành thông thường, sẽ đỡ chi phí và công sức của cơ quan chức năng, lực lượng y tế và đỡ tốn kém cho người dân rất nhiều.

*Thưa bác sĩ, mới đây, Bộ Y tế cũng đã đưa ra ý kiến về việc các F0 bệnh nhẹ, không có triệu chứng thì có thể đi làm trong những khu vực cách ly. Việc này có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Rất nên tháo gỡ khúc mắc về vấn đề này. Thực ra, như TP.HCM trong giai đoạn đỉnh dịch đã làm như thế. Toàn bộ các nhà máy, đơn vị sản xuất trực tiếp đều phải tổ chức những khu vực “ba tại chỗ” – tức là ăn, ngủ, làm việc ở ngay cùng một chỗ, để các F0 được cách ly và làm việc trong một khu vực riêng, F1 cách ly và làm việc trong khu vực riêng.

Nếu không làm như thế, thì sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất khổng lồ, thiệt hại về kinh tế vô số, không thể đo đếm hết được. Vì với các doanh nghiệp, khi họ đã có đơn đặt hàng thì không có lý do gì để hàng không thể giao được đúng ngày.

Hiện tại, COVID-19 đã không còn là một bệnh quá nguy hiểm với cộng đồng, thì rất cần phải chính thức quy định, cho phép để các công ty, xí nghiệp, nhà máy đỡ phải làm sai quy định. Chứ thực tế, tôi dám chắc rằng rất nhiều đơn vị đã phải lựa chọn cách làm này để ứng xử với tình hình dịch bệnh.

Cần giao quyền cho nhà máy, xí nghiệp, công ty chịu trách nhiệm đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

*Thưa bác sĩ, nhưng khi điều này trở thành bình thường, liệu có e ngại tình trạng một số doanh nghiệp sẽ lợi dụng, làm quá, bắt buộc các F0 – là đối tượng người bệnh cần được nghỉ ngơi thì vẫn phải đi làm?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: - Theo tôi thì đây nên là sự thỏa thuận hợp tình hợp lý giữa người lao động và đối tượng sử dụng lao động. Nếu công ty, đơn vị có tình nghĩa, tôn trọng nhân quyền thì người lao động được quyền lựa chọn giữa việc nghỉ ngơi hoàn toàn hay vẫn đi làm trong giai đoạn nhiễm bệnh và là F0, dù không trở nặng. Thêm vào đó, đơn vị có thể sắp xếp các khoản chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho F0 nếu họ lựa chọn đi làm để đảm bảo sản xuất. Như vậy sẽ giải quyết được bài toán khó cho cả đôi bên.

Hòa Bình (thực hiện)