Đây là bước đi mới nhất của chính quyền Trump để xóa sổ Huawei và ZTE khỏi thị trường Mỹ. Mỹ cáo buộc rằng hai công ty này đang hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc và sử dụng thiết bị để do thám người Mỹ.
Sắc lệnh trên đã được Nhà Trắng xem xét hơn 8 tháng và nhiều khả năng sẽ được ban hành ngay trong tháng 1/2019. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ được quyền cấm công ty Mỹ thực hiện giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài được đánh giá là tiềm ẩn rủi ro an ninh cao.
Mặc dù không đề cập trực tiếp tới Huawei và ZTE, nhưng theo lời của quan chức Bộ Thương mại Mỹ, sắc lệnh sẽ hạn chế sự lây lan của thiết bị do hai công ty này sản xuất.
Sắc lệnh dựa trên Đạo luật Quốc tế về Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp, một đạo luật trao cho Tổng thống Mỹ quyền điều chỉnh thương mại để đối phó với tình trạng khẩn cấp đang đe dọa nước Mỹ.
Khi sắc lệnh bắt đầu có hiệu lực, các nhà mạng Mỹ sẽ phải đối mặt với vấn đề cấp bách. Đó là tìm kiếm đối tác mới để triển khai thế hệ mạng viễn thông thứ 5.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà sẽ không bình luận khi nguồn tin chưa được xác nhận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh: SCMP
|
Bà Oánh tuyên bố: “Cách tốt nhất là để sự thật chứng minh nó [thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE] có tiềm ẩn rủi ro an ninh hay không”. Bà Oánh nói thêm: “Một số quốc gia, dù không có bằng chứng, đang dùng lý do an ninh quốc gia, ngầm giả định vi phạm để chính trị hóa. Thậm chí cản trở và hạn chế hoạt động giao dịch công nghệ thông thường”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Thực tế đó là hành động tự giới hạn chính mình, thay vì mở cửa cho sự cởi mở, tiến bộ và công bằng”.
Trong khi đó, cả Huawei và ZTE đều từ chối bình luận. Hai công ty đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc sản phẩm của họ được dùng cho mục đích gián điệp.
Nhà Trắng cũng không đưa ra ý kiến.
Vào tháng 5, tờ Wall Street Journal đã tiết lộ về sắc lệnh cấm đối với Huawei và ZTE, nhưng tới nay nó vẫn chưa được ban hành.
Tác động lớn tới nhà mạng nhỏ
Các công ty cung cấp dịch vụ mạng ở nông thôn lo ngại sắc lệnh trên sẽ khiến họ phải loại bỏ toàn bộ thiết bị mạng của các nhà sản xuất Trung Quốc mà không nhận được đền bù từ chính phủ. Ảnh: Axios
|
Tại Mỹ, các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở nông thôn là khách hàng lớn nhất của Huawei và ZTE. Tin tức mà Reuters đăng tải đã làm dấy lên lo ngại về yêu cầu loại bỏ toàn bộ thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất, mà không nhận được bồi thường.
Trong khi các nhà mạng lớn tại Huawei đã sớm phải cắt đứt quan hệ với Huawei nói riêng, và các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc nói chung; thì các nhà mạng ở khu vực nông thôn vẫn hoạt động dựa trên thiết bị của Huawei, ZTE và các nhà cung cấp giá rẻ khác.
Mối quan hệ giữa các nhà mạng nhỏ với Huawei còn thân thiết tới mức Phó Chủ tịch bán hàng của Huawei tại Mỹ, William Levy nằm trong ban quản trị của Hiệp hội Mạng viễn thông Nông thôn (Rural Wireless Association – RWA).
RWA là tổ chức đại diện cho các nhà mạng nhỏ với ít hơn 100.000 người đăng ký. Theo hồ sơ đệ trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), ước tính có tới 25% thành viên của RWA sử dụng thiết bị Huawei hoặc ZTE trong hạ tầng mạng.
Cố vấn chung của RWA Caressa Bennet lo ngại rằng sắc lệnh có thể buộc các thành viên của hiệp hội phải loại bỏ thiết bị ZTE và Huawei, cũng như ngăn chặn giao dịch trong tương lai.
Bà Bennet cho biết sẽ tốn khoảng 800 triệu đến 1 tỷ USD để các thành viên RWA có thể thay thế toàn bộ thiết bị Huawei và ZTE.
Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ Ajit Pai. Ảnh: AP
|
Tuy nhiên, FCC đã phê duyệt kế hoạch gây quỹ giúp đỡ cho các nhà mạng thay thế thiết bị tiềm ẩn rủi ro an ninh trong hạ tầng mạng vào tháng 4 năm nay. Kế hoạch được các nhà phân tích nhận định là nhằm vào Huawei và ZTE.
Hiện tại, FCC vẫn đang xem xét liệu có nên yêu cầu tất cả các nhà mạng loại bỏ và thay thế thiết bị do các công ty được coi là hiểm họa an ninh quốc gia sản xuất hay không.
Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ Ajit Pai phát biểu rằng: “Những ‘lỗ hổng back-door’ ẩn tồn tại trên bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch và hầu như tất cả thiết bị viễn thông có thể là cách để các lực lượng thù địch cấy virus, tiền hành các cuộc tấn công từ chối dịch vụ, ăn cắp dữ liệu và hơn thế nữa”.
Trong hồ sơ tháng 12, nhà mạng Pine Belt Communications ở Alabama ước tính sẽ tốn từ 7 đến 12 triệu USD để thay thế thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Nhà mạng Sage Brush ở Montano cho rằng quá trình thay thế sẽ mất 2 năm và tiêu tốn 57 triệu USD.
Nhà mạng Sage Brush nhấn mạnh rằng các sản phẩm của Huawei có giá thành rẻ hơn đáng kể. Trong quá trình tìm kiếm đối tác cung cấp thiết bị phục vụ cho cơ sở hạ tầng mạng vào năm 2010, Sage Brush tiết lộ chi phí đầu tư sẽ đội lên gần 4 lần nếu sử dụng thiết bị của Ericsson.
Theo Reuters