Nỗi lo suy thoái bao trùm chứng khoán Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu lao dốc sau động thái mới của Fed và các ngân hàng trung ương ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc trong hôm thứ 15/12, sau khi giới chức ngân hàng trung ương ở cả hai bờ Đại Tây Dương đánh tín hiệu rằng họ sẽ cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.

Các chỉ số đại diện cho chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần trong sắc xanh tăng điểm rồi lao dốc khi Fed nâng lãi suất thêm 0,5%. Điều khiến giới đầu tư lo ngại không phải là nâng lãi suất bởi điều này đã được dự đoán từ trước, mà là mức lãi suất cuối cùng mà Fed dự tính có thể cao hơn so với trước đây.

Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng tiếp bước Fed bằng việc nâng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh tín hiệu rằng các nhà đầu tư không nên kỳ vọng vào việc ngừng nâng lãi suất sớm.

“Đây không phải một sự xoay trục, không phải chậm lại, chúng tôi đang trong một cuộc chơi dài hơi,” Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói.

Các chỉ số S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones đều khép lại phiên giao dịch hôm 15/12 ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Trong quá khứ, những biến động lớn như vậy thường đem đến sự hoảng loạn nhưng giới đầu tư dường như đã quen với điều này trong năm 2022.

Các chỉ số lớn ở Mỹ đều giảm (Ảnh: FactSet)

Các chỉ số lớn ở Mỹ đều giảm (Ảnh: FactSet)

Dữ liệu được công bố trong hôm thứ Năm cũng khiến nhiều người lo ngại. Bộ Thương mại Mỹ cho hay doanh số bán lẻ, bao gồm chi tiêu tại các cửa hàng, cửa hàng trực tuyến và nhà hàng, đã giảm 0,6% trong tháng 11, so với tháng trước đó. Hoạt động sản xuất ở khu vực Philadelphia cũng thu hẹp nhiều hơn so với kỳ vọng, theo Fed Philadelphia.

“Rõ ràng là có một bầu không khí lo ngại về suy thoái trên thị trường ngay trong lúc này,” Michael Antonelli, giám đốc quản lý tại Baird, nói. “Thị trường không còn lo ngại về lạm phát nữa., mà lo ngại về một cuộc suy thoái sắp đến hoặc Fed đi quá xa trong cuộc chiến chống lạm phát.”

Những quan ngại về suy thoái đã tác động tới cổ phiếu của các ngân hàng và các hãng cho vay, theo ông Antonelli. Tính đến tháng này, các công ty tài chính có mặt trong danh sách thành phần của S&P 500 đã giảm 6,5%, khiến cho tài chính trở thành một trong những lĩnh vực tồi tệ nhất trong chỉ số này.

Theo những dự báo mới được đưa ra trong hôm thứ Tư, phần lớn quan chức Fed đều nhất trí với kế hoạch nâng mức lãi suất cuối cùng lên khoảng 5%-5,5% trong năm 2023 và duy trì mức lãi suất này cho đến khoảng năm 2024.

Các nhà đầu tư từng hy vọng rằng sức ép về giá đang giảm dần có thể giúp giới chức Fed giảm nhịp độ nâng lãi suất hoặc rút ngắn thời gian duy trì mức lãi suất cao. Thế nhưng cuộc họp vừa qua của Fed đã đảo ngược những kỳ vọng đó.

“Nhà đầu tư dường như đã nhận ra Fed đang có kế hoạch duy trì mức lãi suất cao trong khoảng thời gian dài hơn họ kỳ vọng. Thông điệp phát đi nhấn mạnh rằng, đừng kỳ vọng vào việc nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra sớm, ngay cả khi lạm phát suy giảm", Hani Redha, một quản lý danh mục đầu tư đến từ hãng PineBridge Investments, cho hay./.

Theo Wall Street Journal