Nóng: Doanh trại quân đội Myanmar bị tấn công, 26 người tử thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi đảo chính quân sự nổ ra ở Myanmar, tình hình ngày càng trở nên rối ren phức tạp. Sau khi nhiều công ty Trung Quốc bị cướp bóc và đốt phá, ngày 18/3, một doanh trại quân đội đã bị tấn công.
Người biểu tình Myanmar chống trả lực lượng an ninh (Ảnh: AP).
Người biểu tình Myanmar chống trả lực lượng an ninh (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Ifeng ngày 19/3 dẫn nguồn báo chí Myanmar, sáng ngày 18/3 rằng một doanh trại quân đội nằm tại cây số 39 của đường cao tốc Yangon - Naypyitaw ở Myanmar đã bị những người của một tổ chức không rõ danh tính tấn công bằng lựu đạn từ một chiếc mini bus, khiến 17 người chết và 9 người bị thương. Cũng có nguồn tin khác cho rằng vũ khí mà những kẻ tấn công sử dụng là loại ống phóng hỏa tiễn vác vai.

Được biết trước đó quân đội Miến Điện đã thiết lập một trạm kiểm soát ở Cây số 39 đường cao tốc để kiểm tra phương tiện và nhân sự qua lại. Sau khi vụ việc xảy ra, quân đội đã đóng cửa tất cả các lối ra của 115 dặm đường cao tốc và truy tìm chiếc xe liên quan. Đồng thời, quân đội Myanmar cũng ra thông báo sẽ đóng cửa tuyến đường cao tốc Yangon - Naypyitaw 20 giờ từ khi xảy ra vụ tấn công đến 4 giờ sáng ngày hôm sau (19/3).

Quân đội Myanmar lập các chốt chặn trên tuyến giao thông (Ảnh: AP).

Quân đội Myanmar lập các chốt chặn trên tuyến giao thông (Ảnh: AP).

Liên quan đến vụ tấn công này, quân đội Myanmar vẫn chưa đưa ra bất cứ thông báo gì.

Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (quân đội) Myanmar đã cáo buộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ - đảng cầm quyền của Myanmar, đã gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội Myanmar vào ngày 8/11/2020 và do đó đã tiến hành một cuộc đảo chính quân sự vào sáng ngày 1/2/2021.

Vài giờ sau cuộc đảo chính, Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm trên lãnh thổ Myanmar và tuyên bố quyền lực đã được chuyển giao cho Tổng tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Myanmar Min Aung Lai. Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều nhà lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cầm quyền đã bị bắt.

Ngoài ra, theo báo chí địa phương, hôm thứ Tư (17/3), những người biểu tình Myanmar đã đụng độ với lực lượng an ninh, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Theo Irrawaddy News, trong số những người thiệt mạng bao gồm một người biểu tình bị bắn vào đầu ở thị trấn Hlaing, Yangon.

Người biểu tình chiếm một đường phố ở Yangon (Ảnh: AP).

Người biểu tình chiếm một đường phố ở Yangon (Ảnh: AP).

Có một đoạn video cho thấy những người biểu tình đã ném bom cháy vào các rào chắn ở Hlaing, đồng thời có những tiếng nổ lớn được nghe thấy. Quần áo của một người biểu tình bốc cháy khi anh ta ném một quả bom xăng. Người này đã được những người biểu tình khác chăm sóc và cuối cùng ngọn lửa trên lưng anh ta đã được dập tắt bằng bằng bình cứu hỏa.

Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị cho biết kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào ngày 1/2, ít nhất 217 người đã thiệt mạng và hơn 2.000 người bị bắt.

Theo các báo, chính quyền quân sự Miến Điện đã đưa ra thêmcác cáo buộc chống lại nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi nhằm bảo vệ cuộc đảo chính của họ hôm 1/2 và đảm bảo rằng bà tiếp tục bị giam cầm.

Chính quyền quân sự đã cáo buộc bà Aung San Suu Kyi vi phạm luật chống tham nhũng, theo tin của đài truyền hình chính phủ MRTV, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải đối mặt với mức án tù 15 năm. Đây là sự bổ sung bên cạnh 4 cáo buộc khác đối với bà mà chính quyền quân sự trước đó đã đệ trình lên tòa án ở thủ đô Naypyitaw.

Đài MRTV đã phát một video clip về ông Maung Weik, Chủ tịch của Công ty xây dựng Say Paing. Ông này nói từ năm 2018 đến tháng 4 năm 2020, ông ta đã 4 lần mang tới nhà ở của bà Aung San Suu Kyi đưa hối lộ 550.000 USD để có thể thuận lợi hoàn thành dự án của mình. Ông ta nói không có nhân chứng nào.

Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở cầu thị trấn Hlaing (Ảnh: Reuters).

Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở cầu thị trấn Hlaing (Ảnh: Reuters).

Các nhà chức trách đã ngăn không cho bà Aung San Suu Kyi gặp nhóm luật sư của mình. Nhóm luật sư đã phủ nhận thân chủ của họ có hành vi sai trái và cho rằng tất cả các cáo buộc đều là mang tính chính trị. Phiên tòa điều trần của bà Aung San Suu Kyi dự kiến ​​ban đầu diễn ra vào ngày 15/3 đã bị hoãn lại vì tòa án không có mạng Internet do nhà chức trách cắt liên lạc để ngăn chặn các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc bà Aung San Suu Kyi sử dụng một phần số tiền quyên góp cho Quỹ Khin Kyi cho cá nhân, cho thuê đất thuộc sở hữu nhà nước để làm trụ sở quỹ và mua đất cho một trung tâm dạy nghề ở Naypyitaw với giá thấp hơn giá trị thị trường. Trước đó, bà Aung San Suu Kyi đã bị truy tố vì vi phạm luật xuất nhập khẩu, luật quản lý thiên tai, luật viễn thông và luật hình sự thời thuộc địa.