Chính sách cứng rắn của Mỹ với Huawei là tin vui cho 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất của công ty Trung Quốc trên thị trường thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển).
Theo các nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn tại Châu Âu (khách hàng của cả Huawei, Nokia và Ericsson), Nokia và Erisson đã chậm cung cấp các thiết bị tiên tiến như của Huawei.
Ngoài Huawei, Nokia và Ericsson cũng đang phải đối mặt với thế lực mới là Samsung, gã khổng lồ smartphone Hàn Quốc đang rất muốn lấn sân sang mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng di động.
Bên cạnh đó, nguồn tin của Wall Street Journal cho biết Nokia và Ericsson lo ngại nếu tận dụng lợi thế thị trường để qua mặt Huawei, cả hai có thể bị Bắc Kinh trả đũa bằng cách cắt quyền tham gia vào thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Vài năm trở lại đây, Huawei đã vượt qua các công ty Bắc Âu để trở thành nhà sản xuất trạm di động, bộ định tuyến (router) và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn nghiên cứu Dell’Oro thống kê trong 3 quý đầu năm 2018, Huawei chiếm đến 28% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu. Trong khi, Nokia và Ericsson chỉ giành được lần lượt 17% và 13,4%.
Quay lại năm 2017, Huawei chiếm 27,1% thị phần thiết bị viễn thông, Nokia chiếm 16,8% và Ericsson là 13,2%.
Ảnh: IHS Markit.
|
Bất chấp lệnh cấm của Mỹ, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến vẫn đang thống trị ngành công nghiệp phần cứng viễn thông toàn cầu. Gần đây, Mỹ đã kêu gọi các đồng minh ban hành lệnh cấm tương tự. Chính phủ và các nhà mạng tại Australia, Pháp, New Zealand và một sô quốc gia đã tránh sử dụng thiết bị Huawei dựa trên lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để theo dõi và vô hiệu hóa mạng lưới truyền thông.
Phía Huawei khẳng định họ là doanh nghiệp tư nhân và không bao giờ thực hiện các hoạt động gián điệp hoặc phá hoại theo chỉ đạo của bất kỳ chính phủ nào.
Các nhà mạng lớn ở Châu Âu, hiện đang sử dụng thiết bị của Huawei cho biết việc thay thế thiết bị của một nhà cung cấp khác sẽ làm gia tăng chi phí và sự phức tạp, vì nó đòi hỏi đào tạo nhân lực thích ứng với các loại công nghệ khác nhau.
Các giám đốc điều hành của một nhà mạng lớn tại Anh cho biết Huawei cung cấp sản phẩm sớm khoảng 12 tháng, trước khi Nokia và Ericsson có thể giới thiệu phần cứng với công nghệ tương đương. Họ cũng kiến nghị với các quan chức Mỹ đang muốn "xóa sổ" hoàn toàn thiết bị mạng Huawei vào năm 2019, rằng thời điểm ra mắt dịch vụ 5G thương mại tại Anh có thể bị trì hoãn 9 tháng nếu thiếu sự tham gia của Huawei
CEO Nokia Rajeev Suri. Ảnh: CommsMEA.
|
Phát ngôn viên của Nokia cho biết công ty Phần Lan đã bán công nghệ tiên tiến cho các thị trường 5G hàng đầu, bao gồm Mỹ, và có lợi thế phân phối sản phẩm “tới tất cả các thị trường trên thế giới”.
Phát ngôn viên của Ericsson cho biết công ty tập trung vào cung cấp các sản phẩm tốt nhất và “điều quan trọng là đảm bảo tính cạnh tranh của công nghệ của chúng tôi”.
Hai nhà cung cấp đến từ Bắc Âu đang sở hữu một yếu tố quan trọng mà Huawei còn thiếu, đó là sự chấp thuận từ các cơ quan an ninh quốc gia phương Tây. Đại diện Nokia và Ericsson đã tham gia cố vấn kỹ thuật cho chính phủ Mỹ, Canada và Anh về các vấn đề an ninh mạng. Nguồn tin của Wall Street Journal tiết lộ cuộc đối thoại tại Mỹ có sự tham gia của các ủy ban tình báo và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Nokia từ lâu đã có mối quan hệ tốt với các quan chức an ninh Mỹ. Năm 2015, Mỹ đã cho phép thương vụ thâu tóm đối thủ Alcatel-Lucent (Pháp) của Nokia diễn ra. Đồng thời, Nokia cũng mua lại trung tâm nghiên cứu nổi tiếng Bell Labs ở New Jersey, nơi xử lý các vấn đề nhạy cảm cho chính phủ Mỹ.
CEO Ericsson AB Börje Ekholm. Ảnh: Vox
|
Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết lãnh đạo của cả hai công ty Bắc Âu cẩn thận không công khai đối đầu với Huawei. Đơn giản vì Nokia và Ericsson đang cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu tại Trung Quốc.
Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu vào năm 2014, các công ty châu Âu được hứa hẹn 30% thị trường thiết bị viễn thông tại quốc gia này.
Trong năm 2017, khoảng 12% doanh thu thiết bị viễn thông của Nokia (tương đương 23,5 tỷ USD) đến từ các khu vực của Trung Quốc Đại lục, bao gồm Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Phát ngn viên của Ericsson cũng cho biết 7% doanh thu của Ericsson trong năm 2017 (tương đương 22,3 tỷ USD) cũng đến từ Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, Nokia đang sở hữu 6 trung tâm nghiên cứu và phát triển, cùng 50 văn phòng trải rộng trên các siêu đô thị và tỉnh thành trên khắp cả nước. Tính tới cuối năm 2017, Nokia và Ericsson từng có một cơ sở sản xuất thiết bị tại Trung Quốc. Trong năm 2017, mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Nokia có khoảng 15.000 nhân viên tại Trung Quốc, gấp đôi số nhân lực tại Phần Lan. Ericsson có 12.000 nhân viên trải khắp khu vực Đông Bắc Á, bao gồm các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Ảnh: Reuters
|
Trong nỗ lực tham gia vào thị trường Mỹ, các luật sư của Huawei đã lấy dẫn chứng trong hồ sơ nộp lên Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hồi tháng 8 rằng Nokia cũng có hoạt động lớn ở Trung Quốc.
Phản hồi về vấn đề này, gã khổng lồ thiết bị viễn thông Phần Lan đã có lần hiếm hoi công khai chỉ trích công ty Trung Quốc. Người đứng đầu phòng quan hệ của Nokia với chính phủ Mỹ, Brian Hendricks viết Nokia chưa từng bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động gián điệp mạng, trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc trốn tránh lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Hendricks viết thêm: “Không thể nói điều tương tự về Huawei”.
Theo Wall Street Journal