Những diễn biến mới xung quanh sự kiện doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự kiện các nhà máy của Trung Quốc tại Khu công nghiệp Hlaing Tharyar ở Yangon, Myanmar bị tấn công, cướp bóc và đốt phá tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, 37 công ty Trung Quốc đã phastaans công, đốt phá (Ảnh: Dwnews).
Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, 37 công ty Trung Quốc đã phastaans công, đốt phá (Ảnh: Dwnews).

37 nhà máy bị tấn công, Trung Quốc rút nhân viên

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 17/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, tính đến 20 giờ ngày 16/3 theo giờ Bắc Kinh, sự kiện tấn công đốt phá hôm 14/3 đã gây thiệt hại cho 37 nhà máy Trung Quốc và 3 nhân viên Trung Quốc bị thương.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, sau khi thực hiện thiết quân luật, lực lượng an ninh của Myanmar trong khu công nghiệp đã được tăng cường và tình hình đã có vẻ ổn định. Đại sứ quán nhấn mạnh, Trung Quốc đã yêu cầu phía Myanmar thực hiện các biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực và điều tra, xử lý những người gây ra vụ việc theo quy định của pháp luật.

Được biết, vào ngày 15/3, Ủy ban Quản lý Quốc gia Myanmar đã thông báo về việc thực hiện quân quản tại nhiều thị trấn khác nhau ở Yangon và Mandalay. Sau đó, các nhà khai thác thông tin di động trong nước của Myanmar cho biết họ đã nhận được thông báo chính quyền sẽ ngắt mạng thông tin di động vô thời hạn bắt đầu từ ngày 15/3 và các điện thoại di động của họ sẽ chỉ giữ lại chức năng nghe gọi và nhắn tin. Hiện tại mạng thông tin cáp quang (FTTH) của Myanmar vẫn chưa bị đóng cửa, người dùng cũng có thể truy cập Internet thông qua chức năng WiFi của mạng cáp quang.

Nhà xưởng và xe hơi trong nhà máy Trung Quốc bị đốt phá (Ảnh: Guancha).

Nhà xưởng và xe hơi trong nhà máy Trung Quốc bị đốt phá (Ảnh: Guancha).

Theo truyền thông Hong Kong South China Morning Post, phía Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar rút các nhân viên không thiết yếu về nước. Theo các nguồn tin, họ đã nhận được chỉ thị sau khi hàng chục nhà máy của Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công.

South China Morning Post cho biết thêm rằng Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) đã ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ở Myanmar phải sơ tán những nhân viên các dự án đã ngừng hoạt động về nước.

South China Morning Post ngày 16/3 đăng bài cho biết một thông báo cho thấy SASAC yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc của Myanmar sơ tán nhân viên các dự án đã bị tạm dừng. Thông báo chỉ ra rằng những người khác cũng cần phải sơ tán về nước bao gồm các nhân viên đã kết thúc luân chuyển, các nhân viên chưa được tiêm phòng, nhân viên sống ở vùng sâu vùng xa và nhân viên tại các địa phương đang xảy ra tình trạng nghiêm trọng.

Một nhân viên của một công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar xác nhận rằng anh ta đã nhận được chỉ thị từ SASAC vào cuối tuần qua. SASAC giám sát và quản lý 90 doanh nghiệp nhà nước. "Trên thực tế, hầu như tất cả các dự án đã dừng lại. Chúng tôi đang thảo luận xem ai nên ở lại và quan sát diễn biến tình hình. Tôi nghĩ hầu hết chúng tôi sẽ về nhà vì hiện không thể làm gì được".

Trong thông báo, SASAC cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp nhà nước ở Myanmar thực hiện các cuộc diễn tập khẩn cấp để đảm bảo có đủ phương tiện, nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cần thiết cho việc triệt thoái.

Trang weibo của một công ty Trung Quốc ở Yangon thông báo về thiệt hại của họ: hơn 150 triệu NDT (Ảnh: Guancha).

Trang weibo của một công ty Trung Quốc ở Yangon thông báo về thiệt hại của họ: hơn 150 triệu NDT (Ảnh: Guancha).

Một nguồn tin khác từ một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có liên quan đến dự án thủy điện cũng cho biết đã nhận được chỉ thị công ty sẽ đưa những nhân viên không cần thiết trở về Trung Quốc. Các nhân viên còn lại ở Myanmar được yêu cầu không được tự ý rời khỏi công ty, ngoại trừ việc đi mua thực phẩm và nước uống. "Tất cả các ngân hàng đều đã đóng cửa, chúng tôi phải tìm cách có tiền mặt để mua đồ tiếp tế. Chúng tôi phải liên hệ với đại sứ quán bằng điện thoại cố định, vì mạng di động luôn bị gián đoạn. Tình hình khá căng thẳng."

Theo bài báo, người phát ngôn của SASAC từ chối bình luận về kế hoạch triệt thoái. Phóng viên vẫn tạm thời chưa liên hệ được với Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon.

Được biết, vào ngày 14 tháng 3, 32 nhà máy do Trung Quốc làm chủ tại một khu công nghiệp ở trung tâm kinh doanh ở Yangon, Myanmar, đã bị tấn công và đốt phá bởi đám đông có vũ trang, gây thiệt hại về tài sản 240 triệu Nhân dân tệ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã ra lệnh rút các doanh nghiệp nhà nước khỏi Myanmar.

Các công ty Đài Loan và Nhật cũng bị vạ lây

Truyền thông Myanmar The Irrawaddy đưa tin, một trong những nhà máy đóng giày sở hữu của Đài Loan có tên là Tsang Yih (Xương Ức) cũng đã bị phóng hỏa, đây là một trong những nhà máy sản xuất giày do nước ngoài sở hữu lớn nhất ở Myanmar với hơn 9.000 công nhân.

Ngoài ra, cùng ngày 14/3, một nhà máy của công ty mẹ thương hiệu thời trang nổi tiếng UNIQLO của Nhật Bản tại Myanmar cũng bị phóng hỏa.

Theo Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, công ty Fast Retailing Co. của Nhật Bản ngày 16/3 tuyên bố vào cùng ngày các nhà máy Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công, cướp phá và đốt cháy, hai nhà máy của công ty ở Myanmar cũng bị đốt phá. Công ty này nổi tiếng với thương hiệu thời trang UNIQLO.

Công ty cho biết, sự cố đốt phá xảy ra trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự vào Chủ nhật 14/3, mức độ thiệt hại của nhà máy hiện chưa rõ.

Fast Retailing cho biết nhà máy của đối tác của họ ở Yangon nằm trong một thị trấn đã được ban bố tình trạng thiết quân luật. Công ty cũng cho biết kể từ khi nhà máy đóng cửa vào ngày 14/3, họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về thương vong liên quan đến vụ cháy.

Nhà máy của công ty Nhật sở hữu thương hiệu thời trang UNIQLO ở Yangon cũng bị đốt phá (Ảnh: zaobao).

Nhà máy của công ty Nhật sở hữu thương hiệu thời trang UNIQLO ở Yangon cũng bị đốt phá (Ảnh: zaobao).

Quân đội Myanmar đã đốt phá các nhà máy của Trung Quốc?

Ai phải chịu trách nhiệm về vụ đốt phá các công ty Trung Quốc hiện đang là vấn đề được quan tâm. Theo Đa Chiều, trang mạng RFI của Pháp dẫn lời một người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ phương Tây đã sống ở Myanmar nhiều năm tiết lộ rằng có đủ các chứng cứ, bao gồm một số lượng lớn các bức ảnh và nhân chứng để chứng minh rằng phần lớn các vụ đốt phá là do quân đội Myanmar thực hiện.

Ông này cho rằng động thái này của quân đội là “một mũi tên nhằm ba đích”: Thứ nhất, chuyển hướng sự chú ý của thế giới bên ngoài, bởi vì Chủ nhật 14/4 vừa qua là ngày đẫm máu nhất ở Myanmar; Thứ hai, đổ lỗi cho người khác và tạo cớ để đàn áp những người biểu tình; Thứ ba là tìm kiếm tiền bạc, vì các công ty Trung Quốc và các công ty nước ngoài khác sẽ tìm kiếm sự bảo vệ của quân đội Myanmar và quân đội do đó có thể thu được tiền.

Người này cũng chỉ ra rằng quân đội Myanmar đã không có bất cứ giới hạn nào, họ đã bắn chết bừa bãi những người biểu tình.

Tài khoản Twitter "Myanmar Kokang Militia" theo dõi sát tình hình ở Myanmar, cũng đăng bài nghi ngờ quân đội phải chịu trách nhiệm về vụ đốt phá.

BBC dẫn lời Lâm Ba, một người Trung Quốc kinh doanh ở Yangon trong nhiều năm, nói rằng tình hình hiện tại khá hỗn loạn và mọi người không biết danh tính của những kẻ phá hoại. “Có đủ mọi đồn đoán. Có người cho rằng đó là do quân đội thực hiện. Họ hướng áp lực lên Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ. Cũng có một số người nghĩ rằng dân chúng Myanmar đã trả đũa các công ty Trung Quốc”. Ông nói: “Những chuyện như vậy không phải là hiếm thấy ở Myanmar; trước đây cũng đã từng xảy ra”.

Hình ảnh hỗn loạn trên đường phố Yangon (Ảnh: AP).

Hình ảnh hỗn loạn trên đường phố Yangon (Ảnh: AP).

Trung Quốc yêu cầu phải điều tra và trừng phạt các thủ phạm

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3, người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã công khai yêu cầu Myanmar “điều tra và xử lý thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cùng nhân viên của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar”.

Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Về vụ việc doanh nghiệp Trung Quốc tại Myanmar bị đánh đập, cướp bóc và đốt phá, tính chất của sự việc này rất xấu xa. Sau khi sự việc xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã nhanh chóng liên hệ với Hội Thương mại Doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar và các doanh nghiệp, nhanh chóng yêu cầu cảnh sát địa phương thực hiện các biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc”.

Ông Triệu Lập Kiên cho biết thêm: "Phía Myanmar đã tăng cường thêm lực lượng cảnh sát và cứu hỏa đến các khu vực bị ảnh hưởng để tăng cường các biện pháp xử lý an ninh tại chỗ. Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc giục Myanmar thực hiện các biện pháp thiết thực để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực".

Về việc liệu Trung Quốc có rút kiều dân về nước hay không, ông Triệu Lập Kiên không trả lời trực tiếp.